Mức chênh lệch lạm phát lớn ở Mỹ

Tại Mỹ đang có sự chênh lệch lớn trong mức lạm phát giữa các khu vực, trong đó tốc độ xây dựng nhà ở là một yếu tố quyết định.

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Khu vực Tampa-St. Petersburg-Clearwater ở Florida gần đây đã ghi nhận mức lạm phát thấp nhất trong số 23 khu vực đô thị trên toàn nước Mỹ - ở mức 1,8% trong 12 tháng tính đến hết tháng Năm, theo dữ liệu từ Chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Đây là một sự đảo ngược đáng ngạc nhiên so với năm ngoái, khi khu vực này là một trong những nơi có lạm phát cao nhất nước Mỹ.

Trong khi đó, khu vực đô thị Honolulu ở Hawaii lại ghi nhận mức lạm phát theo năm cao nhất cả nước vào tháng Năm, ở mức 5,2%. Trên toàn quốc, lạm phát ở mức 3% trong tháng Năm so với cùng kỳ năm ngoái.

Tốc độ phát triển kinh tế và xây dựng nhà ở dân cư đã bùng nổ ở khu vực Vịnh Tampa. Do đó, chi phí nhà ở đã giảm trong năm qua, kéo lạm phát tổng thể giảm theo. Theo các nhà kinh tế học, sự gia tăng trong hoạt động xây dựng nhà ở cũng đóng góp phần lớn vào mức lạm phát thuộc hàng thấp nhất cả nước ở Houston, Minneapolis và Denver.

Trong khi đó, cách bờ biển miền Trung Florida hơn 4.500 dặm, thiên đường đảo Hawaii tiếp tục phải chịu tình trạng thiếu nhà ở kinh niên. Tình hình này còn trở nên tồi tệ hơn sau trận cháy rừng Lahaina thảm khốc năm ngoái.

Theo các chuyên gia, nguồn cung nhà ở tại tiểu bang này đã không theo kịp nhu cầu trong hàng chục năm, dẫn đến một cuộc khủng hoảng lớn về khả năng chi trả nhà ở. Điều kiện thắt chặt trên thị trường cũng đang gây khó khăn cho New York, nơi từng tự hào có mức lạm phát thấp nhất cả nước. Hiện tại, lạm phát ở thành phố đông dân nhất nước Mỹ này là hơn 4%.

Bà Barbara Denham, chuyên gia kinh tế của công ty nghiên cứu Oxford Economics, cho nhận định sự chênh lệch về lạm phát giữa các khu vực một phần là do nguồn cung nhà ở mới và ảnh hưởng của nó đến giá cả.

Chi phí nhà ở chiếm khoảng 1/3 chỉ số CPI của Bộ Lao động Mỹ, một thước đo lạm phát được theo dõi chặt chẽ. Lạm phát đã giảm đáng kể từ mức cao kỷ lục 40 năm của hai năm trước, nhưng chi phí nhà ở vẫn ở mức cao.

Đó là một trở ngại chính đối với cuộc chiến chống lạm phát của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Nhưng tình hình đã cải thiện gần đây. Sau khi “neo” ở mức cao vào đầu năm nay, áp lực giá tiếp tục giảm dần trong quý II, thúc đẩy Fed tiến gần hơn đến việc cắt giảm lãi suất, hiện đang ở mức cao nhất trong 23 năm. Thị trường chứng khoán Mỹ đang đặt cược mạnh mẽ vào khả năng Fed sẽ thực hiện đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên vào tháng Chín tới.

Khánh Ly (Theo CNN)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/muc-chenh-lech-lam-phat-lon-o-my/341928.html