Mùa Xuân trên biển trời Đông Bắc Tổ quốc
Bài 2: Hơn 24 giờ trên biển
Tàu 634, thuộc Hải đội 137, Lữ đoàn 169 chở đoàn công tác Vùng I Hải quân ra thăm, tặng quà, chúc Tết Ất Tỵ - 2025 cán bộ, chiến sỹ và đồng bào đang sinh sống, làm nhiệm vụ trên các đảo vùng biển Đông Bắc rời cảng từ 16h chiều 10/1. Ngoài rất nhiều hàng hóa, quà Tết của các đơn vị trên đất liền gửi tặng, con tàu còn mang theo những tình cảm, những dự định và những hy vọng của chúng tôi tiến về phía đảo. Tuy nhiên, thời tiết đã không ủng hộ, biển động cấp 6, cấp 7 nên sau hơn 24h lênh đênh trên biển, đoàn không vào được Bạch Long Vĩ mà buộc phải trở về huyện đảo Cát Bà, tiếp tục cuộc hành trình...
Con Tàu 634 tiến về phía biển, đẩy lùi xóm làng Thủy Nguyên trở lại phía sau. Phải mất hơn 3 giờ đồng hồ, tàu mới ra khỏi sông Cấm, chuẩn bị tiến sâu vào biển lớn. Lúc này, trời đã tối hẳn. Theo kế hoạch, tàu neo lại bến Gót khoảng hơn 1 giờ để đoàn ăn cơm, sinh hoạt, sau đó tiếp tục hành trình. Chúng tôi về phòng làm việc, đưa những hình ảnh và thông tin đầu tiên của đoàn diễn ra chiều nay về tòa soạn. Ai vào việc đấy, chưa kịp trò chuyện nhiều với nhau thì có cảm giác tàu bắt đầu nghiêng ngả.
Trung tá Nguyễn Thế Tình, Chính trị viên Lữ đoàn 169, Vùng I Hải quân đi từng phòng, rồi dừng lại ở phòng chúng tôi - căn phòng rộng chưa được 10m2, gần 10 nữ phóng viên và cán bộ Quận đoàn Long Biên được bố trí nghỉ ngơi tại đó. Thiếu tá Tình ngồi xuống, hỏi han tình hình sức khỏe từng người. Lúc này, tàu đang trên khu vực quần đảo Long Châu. Chúng tôi quây quần bên nhau nói chuyện về con tàu, về Lữ đoàn 169 của anh. Mặc dù mới thành lập được gần 2 năm, nhưng Lữ đoàn 169 đã chính thức đón nhận Quân kỳ Quyết thắng vào tháng 5/2024, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo; vận tải, chi viện đảo; vận tải đổ bộ; tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Trung tá Tình cho biết: Thời gian qua, đơn vị của chúng tôi đã chỉ đạo hàng trăm lượt tàu, xuồng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Các công tác Đảng, công tác chính trị của đơn vị cũng được triển khai đồng bộ. Công tác hậu cần - kỹ thuật cũng đã bám sát và bảo đảm đồng bộ số lượng, chất lượng, chủng loại cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, trinh sát, vận tải chi viện đảo. Lữ đoàn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị kết nghĩa với gần 20 tổ chức chính trị - xã hội trên các địa bàn đóng quân; khuyến khích cán bộ, chiến sỹ đơn vị tích cực tham gia các hoạt động “Tết hải đảo thắm tình quân dân”, “Xây dựng nhà tình nghĩa”, hỗ trợ các gia đình cận nghèo, ra quân làm sạch biển, bảo vệ môi trường... Từ đó, góp phần củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn, làm cơ sở xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
Chính trị viên Nguyễn Thế Tình nói chuyện say sưa nhưng một số người có mặt trong phòng bắt đầu có biểu hiện chếnh choáng say sóng. Phóng viên Châu Linh (Báo Tiền Phong) gặp được anh như vớ được vàng, vừa trò chuyện về công việc, về cuộc sống riêng tư của anh và đồng đội anh trong những ngày bám biển, bám đảo, bám tàu thế nào. Rồi chuyện về cơn bão kinh hoàng Yagi đi qua vùng biển Vịnh Bắc Bộ hồi tháng 9 năm 2024. Anh Tình kể, khi cơn bão vào vịnh, anh đang chỉ huy tránh bão và tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên tàu 951 và 634. Gần trưa ngày 7/9, tại Quân cảng Vạn Hoa, xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, khu vực đơn vị đang đóng quân, bão số 3 trực tiếp đổ bộ vào đó. Đơn vị đã phát hiện hai tàu cá, gồm: một tàu vỏ sắt không rõ số hiệu, một tàu vỏ gỗ mang số hiệu HP-902.92TS và một xuồng bị đánh trôi dạt vào cảng Vạn Hoa. Sở chỉ huy Lữ đoàn đã cử lực lượng hỗ trợ tàu bị nạn nhưng do sóng to, gió lớn nên tàu cá vỏ sắt và xuồng bị sóng đánh chìm. Còn tàu vỏ gỗ HP-902.92TS bị đánh trôi dạt và mắc cạn tại khu vực kè đá trước nhà Chỉ huy Lữ đoàn. Lúc này, gió mạnh cấp 14, 15, tính mạng của ngư dân trên tàu đang bị đe dọa, đơn vị đã dùng ô tô có trọng tải lớn tiếp cận hiện trường và hỗ trợ họ trên tàu. Sau 15 phút, 3 ngư dân (một người quê ở Quảng Trị, 2 người quê ở Quảng Ninh) đã được cứu, dẫn vào bờ an toàn...
Cạnh phòng chúng tôi là phòng sinh hoạt tập thể. Anh em cán bộ, chiến sỹ và một số đại biểu của đoàn công tác đang cất cao tiếng hát những bài hát ca ngợi biển đảo, ca ngợi tình yêu đất nước. Tôi lại nghe thấy giai điệu hào hùng của bài hát “Vùng I Hải quân ra khơi”. Giai điệu hành khúc của bài hát thôi thúc trái tim những người lính đảo hướng về biển trời bao la phía trước: “Đoàn tàu lướt sóng chúng tôi ra khơi, bảo vệ Tổ quốc vì tương lai sáng ngời, sóng gió ngăn sao được những người lính biển, bão giông hiểm nguy tôi luyện thêm ý chí...”. Sau đó là “Đất nước tình yêu” của Lệ Giang... Chúng tôi đã cảm thấy gió mạnh dần, sóng va quật vào thành tàu tạo nên những âm thanh khá lạ so với buổi chiều. Phóng viên Châu Linh bắt đầu say sóng. Cô chỉ kịp thì thào bên tai tôi “biển lại giận dỗi rồi...”. Tôi cố gắng đưa con chuột máy tính vào đúng vị trí “gửi” trên giao diện của gmail mà làm không nổi. Tôi ghé đầu, áp sát tai xuống gối, cố nghe tiếng biển quằn quại ngoài kia. Con tàu vẫn cố vượt sóng tiến về phía Bạch Long Vĩ.
Sáng hôm sau, trong cơn say mê man, nặng nề ấy, những phóng viên nữ chúng tôi cố mở mắt gượng dậy mà không sao ngồi nổi. Ánh sáng đã tràn trên biển, máy trưởng Tàu 634 Đào Quốc Doanh nói rằng, con tàu đang trên hành trình quay về Cát Bà, sóng lớn không thể vào Bạch Long Vĩ. Sáng sớm nay, các anh đã chuyển hết hàng hóa, quà Tết trên Tàu 634 cho một tàu của bộ đội biên phòng để nhờ họ mang vào đảo. Các đồng chí phụ trách đoàn công tác đã liên hệ với “trong đó” để mang đến những địa chỉ cụ thể được gửi rồi. Chắc một hai giờ nữa, họ sẽ chuyển xong quà cho cán bộ, chiến sỹ và đồng bào trên đảo Bạch Long Vĩ.
Tôi rất buồn vì không thể vào Bạch Long Vĩ. Khi bước chân lên tàu, tôi đã hình dung rất nhiều hoạt động sẽ được trải nghiệm trên đó, tôi sẽ thực hiện những dự định từ ban đầu chuyến công tác này. Kế hoạch chuẩn bị khá kỹ, không ngờ biển bất ngờ "giận dỗi" không để tàu cập bến. Chúng tôi chỉ đành chuẩn bị phương án 2 của mình, tác nghiệp trên huyện đảo Cát Bà... Mặt trời đã lên cao, nhiều phóng viên vẫn say sóng, không ai làm việc được. Tàu nghiêng ngả trên mặt sóng như đánh võng. Các cán bộ, chiến sỹ Tàu 634, Hải đội 137 thay nhau đến từng phòng xem tình hình sức khỏe của anh em. Họ vẫn làm việc bình thường, hỏi chúng tôi có cần dùng thứ gì không, các anh sẽ mang đến tận nơi giúp. Rồi ai làm nhiệm vụ của người đó, 28 thủy thủ đoàn không ai ngồi chơi. Gần 5h chiều ngày 11/01, tàu bắt đầu vào vịnh Hạ Long, chúng tôi mới đứng lên, đi ra ngoài boong tàu trong cảm giác chưa thể thăng bằng. Biển trời đẹp quá, hoàng hôn trên biển ấm áp biết nhường nào. Chúng tôi đứng ngắm hoàng hôn chừng 5 phút rồi bắt tay vào công việc. Con tàu như đứng yên vì mặt biển dịu dàng quá đỗi. Giờ là lúc chúng tôi khám phá cuộc sống trên con tàu...
Trong khu vực bếp, nhiều thủy thủ đang cặm cụi chuẩn bị bữa ăn tối. Rất nhiều món ăn được xếp bày lên bàn, có giò, chả cá, canh chua, thịt bò xào, cá kho... cảm giác như là cỗ Tết. Thiếu tá Đào Quốc Doanh vừa làm, vừa trò chuyện rất vui vẻ. Anh bảo, ở đây ai cũng biết nấu ăn, biết làm tất cả những việc bếp núc. Lính biển là thế, tựa vào nhau để vượt sóng.
Suốt từ chiều 10/01 đến giờ, hơn 20 cán bộ, chiến sỹ của tàu 634 đã nhường chỗ nằm, chỗ nghỉ cho chúng tôi. Họ ngồi trên những chiếc ghế nơi làm việc, ngủ trên võng mắc tạm ở những nơi còn trống. Không biết họ ngủ lúc nào, chỉ biết khi chúng tôi thức dậy đã thấy họ đang làm việc rồi. Đêm thứ hai chúng tôi ngủ trên biển, nhưng không còn đánh đu với sóng. Tất cả đã êm đềm...
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/mua-xuan-tren-bien-troi-dong-bac-to-quoc-143375.html