Mùa xuân dưới cội mai vàng

Minh họa: HOÀNG HÀ THẾ

Minh họa: HOÀNG HÀ THẾ

Có những nơi, cho dù cảnh vật thay đổi đến nhường nào thì khi trở về vẫn ngập tràn những ký ức như vừa hôm qua. Và tôi, chỉ cần tháng Chạp quét một vệt rét dài tê tái, thì như một cuộc hẹn bất di bất dịch, sẽ về làng bên ngôi nhà cũ, dẫu bây giờ chỉ còn lại mênh mang gió!

Ngày chuyển nhà đi nơi mới, điều ba ray rứt nhất là gốc mai vàng. Đó là giống mai núi, thường bám vào hốc đá, phát triển rất chậm nên dẫu thân đã cỗi cằn bởi nhiều tuổi vẫn chỉ lớn hơn nắm tay. Thế nhưng chỉ cần giữa Chạp, khi đã rũ bỏ bộ áo xanh thì giữa tiết giao mùa vẫn lặng lẽ đâm ra chi chít nụ.

Lúc ấy đang mùa gió Nam xao xác, cha nhìn bọng giếng cạn sâu hun hút đã quyết định rằng để cây mai ở lại trên nền đất cũ. Vì nếu mang theo, cây cũng khó lòng sống trong khí trời oi bức. Và khi đó tôi còn quá nhỏ để hiểu rằng, dẫu chỉ là một gốc mai núi, thì với một người thâm trầm và trọng nghĩa như cha, việc mang theo hay để lại cũng phải nghĩ suy thật nhiều.

Năm nào cũng thế, khi hơi lạnh vừa kịp trườn qua dãy núi về làng thì cũng bắt đầu mùa tìm mai tết. Loại mai núi có cách bùng lên dưới mùa xuân rất lạ. Những người thợ rừng chọn cành mai đẹp nhất, cắt nhánh thật ngọt.

Rồi họ cũng kỳ công ngồi lặt từng chiếc lá nhỏ, đốt lửa rơm thui vết cắt cho thật ấm. Họ chuẩn bị những chiếc bao gai cũ, quấn thật chặt lại để mang về nhà. Và chỉ cần cắm vào nước, thì dưới tiết trời se sắt, những nụ hoa ẩn mình li ti bật lên vàng rưng rức. Mai núi cánh nhỏ nhưng vàng đến nao lòng và rất lâu tàn. Dẫu khi đã rụng rơi xuống gốc, vẫn cứ vấn vương tươi thêm vài ngày nữa với mùa xuân.

Nhà chúng tôi ở đầu làng, cũng là nơi nghỉ chân của những người thợ rừng. Họ từ xa đến, đặt cược vận may lên những nhánh mai rừng, những loại thảo lan và địa lan thơm ngát. Nếu tìm được nhiều cũng đồng nghĩa bữa ăn ba ngày tết sẽ đủ đầy hơn một chút. Những nhành mai núi ấy, họ chỉ giữ lại cành nhỏ và ít nụ nhất để chưng, còn lại đổi áo cơm cho con cái của mình.

Có những đêm cạn Chạp, họ về đến làng thì trời vừa tối nên phải nghỉ lại để ngày mai mới mang tết về với gia đình. Vì không đủ chiếu mền, lại gặp cái lạnh cắt da nên cha đốt lửa để sưởi ấm thâu đêm nơi hiên nhà. Với tôi lúc đó, khi góc sân nhà mình chộn rộn người, khi những cành mai núi dẫu chưa khoe sắc, những nhánh quế lan chỉ vừa đơm nụ treo lỉnh kỉnh ngoài hàng rào cây chìa vôi trắng thì mùa xuân đã thực sự bắt đầu.

Tôi ngẩn ngơ nhìn những đôi bàn tay thô ráp đầy vết cào của gai mây, thoăn thoắt chuốt từng sợi nhỏ đan những chiếc rế nồi, chiếc rổ con mới tinh và thơm mùi nhựa lá. Những câu chuyện cứ nối tiếp nhau cho đến khi sương sớm đọng lại rụng xuống chái hiên từng giọt. Họ trồng cây mai nơi thềm nhà cho chúng tôi, như món quà xuân năm mới.

Mỗi năm tốp thợ rừng ghé lại, cây mai cao thêm, vươn cành rộng hơn một ít, những câu chuyện cũng dày lên và những nếp nhăn trên gương mặt sạm đen sương gió cũng hằn lên rõ. Có người bảo đã dựng vợ gả chồng cho con cái hết rồi, gánh nặng lo toan xem như vơi đi một nửa. Có người bảo về chuyến này thì thôi không đi nữa. Họ đã không còn đủ sức dẻo dai để theo dấu mai rừng nơi chênh vênh dốc núi, nơi rừng thiêng nước độc với rắn rết và muỗi mòng vô số…

Những năm sau khi mới chuyển nhà, mỗi lần giữa Chạp tôi theo cha về lại nhà cũ. Tôi cùng cha vớt hết lá khô rụng đầy giếng đá rồi cẩn thận lặt từng lá mai, quét dọn lại thềm nhà và gom củi khô, lấy lá dừa che chắn cẩn thận bỏ nơi thềm đất.

Tôi biết rằng chỉ có như thế cha mới an tâm trở về vì những người bạn thợ rừng năm xưa, nếu còn ngang qua lỡ đường nghỉ lại, vẫn có củi khô đốt lửa ấm áp và không thấy quá trống trải khi chúng tôi đã chuyển đi.

Cũng có khi, cha về chỉ để ngồi nhìn những bức vách nhà qua bao nắng mưa cộng với không có hơi người đã bong ra trống không tứ phía, nhìn cội mai lẻ loi và ngồi nghe gió sớm mai xao xác thổi.

Dòng đời cùng với những cuộc thiên di đã làm cho những lần về nhà cũ của chúng tôi thưa dần. Và sau mấy mùa nắng hạn cộng gió Tây Nam khô khốc thổi về thì cội mai vàng rũ lá dẫu cha đã cố gắng tưới lên bao nhiêu là nước. Cha ngơ ngẩn như mất đi người bạn tri kỷ bền tình. Những người thợ rừng năm xưa đều trạc tuổi cha, trong một ngày tháng Chạp nào nếu còn ghé lại, thấy gốc mai khô xác chơ vơ có lẽ cũng không khỏi ngẩn ngơ buồn khi nghĩ về những đêm rộn ràng dưới gốc mai già một thuở.

Họ cũng như cha, dẫu gánh nặng áo cơm cùng với thời gian đã hằn sâu vết chân chim năm tháng vẫn luôn trọng tình xưa nghĩa cũ. Có lẽ họ giờ cũng chỉ quanh quẩn mảnh vườn nhà mà không còn tha hương bởi những cuộc áo cơm cho ngày cận tết nữa. Và cha, kỳ lạ thay trong ký ức già nua của mình, vẫn cứ mới tinh tươm những mùa xuân dưới cội mai vàng bên hiên nhà cũ!

NGUYÊN HẬU

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/93/325382/mua-xuan-duoi-coi-mai-vang.html