Mùa xuân trên sóng nước Tây Nam
Khi xuân thấp thoáng trên đất liền, tàu của Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân rẽ sóng, đưa đoàn công tác cùng quà tết đến với cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên các đảo tiền tiêu. Hành trình yêu thương gắn kết đất liền với đảo xa có biết bao cảm xúc.
Rẽ sóng biển Tây Nam
Đêm 15/1, đoàn công tác do Chuẩn đô đốc Nguyễn Hữu Thoan, Chính ủy Vùng 5 Hải quân làm trưởng đoàn có mặt tại Cảng 2 Lữ đoàn 127.
Tham gia chuyến đi thăm, động viên, chúc tết cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng và Nhân dân trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc do Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tổ chức có đoàn đại biểu các tỉnh, thành phố phía Nam; đoàn đại biểu các đơn vị: Agribank, CLB Tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương, Tạp chí Biển Việt Nam và phóng viên các cơ quan báo chí trong nước, với hơn 200 người. Một số đại biểu và phóng viên tranh thủ chụp ảnh lưu niệm trước khi xuống tàu 528 và 924 của Hải quân.
Hai “chiến mã” to lừng lững rúc còi thay lời chào trước khi rời cảng. Thành phố đảo Phú Quốc rực rỡ nhanh chóng lùi lại phía sau. Màn đêm mênh mông ôm lấy tàu. Sóng rì rầm bên mạn.
Vùng biển Tây Nam có diện tích khoảng 150.000km2, trên mặt biển có hơn 150 đảo, trong đó 46 đảo có người sinh sống thuộc 5 quần đảo: An Thới, Hải Tặc, Bà Lụa, Nam Du và Thổ Chu. Chiều dài bờ biển khoảng 450km, tính từ cửa sông Gành Hào (Bạc Liêu) tới Hà Tiên (Kiên Giang).
Vùng biển Tây Nam có vị trí địa kinh tế, địa chính trị rất thuận lợi cho dân cư sinh sống, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là các ngành du lịch, dịch vụ, đánh bắt và nuôi trồng thủy hải sản; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân trên biển, kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh.
Điểm đến đầu tiên của đoàn công tác là đảo Thổ Chu - hòn đảo tiền tiêu phía Tây Nam của Tổ quốc, cách đảo Phú Quốc hơn 100km về phía Tây Nam, cách đất liền hơn 220km về phía Đông.
Ngày vừa rạng, trước ánh mắt háo hức của những người lần đầu tiên đến với vùng biển Tây Nam, đảo Thổ Chu ngay phía trước. Đây là đảo lớn nhất trong 8 hòn đảo thuộc quần đảo Thổ Chu, nơi có hơn 500 hộ dân với gần 1.900 người sinh sống, chủ yếu bằng nghề nuôi trồng, khai thác thủy sản và dịch vụ du lịch.
Lên đảo, đoàn công tác viếng đền Thổ Châu - nơi thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các anh hùng, liệt sĩ và cũng là nơi thờ hơn 500 người dân vô tội bị quân Khmer Đỏ sát hại cách đây gần 50 năm. Sau đó, đoàn công tác đến Trạm Rada 610 thuộc Trung đoàn 551, Vùng 5 Hải quân - nơi đoàn công tác tặng quà, chúc tết cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng và Nhân dân trên đảo.
Rời Thổ Chu, đoàn công tác đến các đảo: Hòn Khoai (phía Đông Nam mũi Cà Mau, cách đất liền khoảng 14km, thuộc xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau), Hòn Chuối (cách đất liền gần 32km về phía Tây, thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau), Nam Du (cách TP Rạch Giá khoảng 100km về phía Đông Bắc, thuộc huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang) và Hòn Đốc (còn gọi là Hòn Tre lớn, đảo lớn nhất trong số 16 đảo trong quần đảo Hải Tặc, cách đất liền khoảng 20km, thuộc xã đảo Tiên Hải, TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang).
Thử thách cánh phụ nữ nhiều nhất trên hành trình khoảng 340 hải lý (tương đương 630km) là hải trình từ Thổ Chu đến Hòn Khoai. Gió nổi lên, tàu lắc lư. Với một số phụ nữ chưa từng quen sóng gió trên biển, mọi thứ cũng lắc lư, chao đảo. Bác sĩ quân y bắt đầu bận rộn...
Tối, thủy thủ gõ cửa, nhắc nhở khách đưa những đồ vật dễ vỡ xuống sàn tàu, để chúng không bị rơi khi tàu lắc mạnh. Chuẩn đô đốc thăm hỏi một số đại biểu, phóng viên bị say sóng.
Việc di chuyển từ tàu lớn của Hải quân lên các đảo không phải lúc nào cũng dễ dàng như khi đến Thổ Chu và Nam Du. Để đến Hòn Khoai, đoàn công tác phải rời tàu lớn xuống thuyền đánh cá của ngư dân mới cập đảo được.
Còn để đến đảo Hòn Chuối, sau khi rời tàu lớn và di chuyển một quãng bằng thuyền đánh cá, đoàn công tác phải rời thuyền đánh cá, xuống những chiếc thuyền gỗ nhỏ, chòng chành, cập đảo. Hòn Chuối có địa hình rất phức tạp, độ dốc cao, khí hậu khắc nghiệt. Trên đảo, gần 70 hộ dân với hơn 200 người sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi cá lồng và đánh bắt thủy hải sản.
Vững vàng trên các đảo tiền tiêu
Hiện nay, các lực lượng của Vùng 5 Hải quân đóng quân trên 9 địa điểm thuộc 2 tỉnh: Kiên Giang, Cà Mau và TP Cần Thơ (bao gồm: Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du, Hòn Đốc, Rạch Sỏi (tỉnh Kiên Giang), Hòn Khoai, Hòn Chuối, Năm Căn (tỉnh Cà Mau) và một địa điểm ở TP Cần Thơ. Nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Vùng 5 Hải quân là phối hợp chặt chẽ với các lực lượng trên
Những khó khăn trên hành trình, dù chỉ thoáng qua, song cũng giúp cho những người lần đầu tiên đến với vùng biển Tây Nam của Tổ quốc cảm nhận được phần nào khó khăn thử thách mà các cán bộ, chiến sĩ hải quân cũng như các lực lượng khác và Nhân dân trên đảo phải đối mặt, và càng cảm phục nỗ lực vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ biển, đảo - phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong chuyến công tác, bên cạnh việc tặng quà chúc tết, giao lưu với cán bộ chiến sĩ còn có những hoạt động ý nghĩa khác, như chào cờ tại Trạm Rada 595 (đảo Hòn Khoai), viếng đền tưởng niệm các nạn nhân tử nạn trong cơn bão số 5 năm 1997 (đảo Nam Du), tổ chức gói bánh chưng tại Trạm Rada 600 (đảo Nam Du)...
Hạ sĩ Dương Thái Tuấn (quê ở Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) làm nhiệm vụ tại Trạm Rada 625 trên đảo Hòn Đốc thổ lộ: “Đây là lần đầu tiên tôi đón tết xa gia đình, cảm xúc rất khó diễn tả. Mình xa gia đình thì anh em ở đây cũng vậy. Trong đơn vị, anh em động viên, đùm bọc nhau. Anh em ai nấy đều cố gắng thì mình cũng phải cố gắng. Tôi rất vui, rất phấn khởi khi đoàn công tác đến thăm, động viên, chúc tết”.
Chuẩn đô đốc Nguyễn Hữu Thoan cho biết: “Trong 10 năm qua, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân đã phối hợp tổ chức 210 đoàn công tác với hơn 3.500 lượt đại biểu đến thăm, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên các đảo Tây Nam của Tổ quốc.
Với phương châm “đất liền hướng về đảo xa”, đồng thời hưởng ứng tích cực cuộc vận động “Vì biển đảo quê hương - Vì tuyến đầu Tổ quốc”, các đoàn quan tâm, sẻ chia trước những khó khăn, thiếu thốn nơi biên giới, hải đảo; hỗ trợ xây dựng hàng chục công trình, tặng thiết bị, nhu yếu phẩm... phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ, trị giá gần 30 tỉ đồng. Nghĩa cử cao đẹp đó mãi mãi khắc ghi trong trái tim người lính biển Tây Nam”.
Trong những ngày giáp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Đảng bộ, chính quyền, ban ngành, đoàn thể và Nhân dân các địa phương, các doanh nghiệp, các cơ quan báo chí hướng về biển, đảo bằng tình cảm sâu sắc. Những tình cảm đó là nguồn cổ vũ, động viên, khích lệ rất lớn, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân - những người lính biển kiên trung đang ngày đêm chắc tay súng, vững vàng trên tuyến đầu, quyết tâm bảo vệ vững chắc từng tấc đảo, sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Chuẩn đô đốc Nguyễn Hữu Thoan, Chính ủy Vùng 5 Hải quân
PHƯƠNG TRÀ
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/89/312747/mua-xuan-tren-song-nuoc-tay-nam.html