Mùa xuân - mùa thơ
Mỗi năm qua đi, người ta lại có dịp nhìn lại hành trình của thời gian, hành trình đời người. Đã gần một thiên niên kỷ nhưng mỗi khi đọc 'Cáo tật thị chúng' của Mãn Giác thiền sư (1052-1096), ta vẫn thấy như mùa xuân luôn nở nụ cười. Xuân tàn, hoa rụng, chỉ cần trong ta còn một nhành mai thì thi tứ cũng sẽ chảy tràn.
Bài thơ “Cáo tật thị chúng” (Có bệnh bảo mọi người) gồm 6 câu, trong đó 2 câu mở đầu “Xuân khứ bách khoa lạc/ Xuân đáo bách hoa khai” (Xuân qua, trăm hoa rụng/ Xuân tới, trăm hoa cười) đã nói lên sự chuyển vần của mùa xuân và thiên nhiên: “xuân qua” rồi “xuân tới”, “hoa nở” rồi “hoa tàn”... Tuy vậy, cỏ cây và mùa xuân chỉ là cái cớ để nhà thơ nói chuyện người, chuyện đời trong cõi nhân sinh. Và để rồi gieo vào lòng người hình ảnh: “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” (Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước, một cành mai). Hai câu thơ ngỡ như thật buồn nhưng lại ẩn chứa một ý nghĩa đẹp, một sự lạc quan yêu đời.
500 năm sau, trong “Ức Trai thi tập”, Nguyễn Trãi có bài thơ “Đào hoa thi”:
“Một đóa hoa đào khéo tốt tươi
Cách xuân mơn mởn thấy xuân cười
Đông phong ắt có tình chăng nữa
Kín tiễn mùi hương dễ động lòng”.
Nguyễn Trãi viết “Đào hoa thi” khi mới về Côn Sơn. Trong “Đào hoa thi”, chúng ta thấy có hình ảnh mùa xuân hoa đào nở như hàm ẩn về nền độc lập tự cường và những hứa hẹn về màu sắc, hương hoa và tình người. Nhưng xuân chỉ có một thì, qua đi rồi thì e rằng má đào phai và lòng người cũng nguội lạnh. Đằng sau tình xuân là những nỗi đắng cay của một bậc siêu nhân khi thấu hiểu “đục như tiếng suối mới sa nửa vời”.
Giáo sư Trần Ngọc Ninh viết rằng: “Mỗi bài thơ Việt Nam là một công án, hay là một cái án, có một cái kỳ oan ở trong. Nguyễn Du dấu nỗi “kỳ oan” của mình trong thơ Kiều, nên nói “Rằng hay thì thực là hay, nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào”. Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du phác họa bức tranh ngày xuân có thiên nhiên, có lễ hội sáng trong, tươi đẹp bằng thơ. Phía sau “cỏ non”, “cành lê trắng điểm”, nô nức yến anh, chơi xuân... cũng là thời khắc của những trắc ẩn rình rập.
Đến thơ hiện đại, nếu thơ mới mùa xuân xuất hiện gắn liền với cái riêng tư, đậm chất cá nhân. “Xuân về” trong thơ Nguyễn Bính là vẻ đẹp thanh khiết nơi đồng quê, cái ấm áp nơi ngõ xóm và nét dìu dịu của hương bưởi, hương cam.
“Thong thả dân gian nghỉ việc đồng
Lúa thì con gái mượt như nhung
Đầy vườn hoa bưởi, hoa cam rụng
Ngào ngạt hương bay, bướm vẽ vòng”.
Hàn Mặc Tử nhìn thấy một nàng xuân tròn đầy nhất, viên mãn, đẹp và tràn đầy sức sống nhất nơi “Mùa xuân chín”:
“Trong làn nắng ửng: Khói mơ tan
Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng
Sột soạt gió trêu tà áo biếc
Trên giàn thiên lý, bóng xuân sang”.
Và trong bữa tiệc tươi ngon mơn mởn, căng tràn sự sống, Xuân Diệu thết đãi người đọc bằng niềm háo hức, say mê đến tận cùng với cách nghĩ xuân là mãi mãi: Mỗi buổi sớm thần vui hằng gõ cửa/ Tháng Giêng ngon như một cặp môi gần (Vội vàng).
Đến thơ cách mạng, xuân gắn liền với vận mệnh dân tộc (Bài ca mùa xuân 1961), là hình ảnh cả nước lên đường ra mặt trận chiến đấu vì độc lập, tự do (Chào xuân 67)…, là tinh thần lạc quan của người lính (Xuân sớm 1966). Xuân tượng trưng cho sức trẻ, xuân của lòng dũng cảm. Tố Hữu, nhà thơ tiêu biểu của thơ cách mạng gắn xuân với niềm tin và hy vọng về một tương lai tươi sáng; đi bên xuân là anh giải phóng quân - con người đẹp nhất, đi cùng xuân là chàng Thạch Sanh thế kỷ hai mươi, là chiếc mũ tai bèo của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là tiếng hát vang dội non sông: Vì muôn đời hoa lá xanh tươi/ Ta quyết thắng, giành mùa xuân đẹp nhất (Bài ca xuân 68).
Ai mà chẳng đi qua những mùa xuân của lòng mình. Cuộc đời của mỗi chúng ta là một mùa xuân nho nhỏ. Và trong tiết xuân, những câu thơ gieo vào lòng người những hoài cảm và xúc cảm về một thời thanh xuân: Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời/ Dù là tuổi hai mươi/ Dù là khi tóc bạc (Mùa xuân nho nhỏ - Thanh Hải). Bởi thế, tôi tin chắc rằng nếu có một cuộc khảo sát về đề tài mùa xuân, hẳn không có một nhà thơ nào đứng ngoài cảm hứng này.
Đọc những bài thơ xuân trên các ấn phẩm đặc biệt của Báo Thanh Hóa ta càng nhận rõ hơn điều đó. Cảm hứng lớn nhất của các tác giả chính là đau đáu nỗi mong nhớ quê nhà mỗi khi xuân về. “Xuân nhớ quê” của Thy Lan là một ví dụ. Kỷ niệm như ùa về những ngày xa với chồng sách cũ, con mèo già:
“Kỷ niệm chảy đầm đìa
Bao nhiêu gương mặt lạ
Bóp còi kéo nhau đi
Xuân về quê tít tắp
Một độ đường chia hai”.
Chỉ riêng chữ “chia hai” cũng đủ thắt lòng. Khi người ta càng nhiều trải nghiệm, càng nhiều suy tưởng. Và bốn câu thơ cuối của bài nói hết cái cảm thức về mặt thời gian của người nhớ quê đến nao lòng.
“Đi hết mùi rơm rạ
Nhặt nhạnh bao vui buồn
Chợt bóng con cu gáy
Vụt qua chiều đang tuôn!”.
Tác giả Bạch Văn Tín cho độc giả thấy tết là quê nhà, nhớ tết là nhớ quê. Đặc biệt hình ảnh tết là hình ảnh mẹ: “Mẹ ngồi gói cả tảo tần một năm”; “Mẹ nhen khói bếp thăng trầm mẹ ơi”. Cái mùi “thơm thơm cả đượm đà quê hương” của nồi bánh chưng, của ổ rơm:
“Con đi trên khắp nẻo đường
Xuân về nhớ tết lệ vương hai hàng
Ráng chiều ngọn khói bay ngang
Ngoái đầu nhìn lại phía làng mắt cay”.
Nhà thơ Lê Quang Sinh trong hành trình đi tìm “chút sắc xuân”, “chút bùn hoai trong bó mạ” (Cánh đồng lồng lộng) chợt nhận ra giá trị của quê nhà:
“Mẹ ơi, con mang dòng sông của những câu hò
Qua bao miền quê lạ!
Những đêm mưa trời đất nhão ra
Thơ kéo kén giữa lòng người đang vỡ.
Con trở về nhà nếp cũ cứ vơi đi”.
Có cái gì đang vụn vỡ và chỉ có việc trở về nhà mới khiến con người ta được là chính mình.
Đó cũng là tâm trạng của nhà thơ Lê Đăng Sơn trong “Hương hạnh phúc”:
“Ai đi xa muôn phương
Cũng mong về quê cũ
Nơi suốt đời mang nợ
Hằn vào trong giấc mơ”.
Chính vì luôn hoài niệm mà con người ta lại thường cảm thấy bùi ngùi, lẻ loi, tiếc nuối trong những thời khắc quan trọng, nhất là khoảnh khắc giao thừa. Nếu như Lê Đáng trong bài thơ “Chiều ba mươi tết” thảng thốt với cảm giác của một người con không thể về thăm cha mình. Vẫn biết: Cha chẳng trách dù con thật tệ/ Chiều ba mươi này... không ghé thăm cha... nhưng cái sum họp của chiều 30 càng khiến người xa nhà thấy cô đơn và lo sợ về người thân; thì Nguyễn Thị Hồng Hạnh lại nhiều lần “Gửi con” câu hỏi: Sắp đến tết rồi con có về không?:
“Khi đất trời đã ngập trong xuân tới
Con yêu nhé bố mẹ đang đón đợi
Tết quê nhà và xuân mới chờ mong.
Sắp đến tết rồi
con có về không!”.
Và xa hơn nữa nhắc đến xuân là nhắc đến một vùng đất với những trầm tích văn hóa và lịch sử: xứ Thanh. Tác giả Nguyễn Hùng Sơn trong bài thơ “Tìm về điệu hò sông Mã”.
“Tôi trở về nghe khúc hát thân thương
Lắng tiếng sóng dạt dào niềm thương nhớ
Câu hò vọng nặng lòng bao duyên nợ
Giọng dô huầy… sông Mã gọi hồn thơ”.
Nhà thơ Nguyễn Bằng mời gọi “em” về với “Đất và người quê Thanh” rất thân thương:
“Em hãy về
ghé thăm miền núi Đọ
nơi chôn rau
người Việt buổi hừng đông.
Đất quê Thanh
có sông Mã, Hàm Rồng
lưu dấu tích
chiến công thời đánh Mỹ”.
Cũng bởi anh khảng khái muốn xóa tan định kiến về người quê Thanh:
“Người quê Thanh
nặng nghĩa với câu thề
trong gian khó
vẫn tràn trề mơ mộng
luôn mở lòng
cho tình người bay bổng
khi hiểu rồi
cũng dễ sống mà em”.
Có một con người rất vĩ đại nhưng cũng vô cùng đời thường, một người cha của cả dân tộc, nhưng lại luôn thân thương với mọi người, đó là Hồ Chủ Tịch. Trong suy nghĩ của mọi người và cá nhân nhà thơ Huy Trụ, hình ảnh Bác “Sáng ngời như một ngôi sao/ Như vầng dương dọi nắng vào đêm đông!”. Còn nhà thơ Lâm Bằng, qua hình ảnh “Chiều xuân ấy Bác đến Gia Miêu”, bất chợt ông nghĩ đến hai con người, hai cuộc đời gặp nhau: “Người cứu nước nhớ người đi mở cõi/ Cổ thành Triệu Tường chiều sương buổi ấy/ Khói hương trầm ngan ngát cả vòm cây”...
Quả thật, thời khắc xuân khiến con người ta dễ xúc động, dễ hồi tưởng, song cũng đồng thời gửi gắm rất nhiều niềm tin về tình yêu và hạnh phúc.
Đọc thơ xuân của các thi sĩ xứ Thanh in trên các ấn phẩm đặc biệt báo Thanh Hóa, có thể thấy, mặc dù cùng khai thác và lấy cảm hứng từ mùa xuân, nhưng bằng cách cảm nhận riêng, mỗi vần thơ là tiếng lòng, là hương sắc của mùa xuân của tình người. Mùa xuân đọc thơ xuân, có lẽ là một trong những thú vui tao nhã. Nói như nhà thơ A. Pushkin “Mùa xuân mùa của tình yêu”. Chính vì thế mà mùa xuân từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của các nhà thơ.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoc-nghe-thuat/mua-xuan-mua-tho/26411.htm