Mùa xuân lại về cùng làng lúa, làng hoa.

Cứ vào mỗi dịp Tết, trong chương trình ca nhạc mừng xuân, bên cạnh 'Mùa xuân nho nhỏ' của Trần Hoàn, 'Mùa xuân đầu tiên' của Văn Cao, 'Hạt mưa mùa xuân' của Trương Ngọc Ninh,… sẽ không thể thiếu 'Mùa xuân làng lúa làng hoa' của Ngọc Khuê. Những ca khúc xuân ấy sẽ mãi mãi là bài ca đi cùng năm tháng, góp phần tô thắm thêm mùa xuân của đất trời - Dân tộc.

Tôi biết và yêu “Mùa xuân làng lúa làng hoa” qua giọng hát của ca sĩ Thanh Hoa từ năm 1981- khi còn là học sinh PTTH, nhưng có duyên với “Mùa xuân làng lúa làng hoa” bắt đầu từ buổi dự thi năng khiếu vào lớp sư phạm âm nhạc của trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội năm 1984, bài hát này tôi chọn để dự thi và đã đạt 18/20 điểm. Năm 1987, tôi về thực tập tại làng hoa Phú Thượng (nay là phường Phú Thượng quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Trong đêm giao lưu giữa Đoàn giáo sinh thực tập với Đoàn xã Phú Thượng, tôi lại hát “Mùa xuân làng lúa làng hoa”. Ở khung cảnh đó, với không gian đó, tôi đã đã hát hết mình và được hoan hô nhiệt liệt.

Trong chương trình ca nhạc ngày đầu xuân Canh Tý, nhiều ca khúc về mùa xuân được phát sóng. Giai điệu quen thuộc trong ca khúc Mùa xuân làng lúa làng hoa của nhạc sĩ Ngọc Khuê gợi lại những kỳ niệm xưa, khiến tôi lâng lâng trong thời khắc giao hòa giữa mùa xuân đất trời với mùa xuân của dân tộc. Bài hát đã vẽ lên một bức tranh tuyệt đẹp về làng quê Việt Nam - cụ thể ở đây là làng hoa Ngọc Hà - Nhật Tân - Quảng Bá nổi tiếng bên Hồ Tây.

Bài hát được viết vào cuối năm 1980, phát sóng lần đầu tiên vào đầu năm 1981. Bài hát được viết ở giọng Rê thứ, nhịp 6/8. Chất liệu thứ mềm mại êm dịu kết hợp với nhịp 6/8 là loại nhịp uyển chuyển nhẹ nhàng, giai điệu mang âm hưởng của một điệu hò sông nước. Khi giai điệu cất lên, ta có cảm giác như đây là lời đối đáp giữa hai chủ thể của tình yêu: lúa (là anh) nuôi sống con người, còn hoa ( là em) làm đẹp cho đời. Đấy chính là cách bày tỏ tình cảm tế nhị mà sâu sắc nhất của người Tràng An. Mối tình “hoa - lúa” làm ta liên tưởng đến “Dòng sông Mã - núi Mường Hum’ trong Tình ca Tây Bắc của nhạc sĩ Bùi Đức Hạnh (phỏng thơ Cầm Giang). Đó cũng là cách nói ý nhị trong ca dao dân ca Việt Nam mà hình ảnh Mận - Đào, Thuyền - Bến là một đặc trưng. Bức tranh đó được chấm phá bởi những đường nét mềm mại của con đê, được tô điểm bởi màu vàng tươi của lúa và muôn màu sắc rực rỡ của hoa, Thật thơ mộng khi bức tranh ấy lại được lồng trong khung cảnh trời nước Hồ Tây, lãng mạn và tình tứ biết bao:

“Bên lúa anh bên lúa, cánh đồng làng ven đê. Hồ Tây xanh mênh mông, trong tươi thắm nắng chiều. Làng em làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa. Hồ Tây đôi bên, trong tình yêu hoa lúa rộn ràng…”

Đoạn A là lời đối đáp tâm tình thủ thỉ với những dấu luyến, chùm 4, mang hơi hướng chất liệu dân ca. Những dấu nối giãn nhịp như sự ngập ngừng e lệ, vẻ bối rối của cô gái trước ý trung nhân của mình. Một sự e lệ đáng yêu tạo nên cái duyên của người con gái làng hoa Ngọc Hà.

Để chuyển tiếp từ đoạn A sang đoạn B, tác giả đã sử dụng liền 2 dấu nối tạo nên vẻ ngập ngừng “tình trong như đã, mặt ngoài còn e”- theo cách nói của Nguyễn Du - để rồi đẩy cảm xúc thăng hoa ở đoạn tiếp theo.

Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người, bởi lúa yêu cuộc đời, nên xanh thắm tươi ruộng đồng. Sóng lấp lánh mặt hồ, cho hoa em ngào ngạt, hương hoa bay dào dạt, làng hoa em gọi mùa - mùa xuân.

Nếu đoạn A giãn nhịp như sự ngỡ ngàng trước cảnh sắc tuyệt đẹp: bên này đê là hoa, bên kia đê là lúa và sự say mê của mối tình hoa – lúa, thì nét nhạc vút lên cao trào ở đoạn B với một loạt móc đơn liên tiếp xen lẫn móc kép, điểm xuyết là một số nốt hoa mỹ tạo nên sự hồn nhiên. Ta có cảm giác hương hoa, hương lúa bay lên, như cảm giác thăng hoa của tình yêu đôi lứa, như niềm say mê trước mùa xuân của đất trời. Lại thêm một dấu nối ở vị trí nốt đồ ứng với chữ mùa trong ca từ, tạo nên sự ngập ngừng trước khi sang từ mùa xuân để rồi chuyển tiếp sang câu sau. Nét nhạc được mô phỏng tiết tấu của câu trước bằng một loạt móc đơn nhưng giai điệu đi xuống một quãng 3 tạo sự e ấp mà đằm thắm.

Lúa lên xanh thắm, bên hoa em thơm ngát. Hồ Tây ơi mùa xuân, tình ca đơm hoa từ lòng đất.

Vâng. Lúa lên xanh bên hoa thơm ngát. Màu vàng no đủ của lúa, muôn màu sắc rực rỡ của hoa - một cảnh sắc tuyệt vời bên Hồ Tây huyền ảo. Trước mùa xuân của đất trời, sự đơm hoa kết trái thành quả lao động được chắt lọc những gì tinh túy nhất từ lòng đất. Bản tình ca được cất lên, nhưng đây là tình ca đơm hoa từ lòng đất - một lối nói ẩn dụ ý nhị. Rồi nét nhạc chợt vút lên như hòa quyện tình yêu đôi lứa với mùa xuân của trời đất trong thời khắc giao hòa.

Đôi lứa - tình yêu - mùa xuân. Làng lúa - làng hoa, mùa xuân

Đến đây, ta có cảm giác như đang bay lên cùng hương hoa hương lúa, bay lên cùng mùa xuân đất nước.

Sang lời 2 tác giả đã khéo léo sử dụng thành ngữ “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”: Hạnh phúc trên đôi tay, nơi anh đã gieo mầm. Chiều nay anh dù xa, hoa nói với anh nhiều. Cô gái đã mượn lời hoa để nói lời của lòng mình. “Hồ Tây nên duyên, vẫn gần nhau như hoa lúa cuộc đời”. Vâng, tuổi trẻ - tình yêu và mùa xuân thường gắn kết song hành. Tác giả đã kết hợp nhuần nhuyễn từ cách xây dựng giai điệu đến chọn lựa ca từ. Khi giai điệu bài hát kết thúc, ta vẫn thấy âm ba của một điệu hò sông nước quê hương, như diễn tả những gợn sóng trên mặt Hồ Tây; lại diễn tả được tình cảm đằm thắm yêu thương của tuổi trẻ, mà vẫn nói lên sự giao hòa của con người với thiên nhiên, với cuộc sống - một sự giao duyên tình tứ mộc mạc nhưng lại vô cùng đằm thắm của những đôi trai gái. Đó là tình yêu của hoa và lúa - một biểu tượng đẹp của cuộc sống no đủ hạnh phúc. Đó chính là nét riêng của người Hà Nội - một nét thanh lịch hào hoa:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An

Chia sẻ về hoàn cảnh sáng tác bài hát này, nhạc sĩ Ngọc Khuê cho biết: “Tôi vốn là người Hà Tây, nhưng sống tại Hà Nội. Từ rất lâu tôi muốn viết một ca khúc về mùa xuân Hà Nội, nhưng chưa tìm được “tứ”. Rồi một chiều đông năm 1981, khi đạp xe đi thăm người bạn ở gần hồ Tây, tôi mới phát hiện ra rằng hồ Tây không chỉ có hoa làng hoa, mà còn có cánh đồng lúa xanh mướt, tôi muốn ví đó là những “làng lúa”. Sự “phát hiện” đó đã khiến tôi bật ra câu hát: “Bên lúa, anh bên lúa, cánh đồng làng ven đê. Hồ Tây xanh mênh mông trong tươi thắm nắng chiều. Làng em làng hoa, hoa thơm ngát bốn mùa…”. Từ câu hát đầu tiên ấy, về nhà tôi đã viết xong bài hát mà hầu như không phải chỉnh sửa nhiều.”

Gần đây, tôi có may mắn được gặp nhạc sĩ Ngọc Khuê và được ông cho biết thêm: Lúc viết xong đoạn kết (cũng là cao trào của bài) “ Đôi lứa - tình yêu- mùa xuân. Làng lúa – làng hoa - mùa xuân”, ông đã đặt tên cho bài hát là “Làng lúa - làng hoa”. Nhưng khi gửi lên Đài TNVN, nhạc sĩ Thế Song lúc đó là biên tập viên Âm nhạc của Đài mới góp ý: nên thêm chữ Mùa xuân vào tên bài, và tác giả đã đồng ý. Thế là bài hát được mang tên Mùa xuân làng lúa làng hoa. (Đây cũng là tên gọi quen thuộc với khán giả cả nước). Và cũng tại cuộc bình chọn bài hát hay nhất trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2010, “Mùa xuân làng lúa làng hoa” được lọt vào tốp Hai mươi bài hát hay nhất về đề tài nông nghiệp. Năm 2017, “Mùa xuân làng lúa làng hoa” đã giúp nhạc sĩ Ngọc Khuê được nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (lĩnh vực âm nhạc).

Bây giờ, do tốc độ đô thị hóa cùng với yêu cầu quy hoạch xây dựng thủ đô, làng hoa bên Hồ Tây chỉ còn là một số vườn hoa. Không còn làng hoa Ngọc Hà, nhưng nhiều làng hoa khác vẫn đua nhau nở rộ trên khắp các làng quê, và bao làng lúa vẫn xanh tươi trên mọi miền đất nước. Và cứ mỗi dịp mùa xuân về, khi giai điệu mượt mà đằm thắm của Mùa xuân làng lúa làng hoa vang lên, ta lại thấy hiện ra trước mắt bức tranh tuyệt đẹp lúa – hoa, hoa - lúa, và càng thêm yêu Thủ đô Hà Nội - thành phố ngàn năm tuổi, trái tim của cả nước. Đó chính là tình cảm trong mỗi chúng ta dành cho mùa xuân của thiên nhiên, mùa xuân của đất nước đang từng ngày đổi mới. Ca khúc xuân ấy sẽ mãi mãi là bài ca đi cùng năm tháng, góp phần làm cho mùa xuân thêm đẹp, thêm tươi.

Diễm Nguyệt

Nguồn Tuyên Giáo: http://www.tuyengiao.vn/van-hoa-xa-hoi/mua-xuan-lai-ve-cung-lang-lua-lang-hoa-126414