Mùa xuân mơ ước ấy - ngôi nhà mơ ước ấy
Nhà tập thể vừa là kỳ tích xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa vừa là thành tựu xây dựng những năm tháng hòa bình đầu tiên sau 1975. Nhưng cho đến trước khi đổi mới năm 1986, tranh vẽ về các khu tập thể rất ít, thậm chí là cực ít. Tác phẩm 'Đón xuân trong căn nhà mới' của họa sĩ Nguyễn Thế Thiện vẽ năm 1978 (ký năm 1980) là tác phẩm vẽ lại những thời khắc huy hoàng nhất của các khu tập thể.
Bức tranh được NXB Văn Hóa đặt hàng để in nhân bản hàng loạt - loại tranh tuyên truyền. May mắn sau bao năm, năm 2016, công chúng Hà Nội được xem tận mắt phác thảo bằng bột màu trên giấy điệp của họa sĩ Nguyễn Thế Thiện trong triển lãm chuyên đề về các khu nhà tập thể mang tên Thay hình đổi mặt. Cho đến tận cuối đời, họa sĩ Nguyễn Thế Thiện vẫn chưa một lần được ở trong các khu nhà tập thể mà ông hằng ao ước.
Trong bài viết này, xin được bộc bạch đôi lời về những điều phía sau bức tranh.
Lận đận "giai phố"
Có một thế hệ “giai phố” như Nguyễn Thế Thiện càng lớn càng khổ. Vừa khổ vì chiến tranh, vừa khổ về chủ nghĩa lý lịch vì bị coi thuộc tầng lớp tiểu tư sản. Ông sinh năm 1942 tại Hà Nội, từ nhỏ lớn lên ở nhà 75 Hàng Giấy, phụ mẫu là gái phố Hàng Lược.
Thân sinh họa sĩ Nguyễn Thế Thiện là ông Nguyễn Thế Túc. Cụ Túc quê Đình Bảng, ra lập nghiệp ở Hà Nội. Vốn thông minh, lanh lợi nên chỉ trong chừng 20 năm, nhờ kinh doanh xà phòng, một vật liệu tẩy trắng quần áo rất được ưa chuộng thời đó, ông đã sớm gây dựng được một cơ đồ đáng nể với 4 căn nhà ở Hà Nội.
Thời thế đổi thay, sau công cuộc cải tạo công thương khoảng 1958 - 1960, “giai phố” lại mong… thoát phố, thoát khỏi những căn nhà tập thể bất đắc dĩ. Trước khi có những dãy nhà tập thể khang trang ở Kim Liên, Văn Chương, Nguyễn Công Trứ… Hà Nội có những khu nhà tập thể theo mô hình Cách mạng tháng Mười Nga. Đó là những căn nhà vốn từng là dinh thự của hoàng gia, quý tộc, của tư sản mại bản, của tầng lớp quan chức chính quyền cũ được cách mạng chia cho người lao động.
Đặc điểm chung cho loại nhà tập thể này là rất nhiều hộ gia đình sống chung mà chỉ có một hoặc hai khu vệ sinh. Hình thức nhà tập thể bất đắc dĩ như thế ở Hà Nội kéo dài từ 1954 cho đến tận hôm nay. Đây là giải pháp tình thế để giảm áp lực nhu cầu nhà ở cho cán bộ từ chiến khu về, từ miền Nam ra tập kết. Chủ nhà chỉ được sở hữu một phần diện tích theo tiêu chuẩn 4m²/người. Căn nhà trước chỉ dành cho một hộ gia đình thì giờ thành nhà tập thể với hàng chục nhân khẩu sống chen chúc.
Tâm tư của "giai phố" mê nhà tập thể
Đất nước thống nhất, hòa bình trở lại, điệp khúc “xây cho nhà cao cao mãi” vang lên. Ước mơ về tổ ấm tình yêu càng da diết hơn bao giờ hết. Có thể khẳng định rằng chất lượng cuộc sống của dân cư khu tập thể Trung Tự, Giảng Võ, Vĩnh Hồ... cao hơn rất nhiều cư dân phố cổ. Đó là giấc mơ ngọt ngào mê hoặc bao người. Hãy thử hình dung tới năm 1988 vẫn còn rất nhiều nhà trong khu phố cổ phải sử dụng nhà xí công cộng, nhà xí chung loại đổ thùng. Theo Báo Lao Động, năm 1988, Hà Nội có 24.800 hộ gia đình chưa có nhà vệ sinh riêng (Lao Động ngày 21.7.1988)
Bức tranh Đón xuân trong căn nhà mới dù đâu đó phảng phất đôi chút chất cổ động chính trị nhưng được họa sĩ Nguyễn Thế Thiện dành trọn tài năng và tâm huyết để ngợi ca những khu nhà tập thể mới. Ẩn sâu dưới những sắc màu tươi rói là những tâm sự u sầu. Ông từng tự bạch: “Tôi vẽ bức tranh này khoảng năm 1978 trong hoàn cảnh hết sức bí bức không gian sống trong chính ngôi nhà mình vốn từng gắn bó trước kia. Tôi đến thăm một người bạn ở khu tập thể Vĩnh Hồ, một khu tập thể lắp ghép 5 tầng. Tuy là tập thể nhưng dù sao cũng có nhà vệ sinh riêng, có bếp riêng, có một phòng khách, một phòng ngủ. Chỉ gói gọn trong khoảng hơn 40m² nhưng quả thật đó là ước mơ của tôi thời điểm đó. Tôi đã vẽ bức tranh này sau nhiều lần đến thăm nhà người bạn”.
Nguyễn Thế Thiện, Đón xuân trong căn nhà mới. Chất liệu bột màu, 40x65cm.
Nhìn vào bức tranh trong tổ ấm bê tông ấy có hình ảnh người vợ họa sĩ và những đứa con ngoan. Ở phía góc tường bên phải thấp thoáng tranh Đông Hồ lợn ăn lá ráy, ngụ ý sự no đủ sung túc. Bức tranh chủ ý hướng tầm nhìn ra hành lang, ở xa xa có những ngôi nhà vừa mới xây xong, trên một nóc nhà còn nguyên chiếc cần cẩu...
Gia cảnh họa sĩ lúc này rất thương tâm bởi mẹ già ốm liệt giường nhiều năm. Cả nhà sống trong căn buồng không nhà vệ sinh mà lại có người già ốm liệt giường trên tầng hai. Bức tranh là ước mơ của chính gia đình họa sĩ: được đón xuân ở khu nhà tập thể. Mặc dù lúc này ông đã là họa sĩ chính ở Hãng phim Hoạt hình Việt Nam, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Nam Lào năm 1967 - 1968.
Có hai lần bất hạnh trong cuộc đời họa sĩ Nguyễn Thế Thiện liên quan đến nhà cửa. Lần thứ nhất: nhà cửa bị Nhà nước trưng dụng, chia cho nhiều hộ gia đình khác đến ở, buộc gia đình phải dọn lên tầng hai trong một không gian chật chội. Lần thứ hai, muốn xin được phân ở khu nhà tập thể thành phố mới xây mà không được.
Bức tranh Đón xuân trong căn nhà mới là tác phẩm đầu tiên và duy nhất của họa sĩ Nguyễn Thế Thiện về loại hình nhà ở này. Có thể những bất cập trong công tác quản lý, phân phối nhà tập thể đã làm ông không còn hứng thú tiếp tục sáng tác đề tài này nữa.
Từ phố Phái nghĩ về những khu nhà tập thể
Thực sự có một Hà Nội khác không mái ngói lô xô, xiêu xiêu những ô cửa của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Nhưng thật lạ lùng, ngay ở thời khắc huy hoàng đỉnh cao của khu tập thể thập niên 60, 70, 80 của thế kỷ XX, ngoại trừ con tem Khu nhà ở Kim Liên (Trịnh Quốc Thụ) hoặc Đón xuân trong căn nhà mới (Nguyễn Thế Thiện), hình hài của các khu tập thể vẫn nằm ngoài ánh mắt các họa sĩ.
Có một khác biệt rất lớn giữa nhà xí phố cổ và nhà vệ sinh ở các khu tập thể. Đó là xí máy - gọi một cách dân gian để phân biệt với xí thùng. Xí máy hoạt động theo cơ chế khác, chữ “máy” nói đến tính chất phức tạp, tinh vi của nó. Phần lớn các gia đình ở phố cổ như gia đình họa sĩ Nguyễn Thế Thiện ở phố Huế vẫn phải dùng xí thùng. Ở tình cảnh mấy chục người dùng một nhà xí kiểu này thì rất bất tiện.
Nguyễn Thế Sơn, Đón xuân trong căn nhà mới phiên bản 2, kết hợp với ngôn ngữ photo collage.
Xứ Đông Dương thuộc Pháp sử dụng tiếng Pháp nhưng nhà vệ sinh viết tắt ký hiệu WC đã thấy xuất hiện trên báo chí thời Pháp thuộc. Điểm đặc biệt của các khu tập thể Văn Chương, Nguyễn Công Trứ, Kim Liên đầu tiên ở Hà Nội là 100% xí máy. Câu ca “Nhà anh căn hộ kiểu Tây - Em vào toa-lét là ngây ngất lòng” cũng phần nào nói lên nỗi lòng xao xuyến của diễn viên Lê Vân trước sự mới mẻ hiện đại của một căn hộ khu tập thể: “Khi chúng tôi mới quen nhau, anh chủ động mời tôi đến nhà chơi... Cuối những năm bảy mươi, khi tất cả còn phải sống chui rúc hàng trăm người chung một nhà xí, thì một căn hộ với phòng khách riêng, phòng ngủ riêng, một nhà tắm với vệ sinh riêng nhỏ xíu nhưng sạch sẽ là cả một niềm mơ ước” (tự truyện Lê Vân - Yêu và sống, 2006).
Mơ ước của diễn viên Lê Vân, của họa sĩ Nguyễn Thế Thiện là có thật. Đó cũng là khát vọng cháy bỏng của rất nhiều người Hà Nội lúc đó.
Tạm kết
Đất nước đổi mới, một trong những chính sách quan trọng là Nhà nước từ bỏ bao cấp nhà ở, từ bỏ quy định tiêu chuẩn 4m²/người, cho phép người dân được tự xây nhà cho mình. Đầu thập niên 1990, cuộc chạy trốn khỏi chính căn nhà do bố mẹ mình gây dựng cuối cùng đã thành công. Họa sĩ Nguyễn Thế Thiện đã mua được căn nhà nhỏ sâu trong ngõ trên phố Bạch Mai. Đây là nơi ông đã sống và làm việc đến cuối đời.
Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, con trai ông, may mắn hơn, lớn lên gặp thời đổi mới. Nhà cửa được mua bán tự do. Anh Sơn đã nhiều lần đón xuân trong căn nhà tập thể. Anh cũng có nhiều tác phẩm về nhà tập thể mà anh tự mua. Một trong những sáng tác gần đây là sự đối thoại với chính tác phẩm của người bố. Bức Đón xuân trong căn nhà mới phiên bản 2 là tác phẩm mang ngôn ngữ photo collage.
Khung cảnh phía sau khu tập thể Vĩnh Hồ là thực tại hôm nay. Những căn nhà tập thể thò thụt chuồng chim, chuồng cọp. Cuộc đối thoại của hai thế hệ trong một gia đình về khu tập thể Vĩnh Hồ gợi cho chúng ta nhiều suy ngẫm về những đổi thay của thời cuộc.
Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/mua-xuan-mo-uoc-ay-ngoi-nha-mo-uoc-ay-44600.html