Mùa xuân đi lễ chùa
Đến chùa thắp nén nhang thơm giữa thời khắc linh thiêng của ngày đầu năm mới, con người như được tĩnh tâm để hướng đến những việc thiện lành, góp phần xây dựng cuộc sống, xã hội ngày càng tốt hơn. Lễ chùa mùa xuân là truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam cũng như người Quảng Trị từ bao đời nay.
Tôi về làm dâu ở mảnh đất Gio An, huyện Gio Linh hơn 20 năm nay. Cũng ngần ấy thời gian vào đầu năm mới, tôi cùng gia đình chồng, rồi gia đình nhỏ của mình đi lễ chùa đầu năm để cầu mong một năm mới an lạc.
Chùa Gio An ở xã Gio An là nơi người dân quê chồng tôi thường viếng thăm vào dịp đầu năm mới. Kể từ khi chùa được Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng hỗ trợ kinh phí đầu tư sửa chữa để Nhân dân trong xã có nơi lễ Phật tươm tất hơn, hằng năm, nhất là cứ mỗi độ mùa xuân về, ngôi chùa trở thành nơi viếng cửa thiền của bao người. Thượng tướng còn đưa một cây đa từ cái nôi của Phật giáo là đất nước Ấn Độ về trồng xanh tốt trong sân chùa. Những phật tử ở Gio An sau buổi cúng tất niên vào chiều ba mươi Tết, ai nấy đều bưng một mâm lễ gồm chuối, hoa, trầu cau; nhà nào điều kiện hơn thì có xôi, bánh tét chay đến lễ chùa. Bà con đến lễ chùa trong chiều cuối năm để cảm ơn ân đức đã mang đến cho mình một năm cũ an yên. Tôi cùng mẹ chồng nhiều lần soạn sửa lễ với lòng thành kính rồi lên chùa. Nhiều người còn đến chùa từ sớm, cùng sửa sang, dọn dẹp cảnh chùa tươm tất hơn để đón khách đến lễ chùa vào ngày đầu năm mới.
Sáng mồng một Tết, ai nấy đều khăn áo trang nghiêm, trước lên chùa lễ Phật, sau rồi mới đi lễ nhà thờ họ tộc và thăm chúc sức khỏe bà con làng xóm. Năm mới, bước vào cửa Phật, mọi người như rũ bỏ những phiền muộn, lo toan trong năm cũ và cầu mong những điều mới tốt đẹp hơn sẽ đến.
Chùa Long An nằm bên bờ Bắc sông Thạch Hãn, thuộc xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong. Đây là điểm đến của rất nhiều người Quảng Trị vào mỗi dịp đầu năm mới. Đi lễ chùa đầu năm mới là tín ngưỡng dân gian, truyền thống văn hóa của người Á Đông cũng như người Quảng Trị. Tết là ngày mở đầu cho một năm mới nên ai cũng muốn đi chùa cầu nguyện mọi điều bình an, tốt đẹp, đó là ước nguyện rất nhân văn. Văn hóa Phật giáo luôn là một phần của văn hóa dân tộc. Trên bước đường phát triển, Phật giáo đến đâu đều sớm hòa nhập với văn hóa của vùng đất ấy, ngôi chùa trở thành biểu tượng văn hóa của đạo Phật. Xưa nay ước vọng trường tồn của con người là ước vọng muôn thuở, ai cũng mong gia đình, dòng họ được bền vững, quốc gia, dân tộc thịnh vượng.
Hòa thượng Thích Hải Tạng, trụ trì chùa Long An là người rất yêu thích văn chương. Chúng tôi đã được nghe thầy đọc bài thơ nổi tiếng về đạo Phật và mùa xuân mang tên Cáo tật thị chúng của Thiền sư Mãn Giác, thời nhà Lý, dịch là: “Xuân đi hoa rụng tả tơi/ Xuân về hoa lại rạng ngời sắc xuân/Việc đời trôi mãi chẳng dừng/Cái già không hẹn bỗng dưng đến rồi/Nhưng mà, xuân tàn hoa có hết đâu/Cành mai xuân trước dãi dầu tuyết sương”. Bài thơ là một tác phẩm nổi tiếng thời Lý-Trần, một tuyên ngôn triết học ẩn ngữ dưới hình thức nghệ thuật văn chương. Bên cạnh mùa xuân dân gian là mùa xuân vĩnh cửu. Hoa thì có nở có rụng, xuân thì có đến có đi, còn tâm nguyên, chân tâm của con người thì không mất đi, không tàn, không nở. Thiện tánh, xuân tâm làm cho con người luôn an lạc mỗi khi đến chùa du xuân.
Tết Nguyên đán, du xuân ở chùa khiến cho con người như hướng đến cái thiện, từ bi, trí tuệ của nhà Phật và một năm mới an lành. Hòa thượng Thích Thiện Tấn, Viện chủ chùa Cam Lộ luôn hoan hỉ đón du khách đến viếng chùa đầu năm. Trong khói hương trang nghiêm, ấm áp, mọi người chắp tay thành kính, thì thầm lời nguyện cầu năm mới an lạc. Hình ảnh vị sư già với kinh kệ, chuông mõ cầu nguyện cho một năm mới mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an như thường nhắc nhớ mọi người luôn mở cánh cửa lòng mình, cho đi là đã nhận lại, bỏ ác làm lành, giữ tâm ý cho được thanh tịnh.
Hòa thượng Thích Thiện Tấn giải thích rằng: Ngày đầu năm mới thường được gọi là xuân hoan hỉ, xuân Di Lặc. Sở dĩ có tên gọi đó vì mồng một Tết là ngày vía đản sinh của Đức Phật Di Lặc, con người có lòng bao dung, rộng lượng, khuôn mặt luôn cười nên mọi người đi chùa đầu năm để chiêm bái hình ảnh của Phật Di Lặc, mong học được những đức tính tốt đẹp của ngài. Đó là sự tha thứ, khoan dung, độ lượng, tạo dựng phúc đức ngày càng lớn hơn để cung cấp nguồn năng lượng dồi dào không thể thiếu cho cuộc sống. Còn ngày 19/2 âm lịch là ngày vía đản sinh của Đức Bồ Tát Quán Thế Âm nên đó là những lý do làm cho ngày đầu năm mới và mùa xuân người dân đi chùa lễ Phật rất đông. Các nghi thức trong lễ vía hai vị Phật không chỉ hướng các tăng ni phật tử về con đường tu đạo chân chính, gắn đạo với đời, mà còn là dịp hướng con người thêm yêu mến Phật, khơi dậy lòng từ bi.
Lễ chùa đầu năm, du khách được các sư, thầy hướng dẫn cho niềm tin cầu nguyện hướng đến nhân văn. Nhà Phật khuyến khích con người sống theo nguyên lý luật nhân quả. Mỗi một con người muốn được an lạc thì phải an lạc cả thân và tâm. Đến chùa du xuân đầu năm mới là cầu cho cả thân và tâm được gần gũi các bậc thiện hữu, trí thức, gặp người hiền để mọi người có thêm cơ hội hướng đến những việc làm tốt đẹp, nhân đức. Hai câu thơ nổi tiếng trong bài thơ Nhớ chùa của Hòa thượng Thích Mãn Giác, tự Huyền Không: “Mái chùa che chở hồn dân tộc/Nếp sống muôn đời của tổ tông” được Hòa thượng viện chủ chùa Cam Lộ đọc cho du khách nghe vào ngày đầu năm mới đã nói lên tất cả những giá trị nhân văn cũng như sự gần gũi của Phật giáo trong đời sống của dân tộc.
Qua bao năm tháng đầy biến cố gian nguy của quê hương, đất nước, những thế sự đổi thay, ngôi chùa luôn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của nhiều người dân, nuôi dưỡng đời sống tâm hồn, góp phần xây dựng nếp sống cao đẹp cho con người như. Mỗi dịp Tết đến, xuân về, lòng người như thêm rạo rực trên mỗi bước chân đến chùa du xuân.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=155404