Mùa xuân ta có Đảng (Bài 2): Miền 'thâm sơn' đổi thay
Nằm biệt lập 'nơi thâm sơn cùng cốc', những năm gần đây được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bản Mùa Xuân đã xóa được '5 không'. Hiện đường giao thông đã đến tận bản, lưới điện quốc gia đã thắp sáng từng ngôi nhà, trẻ em trong bản đã được đến trường, học chữ đánh vần, màu xanh của cây lúa nước đã trải dài quanh bản. Đảng viên trong chi bộ phát huy vai trò đoàn kết tập hợp người dân xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới.
Các cô giáo dạy học tại điểm trường bản Mùa Xuân.
Mùa Xuân không còn đói
Đảng viên Thao Văn Xúa, năm nay đã đến tuổi thất thập cổ lai hy, đang nhâm nhi chén trà và theo dõi chương trình thời sự truyền hình Việt Nam lúc 12 giờ trưa, thấy có người đến thăm hỏi về chuyện đời, chuyện đảng, ông liền chia sẻ: “Cả cuộc đời tôi nguyện theo Đảng, Bác Hồ kính yêu... Ơn Đảng, Nhà nước mà giờ đây người Mông bản Mùa Xuân đã có đường để đi, trẻ con được học cái chữ, điện về thắp sáng cả bản không còn cảnh tăm tối nữa... Dân bản giờ vui lắm, cuộc sống khác xưa rất nhiều. Có dòng điện lưới quốc gia, cuộc sống, sinh hoạt của người dân đã thuận lợi hơn. Các đồ dùng thiết yếu trong gia đình như tivi, nồi cơm điện,... giờ không còn xa lạ với đồng bào Mông nữa. Các loại máy móc phục vụ cho sản xuất cũng được người dân đầu tư mua sắm. Ánh sáng điện đi tới đâu cái nghèo, cái lạc hậu sẽ bị đẩy lùi tới đó”.
Thấm nhuần lời dạy của Bác: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt, chi bộ tốt là do đảng viên tốt; mỗi đảng viên tốt, mỗi chi bộ tốt là Đảng được mạnh thêm một phần”... các đảng viên chi bộ Mùa Xuân đã phát huy vai trò, trách nhiệm là “cầu nối” giữa Đảng và Nhân dân, nêu cao tinh thần đoàn kết, luôn gần dân, sát dân, đẩy mạnh việc tuyên truyền, giác ngộ lý tưởng cách mạng cho quần chúng Nhân dân. Trong các buổi sinh hoạt, chi bộ luôn dành phần lớn thời gian để bàn về việc chăm lo phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, trồng cây gì, nuôi con gì cho hiệu quả kinh tế?. Bên cạnh đó, các đảng viên trong chi bộ luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng người dân, không kể sớm tối.
Nếu trước đây hằng năm vào mùa giáp hạt, nhiều hộ dân trong bản thường chờ gạo trợ cấp của Nhà nước, thì nay sau hơn hai thập kỷ dưới sự lãnh đạo của chi bộ, Nhân dân bản Mùa Xuân đã đuổi được “giặc” đói. Tuy tỷ lệ hộ nghèo ở bản còn cao, nhưng người dân đã quan tâm chăm lo cho sự học, hiện bản có 2 người học đại học, 4 người học trung cấp chuyên nghiệp, 30 học THPT, trẻ em đến học ngay tại điểm trường bản.
Đổi thay ở bản Mông
Đến thăm điểm trường Mùa Xuân, đứng trên một khoảng đất rộng nhìn xuống là những thửa ruộng bậc thang đang xanh tốt, và những ngôi nhà cấp bốn được làm bằng gỗ khá kiên cố. Trong lớp, những đứa trẻ người Mông vốn nhút nhát, còn biết rất ít tiếng phổ thông nên thấy người lạ tỏ ra bẽn lẽn. Thế nhưng, với cô giáo Thao Thị Sua thì các em lại rất gần gũi, bởi bao năm nay cô giáo đã trở thành người mẹ hiền thứ hai của các em. Theo lời chia sẻ của cô giáo trẻ, trước kia, cô cũng như đa số những đứa trẻ người Mông khác, sinh ra trong gia đình nghèo, sống ở vùng núi đặc biệt khó khăn và thiếu thốn đủ mọi thứ. Suốt những năm tháng tuổi thơ cũng phải chịu cảnh thiếu ăn, thiếu mặc. Ngoài giờ học, Sua phải trông các em, rồi lên nương rẫy phụ giúp bố mẹ. Hiểu được cái giá của việc thiếu tri thức và đói nghèo, Sua đã cố gắng học tập, khi tốt nghiệp trở về bản dạy học cho trẻ em trong bản để các em nuôi dưỡng ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn. Kinh tế phát triển, đời sống ngày càng được nâng lên, nhận thức của bà con dân bản về sự học cũng đã khác xưa. Trước kia, do mưu sinh nên việc học hành của con cái ít được các bậc phụ huynh quan tâm. Cùng với cách nghĩ chủ yếu sinh nhiều con để có người làm nương rẫy nên việc học hành của con em thường bị bỏ dở giữa chừng. Tuy nhiên, với sự tuyên truyền vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với các thầy cô giáo cắm bản, hiện nay 100% trẻ em đủ tuổi đã được đến trường.
Điện lưới quốc gia tạo điều kiện cho người dân bản Mùa Xuân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Qua hơn 30 năm từ ngày thành lập bản đến nay, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thông qua các chương trình, dự án, chính sách dân tộc, người dân bản Mùa Xuân đã biết trồng lúa nước, biết trồng rừng, chăn nuôi, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa bỏ các tập tục lạc hậu. Hiện nay, bản Mùa Xuân có 10 ha lúa nước, 40 ha ngô, 20 ha mận, 31 ha vầu, gần 300 con trâu, bò... Không chỉ chăm lo xây dựng chi bộ vững mạnh, phát triển kinh tế, các đảng viên chi bộ Mùa Xuân đã cùng với cán bộ biên phòng và cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia các phong trào bảo vệ an ninh thôn bản, phong trào quần chúng tự quản đường biên, cột mốc,... góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền của Tổ quốc.
Đồng chí Lương Thị Hạnh, Bí thư Huyện ủy Quan Sơn cho biết: Trên địa bàn huyện Quan Sơn có 3 bản đồng bào dân tộc Mông sinh sống là Mùa Xuân, Xía Nọi và Ché Lầu. Tuy là bản xa xôi nhất, nhưng trong những năm qua, các đảng viên trong chi bộ Mùa Xuân đã phát huy được vai trò tiền phong gương mẫu cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền cho Nhân dân thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước. Thông qua các chương trình, dự án, đề án của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, huyện Quan Sơn đã từng bước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tại các bản Mông. Trong đó, tập trung vào các công trình như: nhà văn hóa, khu trường mầm non, tiểu học, đường giao thông nội bản... Đồng thời, hướng dẫn bà con sản xuất, kinh doanh; ổn định diện tích nương rẫy và khai hoang mở rộng diện tích lúa nước; tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa các loại cây trồng có năng suất cao vào sản xuất như: lúa lai, ngô lai, đậu tương, sắn... Nhằm hướng về cơ sở, “sát dân, sát địa bàn", từ tháng 4-2018, Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Sơn đã triển khai xây dựng mô hình “3+1” và phân công cán bộ, công chức cấp huyện dự sinh hoạt với chi bộ bản, khu phố. Theo đó, mỗi tháng cán bộ, công chức trong huyện dành 3 tuần làm việc tại cơ quan, đơn vị và dành 1 tuần xuống các thôn, bản để nắm tình hình, hướng dẫn các cấp ủy đảng cơ sở triển khai các nghị quyết, chỉ thị của các cấp đi vào cuộc sống; cùng Nhân dân tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tại các bản người Mông, trong đó có bản Mùa Xuân khi triển khai mô hình đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy và các đảng viên trong chi bộ.