Mùa Xuân đến với những người lính 'Ba ba bảy'
Bỏ lại sau lưng ồn ào, náo nhiệt của phố thị, chúng tôi ngược Quốc lộ 9 với những con dốc quanh co, nhiều khúc cua tay áo để trở lại với những người lính Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4) đóng quân ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa. Miền Tây Quảng Trị nay đã 'khoác áo mới', cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đang từng ngày khởi sắc bởi có sự đồng hành của những người lính trên mặt trận kinh tế - quốc phòng suốt hơn 22 năm qua.
Trăn trở của người lính
Lần gần nhất chúng tôi lên với những người lính Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT - QP) 337 cách đây hơn một năm (9/2020), đúng ngày Đại tá Đỗ Xuân Hiệp, nguyên Chính ủy Đoàn KT - QP 337 nhận quyết định nghỉ hưu. Hôm đó, trời chiều vùng biên, những tia nắng hanh hao như có chút đượm buồn, hương rượu nếp mới thơm nồng của đồng bào như muốn níu bước chân người lính đã có nhiều năm gắn bó với vùng đất biên cương này.
Trong ngày chia tay đồng đội với biết bao câu chuyện, biết bao kỷ niệm vui buồn, nhưng anh Hiệp không quên kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện từ thuở đơn vị đặt những viên gạch đầu tiên trên mảnh đất này. Trong câu chuyện của mình, Đại tá Hiệp cứ nhắc đến và xoay quanh các mô hình xóa đói, giảm nghèo bởi trăn trở lớn nhất của anh đó là cuộc sống của đồng bào vẫn còn khó khăn. Anh Hiệp nhớ lại, năm 1999, trước yêu cầu tình hình mới trên địa bàn chiến lược biên giới phía Tây Quảng Trị, Bộ Quốc phòng thành lập Đoàn KT - QP 337 trên cơ sở Sư đoàn 337, có nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh ở 5 xã đặc biệt khó khăn là Hướng Phùng, Hướng Linh, Hướng Sơn, Hướng Việt, Hướng Lập.
Những ngày đầu khai phá vùng biên, hủ tục, rồi muỗi, vắt rừng vãi ra như trấu là thử thách lớn với những người chỉ quen cầm súng nhưng ai cũng quyết tâm biến danh tiếng “Sư đoàn thép” lẫy lừng trong thời chiến trở thành mũi tiên phong trên mặt trận đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu. Các anh học tiếng Bru - Vân Kiều để nghe dân nói, nói dân hiểu, dân tin. Bàn tay người lính vốn quen với súng đạn nay cầm cuốc đào đất, cất nhà dựng nên những công trình dân sinh, mở đường, dẫn nước sạch về bản để bà con trồng lúa nước, cà phê, dong riềng…
Năm 2020, Khu KT - QP Khe Sanh mở rộng thêm 8 xã gồm 5 xã của huyện Hướng Hóa (A Dơi, Thanh, Ba Tầng, Hướng Lộc, Lìa) và 3 xã của huyện Đakrông (Ba Nang, A Vao, Đakrông). Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng bằng tình cảm, trách nhiệm với đồng bào, các anh dần tháo gỡ những khó khăn để tìm ra con đường giúp dân thoát nghèo. Ít ai biết rằng, thành quả đó phải đánh đổi bằng rất nhiều sự hy sinh mà một trong những nỗi đau không ai muốn nhắc đến đó là sự hy sinh dũng cảm của 22 cán bộ, chiến sĩ vào tháng 10/2020.
Nhìn cuộc sống hôm nay của bà con, ai cũng có thể hình dung phần nào mồ hôi và máu mà các anh đã đổ xuống đây. Chỉ tính riêng giai đoạn 2015 - 2020, Đoàn KT-QP 337 đã xây dựng 9,97 km đường giao thông, 3 công trình thủy lợi, 4 công trình nước sạch, 1 điểm trường mầm non, 1 công trình hạ tầng kỹ thuật, bố trí ổn định dân cư biên giới cho 54 hộ; trồng, chăm sóc và bảo vệ 8.505 ha rừng vành đai biên giới; huy động hơn 10.000 ngày công xây dựng nông thôn mới. Đơn vị còn lồng ghép với địa phương khai hoang 16,82 ha ruộng lúa nước, xây dựng 1 trạm điện hạ thế, san ủi 14 km đường băng cản lửa rừng trồng…
Tôi vẫn nhớ như in lời anh Hiệp trải lòng: “Triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình xóa đói, giảm nghèo luôn là tâm huyết, trăn trở lớn nhất, chảy mãi trong huyết mạch các thế hệ người lính Đoàn 337 chúng tôi”. Đến đây tôi mới hiểu vì sao anh Hiệp, dù đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ người lính Cụ Hồ, trở về đời thường nhưng vẫn còn trăn trở bởi đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây dù không còn đói ăn, thiếu mặc nhưng vẫn còn đó những khó khăn, vất vả.
“Giấc mơ có thật”
Nghe tôi nói về những tâm huyết, trăn trở của anh Hiệp, Đại tá Nguyễn Đức Thạo, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Đoàn KT-QP 337; Đại tá Uông Đình Tân và cán bộ, nhân viên Đoàn KT - QP 337, những người đang tiếp bước anh Hiệp giúp dân xóa đói, giảm nghèo rất tâm đắc. Đại tá Tân tự hào nói: “Nghĩa tình sâu nặng mà bao đời nay người lính Đoàn KT-QP 337 đã dày công vun đắp nay đang được chúng tôi cụ thể hóa bằng nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả”.
Từ vị trí ở mới của chỉ huy Đoàn KT-QP 337, chiếc xe chở Đại tá Uông Đình Tân và chúng tôi theo con đường độc đạo đến với xã Hướng Việt. Từ những cung đường vắt vẻo trên đèo Sa Mù nhìn xuống, Hướng Việt bình yên giữa thung lũng Tà Rùng, xa xa thấp thoáng nụ cười được mùa của bà con Vân Kiều trên ruộng nương. Ráng nắng chiều chan hòa vùng biên, nhịp sống đã bình yên trở lại sau trận lũ quét kinh hoàng vào tháng 10/2020. Được biết, nhằm giúp người dân khôi phục sản xuất, Đoàn 337 và huyện Hướng Hóa đã hỗ trợ xã Hướng Việt hơn 550 triệu đồng để mua gần 17 tấn lúa giống, thuê máy móc, phân bón nhằm khôi phục hơn 30 ha diện tích đất trồng lúa nước, hoa màu bị bùn vùi lấp.
Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến xã Hướng Sơn thăm nhà anh Hồ Văn Minh ở thôn A Lì. Ai cũng ngỡ ngàng trước cơ ngơi của anh Minh với 3 ha cà phê, 20 con dê, 18 con lợn đen, hàng trăm con gia cầm. Anh Minh thật thà kể: “Trước đây nhà mình nghèo lắm. Năm 2018, được bộ đội 337 hỗ trợ giống cà phê và phân bón để trồng trên diện tích 1 ha rồi hỗ trợ tiếp cặp dê sinh sản... Nhờ bộ đội hướng dẫn kỹ thuật, ngay mùa đầu tiên đã cho thu nhập hơn 30 triệu đồng. Vui quá, vợ chồng mình vay vốn, mở rộng diện tích cà phê lên 3 ha, chăn nuôi thêm bò, lợn cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Đúng là giấc mơ có thật!”. Cũng ở thôn A Lì, gia đình anh Hồ Xa Nát cũng thoát nghèo nhờ mô hình trồng cà phê, chăn nuôi từ con, cây giống Đoàn KT-QP 337 hỗ trợ, mang lại thu nhập ổn định. Đặc biệt, các sản phẩm mà anh Minh, anh Nát và người dân làm ra đều được đơn vị này thu mua hoặc liên hệ với các đầu mối tiêu thụ.
“Mắt thấy, tai nghe”, mô hình trồng cà phê, atiso, nuôi dê, trâu, bò, gia cầm đều được bà con hưởng ứng làm theo, cho thu nhập ổn định... Anh Minh, anh Nát là hai trong số 504 hộ dân hưởng lợi từ các mô hình giảm nghèo của Đoàn KT-QP 337 mang lại từ năm 2015 đến nay. Ngoài ra, Đoàn KT - QP 337 còn hỗ trợ bà con 102 máy cắt cỏ, 256 máy nông cụ, 66 máy tuốt lúa, 10 máy cày mi ni, 57 giếng khoan, 78 giếng đào; cấp 132 con bò, 27 con trâu, 320 con dê sinh sản; hỗ trợ trồng 49,5 ha cà phê; 111,6 ha lúa nước; cấp 4 tấn, thu mua 416,2 tấn củ dong riềng cho người dân…
“An cư mới lạc nghiệp”
Thêm một vấn đề mà Đại tá Uông Đình Tân rất tâm đắc đó là dự án bố trí ổn định dân cư biên giới. Theo anh Tân thì việc hình thành các cụm dân cư ở khu vực giáp biên không chỉ củng cố quốc phòng - an ninh mà còn xóa bỏ tập quán du canh, du cư, di dời người dân khỏi những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét.
Trước lời giới thiệu, gợi mở đầy hấp dẫn ấy, chúng tôi tiếp tục hành trình sang thôn Tri, xã Hướng Lập để đến với một trong những “đứa con đẻ” của dự án này. Từ xa, thôn Tri nằm trên ngọn đồi thoai thoải, đẹp như một bức tranh giữa trùng điệp núi rừng. Dòng Sê Păng Hiêng khi không có lũ trong vắt, hiền hòa, uốn lượn bao bọc, tưới tắm ruộng đồng.
Những ngôi nhà sàn mọc san sát, những thửa ruộng bậc thang xanh ngút ngát, thoắt ẩn, thoắt hiện trong mây... đã gợi về một cuộc sống trù phú, yên bình. Nhìn thôn Tri hôm nay không ai có thể nghĩ đây là nơi tái định cư của 34 hộ dân sống trong rừng sâu, được “bộ đội 337” đưa ra bố trí sinh sống nơi đây.
Hồ hởi đưa chúng tôi đi thăm bản, ông Hồ Khun, Bí thư Chi bộ thôn Tri nói: “Trước đây, chúng tôi sống trong rừng sâu, lúc nào cũng sợ lũ, sạt lở. Những ngày đầu đến nơi ở mới, chúng tôi được bộ đội 337 hướng dẫn trồng lúa nương 2 vụ, canh tác ngô lai, sắn năng suất cao và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Mọi công trình từ nhà ở, điểm trường mầm non, điện, đường, nước sinh hoạt của thôn đều là bộ đội 337 làm cả đấy. Có cuộc sống khấm khá này, đồng bào Vân Kiều chúng tôi biết ơn Đảng và bộ đội Cụ Hồ nhiều lắm!”.
Không chỉ thôn Tri, từ chỗ sống rải rác, ven núi, bờ suối, giờ đây, người dân ở 13 xã vùng dự án Khu KT - QP Khe Sanh cơ bản đã được quy tụ, quây quần hình thành những cụm bản mới nơi biên giới. Khi tên làng, tên bản được định danh, cuộc sống vật chất, tinh thần được nâng lên thì mỗi người dân không chỉ là nhân tố phát triển kinh tế - xã hội mà còn là hạt nhân để xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên địa bàn chiến lược của tỉnh Quảng Trị và Quân khu 4.
Dù không muốn gợi lại nỗi đau nhưng khi tôi đề cập đến tâm lý của cán bộ, chiến sĩ sau sự cố thì Đại tá Uông Đình Tân khẳng định: “Vừa qua, đơn vị được cấp trên quan tâm, tạo điều kiện bố trí nhiều vị trí ở trung tâm, cách xa địa bàn cũ để xây dựng doanh trại nhưng bằng tình cảm, trách nhiệm với đồng bào một lòng, một dạ đi theo Đảng, chúng tôi chỉ chọn vị trí vừa an toàn, vừa gần dân. Càng thiên tai, hoạn nạn thì những người lính “Ba ba bảy” chúng tôi càng phải gắn bó với bà con, bởi mấy mươi năm ấy, biết bao là tình, phải không đồng chí?