Mùa xuân cách mạng trong thơ Tố Hữu
Trong làng văn thơ Việt Nam, chưa có tác giả nào mà tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy nhiều như Tố Hữu. Không phải ngẫu nhiên mà thơ ông đi vào tâm trí người đọc ở mọi lứa tuổi, thành phần.
Tôi lục tìm ở sách giáo khoa văn học cấp 2, cấp 3 từ trước năm 1975 đến nay, Tố Hữu có 14 bài thơ được dạy chính khóa và 4 bài đọc thêm. Tôi dám khẳng định trong làng văn thơ Việt Nam, chưa có tác giả nào mà tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy nhiều như thế và lâu bền như thế. Cũng có một số người cho rằng thơ Tố Hữu là thơ thời sự, là thế này thế khác. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà thơ Tố Hữu đi vào tâm trí người đọc từ một em thiếu nhi, một bác nông dân, cho đến một nhà phê bình văn học, một cán bộ, một anh bộ đội đang ra trận… Ba cuộc kháng chiến chống quân Mông - Nguyên, 10 năm kháng chiến chống quân Minh oanh liệt thế, hào hùng thế ta mong được đọc những bài thơ thời sự viết về thời ấy nhưng làm sao có?
Tố Hữu cũng tự nhận thơ ông là thơ thời sự. Tuy nhiên, thời sự trong thơ ông là của quý, là vàng thật được chở bằng con thuyền nghệ thuật trữ tình. Hãy đọc một cách hệ thống và kỹ lưỡng đề tài thơ xuân của ông. Trong làng thơ hiện đại Việt Nam, chưa có nhà thơ nào viết về mùa xuân nhiều như thế.
Nếu chỉ là mùa xuân của trời đất thì xuân nào chả thế, cũng chồi non, lộc biếc, hoa nở, én bay, mưa xuân… Và nếu nhà thơ làm thơ mùa xuân chỉ là “vịnh xuân” thì tài lắm được ba bài là trùng lặp. Thơ xuân Tố Hữu nhờ chất “thời sự” mà thành mới mẻ vì cách mạng mỗi mùa xuân một khác, nói như Bác Hồ là “thành công mới”, “thắng lợi mới”.
Năm 1956 là mùa xuân thứ hai của miền Bắc hòa bình. 2 năm hàn gắn vết thương của 9 năm khói lửa và của 80 năm đói nghèo tính từ "Hiệp ước hòa bình và liên minh" giữa triều Nguyễn với Pháp là thời gian rất ít ỏi. Vậy mà những thành tựu mới đã xuất hiện: “Đường nhựa dài óng ả/ Đồng chiêm mạ xanh rờn/ Ga mới hồng đôi má/ Cầu mới thơm mùi sơn”. Rồi “Bãi phù sa xanh mượt ngô non/ Những đàn trâu Việt Bắc béo tròn/ Đủng đỉnh về xuôi quê hương mới lạ/ Rực rỡ những làng vàng tươi mái rạ/ Gạch mới nung, đá trắng chất bên đường"…
Đến hết năm 1960, công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh cơ bản đã xong, kinh tế miền Bắc khởi sắc rõ rệt đặt nền móng để bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961-1965 xây dựng chủ nghĩa xã hội. Với hàng nghìn năm trước thì năm 1961 có một vị trí hơn hẳn, một mốc son chưa có bao giờ. Vì vậy, Tố Hữu mới viết “Chào 61 đỉnh cao muôn trượng”: "Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau/ Trông Bắc, trông Nam, trông cả địa cầu”. Nhờ có tầm nhìn xa, nhìn rộng, nhìn mới mà chúng ta nhận ra phải xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Rồi cả nước bắt tay vào hành động với khí thế mạnh mẽ, tưng bừng, hối hả: “Đi ta đi khai phá rừng hoang/ Hỏi núi non cao đâu sắt đâu vàng?/ Hỏi biển khơi xa đâu luồng cá chạy?/ Sông Đà, sông Lô, sông Hồng, sông Chảy/ Hỏi đâu thác nhảy cho điện quay chiều?”.
Vào cuối kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc tháng 8.1964. Sang năm 1965, Mỹ đánh phá ác liệt hơn. Ở miền Nam, Mỹ đổ quân vào trực tiếp tham chiến. Chiến sự cả nước trở nên rất dữ dội. Miền Bắc giờ đây không chỉ là hậu phương lớn cho miền Nam mà cũng là chiến trường. "Tiếng hát sang xuân" viết về mùa xuân năm 1965 của Tố Hữu. Ông khái quát về nhiệm vụ của miền Bắc lúc này: “Rộn ràng thay cảnh quê hương/ Nửa công trường, nửa chiến trường xôn xao”. Đây là thời kỳ khẩu hiệu “Tay búa, tay súng”, “Tay cày, tay súng” được kẻ ở khắp nơi. Đây cũng là thời kỳ mở ra phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng, phụ nữ ba đảm đang” ở miền Bắc. Ở miền Nam, Quân Giải phóng đã lớn mạnh, làm nên những chiến công lớn, đó là chiến thắng Ấp Bắc, Bình Giã, Vạn Tường… làm Mỹ và chính quyền Sài Gòn điên đảo.
Chiến sự vẫn nóng bỏng cả hai miền. Vậy mà mùa xuân 1966, với bài "Xuân sớm", Tố Hữu vẫn viết được những câu thơ tươi mát, ngọt ngào, đáng yêu: "Ôi những nàng xuân rất dịu dàng/Hát câu quan họ chuyến đò ngang/Nhẹ nhàng tay cấy bên sông ấy/Súng khoác trên lưng chẳng ngỡ ngàng".
Mùa xuân năm sau, ông viết bài “Chào xuân 1967”. Mở đầu bài thơ là tiếng súng khai hỏa, lệnh cho cả nước đánh giặc: “Xin bắn hai mươi phát đại bác vang trời. Chào xuân 1967”. Mùa xuân này “31 triệu nhân dân/ Tất cả hành quân/Tất cả thành chiến sĩ” với vũ khí là “Tên lửa tên tre/ Lưỡi lê, lưỡi mác/ Và thuyền và xe/ Chân đi vai vác/ Qua núi qua khe/ Mạnh hơn thác, trùng trùng vô tận". Trong không khí sôi sục hăm hở ra trận ấy, Tố Hữu vẫn nhìn rõ ở hậu phương “những cô dân quân vai súng tay cày”, các cụ Bạch đầu quân, mẹ già, em nhỏ mỗi người một việc góp vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, góp phần làm nên “Mỗi ngọn núi dòng sông/ Cũng hiển hách chiến công/ Lừng danh dũng sĩ". Nếu Tố Hữu chỉ chú ý đến tính thời sự thì làm sao có những câu thơ đẹp và sâu sắc như thế.
Xuân 67 là sự chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968. "Bài ca xuân 68" là tiếng hoan hô trước những chiến công vang dội của quân dân miền Nam. Nhân vật làm nên chiến công ấy là anh Giải phóng quân. Bài thơ là tượng đài về anh giải phóng. Đứng trước tượng đài ấy, Tố Hữu phải ngả mũ “Kính chào anh con người đẹp nhất”. Anh đẹp vì anh là “chàng trai chân đất/ Sống hiên ngang bất khuất trên đời”. Rất nhiều thơ viết về anh giải phóng nhưng chưa có ai viết thành công như Tố Hữu. Phải xúc động thật sự cộng với tài năng mới có thể cho ra hình tượng thơ dung dị mà hoành tráng đến thế.
Tiếp năm sau, ông có bài "Xuân 69". Bài thơ thay những bó hoa chúc mừng thắng lợi năm trước. Năm nay giặc Mỹ đã phải ngừng ném bom miền Bắc. Tranh thủ thời cơ, miền Bắc lao vào công cuộc khôi phục và xây dựng mới. Đó là “nhà máy rộn ràng khói trắng”, “Cầu xây mới”, “Những đoàn xe lại nối đuôi dài”, “Những hố bom vừa lấp đã xanh khoai”, “Súng vẫn thức”… Một sức sống mới bừng lên từ nội lực mạnh mẽ của miền Bắc như thần thoại đến mức không tưởng tượng nổi. Vì thế ông phải thốt lên: “kỳ diệu thay! Nơi cháy lửa napan/ Trụi lá cây rừng, hạt lúa thành than/ Lại là đất xanh tươi cuộc sống/ Và xanh nhất màu xanh hy vọng”.
Sang thập kỷ 70, cuộc chiến đã vào giai đoạn cuối nhưng càng gần thắng lợi, càng nhiều gian nan. Tuy vậy, kế hoạch mang tính chiến lược đã được Trung ương Đảng bàn kỹ. Bài thơ "Bài ca xuân 71", Tố Hữu viết: “Ta sẽ đánh, đánh những đòn sét đánh/ Lũ diều hâu phải rã cánh tan đầu”. Tố Hữu không chỉ là nhà thơ, ông còn là cán bộ tầm chiến lược của Đảng mới hiểu rõ chủ trương, đường lối cách mạng, mới “thơ hóa” được những thời sự nóng bỏng của đất nước.
Tám bài thơ xuân của Tố Hữu không bài nào giống bài nào. Ông kết hợp nhuần nhuyễn bút pháp “vịnh xuân” đất trời, kết hợp những sự kiện lớn lao của cách mạng cùng với cảm xúc đúng đắn và sâu sắc thành những bài thơ xuân có giọng điệu riêng. Đó chính là bút pháp riêng của Tố Hữu. Liệu thơ ông có thể gọi là “thi sử”?
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/mua-xuan-cach-mang-trong-tho-to-huu-158779