Mùa xuân của niềm tin, hy vọng!
Trở lại biên cương vào độ xuân nồng nàn. Sắc xuân lắng đọng trên cành đào đá đương bung nở sắc hương. Xuân biên cương – xuân của màu xanh sự sống và niềm hy vọng – đang ánh lên rạng rỡ trên từng gương mặt người...
Bản Sa Ná hôm nay.
Nơi sự sống hồi sinh...
Nương theo vạt nắng vàng con đường bê tông mới, chúng tôi trở lại bản Sa Ná, xã Na Mèo (Quan Sơn) khi cuộc sống nơi đây đang hồi sinh. Dọc hai bên đường, những hàng rào được phủ đầy màu sắc rực rỡ của đủ loại hoa lá. Tiếng trẻ nhỏ nô đùa vang cả một góc bản. Quanh bếp lửa hồng, người già vừa trò chuyện vừa thêm củi cho nồi bánh. Thanh niên ra trung tâm mua đào, quất về trang hoàng nhà cửa. Cờ Tổ quốc tung bay rực rỡ trên những nóc nhà nhỏ xinh...
Đã hơn 1 năm kể từ trận lũ lịch sử hồi tháng 8-2019, chẳng ai còn muốn nhắc lại sự kiện kinh hoàng ấy. Bởi tai họa bất ngờ đã cướp đi sinh mạng của 10 người, hàng chục ngôi nhà, tài sản, hoa màu của bà con bị cuốn trôi. Đó vẫn là một phần ký ức đã hằn sâu vào tâm trí, để nhắc nhở họ về sự khắc nghiệt của thiên tai, cũng để thôi thúc họ phải sống mạnh mẽ hơn. Sau rất nhiều nỗ lực của chính quyền các cấp, các ngành và sự chung tay của nhiều tổ chức, cá nhân với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”, khu tái định cư Sa Ná đã được đầu tư xây dựng khang trang và trở thành nơi an cư ổn định cho 51 hộ dân.
Ghé thăm gia đình ông Lương Văn Ốn khi ông cùng các thành viên trong gia đình đang quét dọn, chỉnh trang nhà cửa chuẩn bị đón tết cổ truyền. Ông Ốn cho biết: “Sau trận lũ lịch sử, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, gia đình tôi đã được chuyển đến khu tái định cư mới, có đầy đủ điện nước, nhà cửa, đường sá... Chúng tôi còn được hỗ trợ gạo cùng cây, con giống để phát triển sản xuất. Đến nay, đời sống của gia đình đã ổn định, nhờ có nguồn thu từ phát triển nông - lâm nghiệp. Năm nay gia đình sẽ đón một cái tết đầm ấm”.
Có thể nói, sự hồi sinh ở Sa Ná đã đem đến niềm vui, hy vọng của người dân về một cuộc sống mới, bình yên và no đủ sau chuỗi ngày vất vả. Sa Ná hồi sinh cũng là một minh chứng cho tình nghĩa đồng bào và nhất là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh thể hiện qua nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời và hết sức nhân văn. Cũng vì vậy mà mùa xuân trên bản Sa Ná cũng là mùa xuân của sự đổi thay, của sức sống mới đang trỗi dậy từng ngày.
Đổi thay một dải biên cương
Tuyến biên giới Việt – Lào có chiều dài 213,6 km, nơi cư trú của đồng bào 6 dân tộc Thái, Mông, Mường, Khơ Mú, Dao, Kinh, với dân số trên 295.000 người. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành thông qua các chương trình, dự án về phát triển kinh tế - xã hội, như: Chương trình 134, 135, 30a, Nghị quyết 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo nhanh và bền vững ở các huyện miền núi Thanh Hóa đến năm 2020”... đến nay, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc.
Dễ thấy nhất về sự đổi thay của vùng biên giới, đó là hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước được hoàn thiện. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ được nâng cấp, hàng trăm km đường giao thông liên xã, liên bản, đường tuần tra biên giới được kiên cố; sóng điện thoại di động đã đến 98% dân cư và 100% người dân được xem truyền hình, Internet. Các bản Ché Lầu, xã Na Mèo (Quan Sơn); bản Ón 1, Suối Lóng, Cân, Ón 3, xã Tam Chung (Mường Lát) đã có điện lưới quốc gia. Nhiều công trình văn hóa, thể dục thể thao, trường học, trạm y tế, hệ thống quan trắc, cảnh báo lũ ống, lũ quét và sạt lở đất đã được đầu tư xây dựng. Cùng với đó, việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông, lâm nghiệp được chú trọng. Đồng bào từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao; nhiều mô hình sản xuất đã và đem lại hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo nhanh và bền vững. Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có nhiều chuyển biến, với 4 cụm công nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại chỗ. Hệ thống dịch vụ thương mại có bước phát triển nhanh chóng, việc đang triển khai xây dựng các đô thị cửa khẩu quốc tế Na Mèo (Quan Sơn), Tén Tằn (Mường Lát), Khẹo (Thường Xuân) sẽ tạo động lực để vùng biên giới phát triển kinh tế thương mại. Lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chỉ đạo; giáo dục - đào tạo tiếp tục được quan tâm. Các chương trình “Nâng bước em tới trường”; “Con nuôi đồn biên phòng”... đang phát huy hiệu quả. Đặc biệt, công tác sắp xếp dân cư 16 xã vùng biên giới và xã đệm Mường Lý (Mường Lát), gắn với phòng, chống lũ, sạt lở đất được triển khai khẩn trương, đã góp phần ổn định đời sống cho bà con. Đến nay, đã có 156 làng, bản đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó có 1 xã, 14 làng, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 28,04%. Công tác đối ngoại biên phòng, ngoại giao Nhân dân được phát huy một cách toàn diện, có chiều sâu, góp phần quan trọng trong việc bảo vệ vững chắc, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới; tô thắm tình hữu nghị Việt Nam - Lào càng thêm bền chặt...
Dải đất biên cương đang từng ngày đổi thay, đang khoác lên sắc màu tươi mới của ấm no và bình yên.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/mua-xuan-cua-niem-tin-hy-vong/131498.htm