Mùa xuân về với Đảo Cò

Tôi nhận ra vẻ đẹp của Đảo Cò không chỉ nằm ở khung cảnh hoang sơ mà còn ở sự yên bình và gắn kết giữa con người với thiên nhiên.

Hoàng hôn về trên Đảo Cò Ảnh: THÀNH CHUNG

Hoàng hôn về trên Đảo Cò Ảnh: THÀNH CHUNG

Mặc dù đã là lần thứ hai về thăm Đảo Cò nhưng mỗi lần đến đây tôi lại có những cảm nhận riêng.

Lần đầu tôi đến đây vào dịp cuối thu 2 năm trước, cùng với cô giáo và các bạn trong lớp. Khi đó trời se lạnh, đàn cò về thưa thớt.

Còn lần này tôi đến Đảo Cò vào mùa xuân. Tiết trời ấm áp cũng là lúc đàn cò tụ hội về đây đông vui nhất trong năm.

Khi cả nhà tôi đến Đảo Cò, mặt trời bắt đầu dần ngả về phía tây, rọi những tia nắng vàng óng, dịu nhẹ, ấm áp xuống mặt hồ yên ả. Ánh nắng cuối chiều chiếu xuống mặt hồ lấp lánh như dát vàng. Thật hiếm có một buổi chiều mùa xuân nắng đẹp như vậy bởi mấy hôm trước trời vẫn mưa phùn ẩm ướt.

Hôm ấy, cả nhà ngồi trên chiếc thuyền nhỏ, nhẹ nhàng rẽ nước tiến vào bên trong đảo. Hai bên bờ, những rặng cây xanh mướt soi bóng xuống mặt nước phẳng lặng, tạo nên khung cảnh thật thơ mộng.

Vừa đi bác lái đò vừa kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện độc đáo về Đảo Cò, về những tập tính sinh hoạt đặc biệt của đàn cò, đàn vạc nơi đây. Thú vị nhất là câu chuyện hồ nước An Dương không bao giờ cạn. Ở đây đã từng có nhiều người cố gắng hút cạn nước hồ nhưng không được. Nơi đây từng có những con cá to đến vài chục cân. Những câu chuyện về cò vạc và hồ nước An Dương cuốn hút suốt cả chặng đường bác lái thuyền đưa cả nhà chúng tôi tiến sâu vào khu đảo, nơi sinh sống của họ hàng nhà cò vạc nhiều năm qua.

Khi ánh hoàng hôn chỉ còn lấp lóa trên các cành cây thì trên bầu trời từng đàn cò trắng cũng trở về sau một ngày kiếm ăn vất vả. Những cánh cò chao nghiêng giữa nền trời chiều, tạo thành một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Tiếng vỗ cánh hòa cùng tiếng kêu của cò vạc giao ca vang vọng cả một vùng trời. Tôi như thấy mình đang lạc vào thế giới của loài chim. Cò bay rợp trên đầu còn đàn vạc lại chấp chới từ các đảo bay lên bắt đầu đi kiếm ăn đêm.

Vừa khua mái chèo, bác lái thuyền vừa kể, Đảo Cò có hàng chục nghìn cá thể chim cư trú, trong đó có nhiều loài quý hiếm như cò lửa, diệc xám, vạc... Tôi chăm chú lắng nghe, tưởng tượng về những cuộc hành trình xa xôi của những chú chim di cư tìm về đây làm tổ, cảm thấy thêm yêu mảnh đất quê mình.

Thuyền cập bến, tôi cùng bố mẹ đi dạo quanh đảo. Những hàng cây phủ kín đảo, những tán cây ôm ấp như che chở cho những chú chim non ríu rít. Xa xa, vài chú cò đứng lặng lẽ trên cành cao, như những "người gác cổng" cho cả hòn đảo. Tôi thích thú quan sát từng cử động nhỏ của chúng, cảm nhận hơi thở của thiên nhiên gần gũi đến lạ.

Sau khi dạo chơi thỏa thích, cả nhà tôi tìm một góc yên tĩnh để ngồi ngắm hoàng hôn. Gió xuân từ hồ thổi lên mát rượi, mang theo mùi của nước và cỏ cây. Tôi cắn một miếng bánh đa giòn rụm do chính người dân Chi Lăng Nam nướng trên than hoa. Ở đây bà con bán nhiều sản vật của địa phương như: bánh đa, bánh gai, kẹo lạc, ngô, khoai nướng...

Chuyến đi kết thúc khi ánh nắng cuối cùng tắt sau những rặng cây. Đảo Cò chìm vào bóng tối chỉ còn tiếng vạc gọi nhau giữa không gian tĩnh lặng. Tôi nhận ra vẻ đẹp của Đảo Cò không chỉ nằm ở khung cảnh thiên nhiên hoang sơ mà còn ở sự yên bình và gắn kết giữa con người với thiên nhiên.

Trên đường về, tôi cứ ngước nhìn mãi lên bầu trời nhá nhem nơi vẫn có những đàn cò đi kiếm ăn xa về muộn. Chúng trở về nhà, nơi đảo cò Chi Lăng Nam yên bình.

LÊ HƯƠNG GIANG, LỚP 8A, TRƯỜNG THCS TÂN BÌNH (TP HẢI DƯƠNG)

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/mua-xuan-ve-voi-dao-co-407930.html