Mục đích chuyến thăm Đức của Ngoại trưởng Anh chỉ một ngày sau khi nhậm chức
Ngày 6/7, Ngoại trưởng mới được bổ nhiệm của Anh, ông David Lammy đã tới Đức trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, chỉ một ngày sau khi đảng Lao động giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử Anh. Giới phân tích cho rằng, mục tiêu của chuyến thăm không chỉ nhằm tăng cường quan hệ hợp tác Anh-Đức, mà còn tìm kiếm giải pháp nâng cao tính tự chủ chiến lược của châu Âu.
Nội dung cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Anh-Đức
Theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Đức, trong cuộc hội đàm, Ngoại trưởng Anh-Đức đã tập trung thảo luận về việc “tăng cường trụ cột châu Âu của NATO”, đặc biệt là làm thế nào để châu Âu có thể hỗ trợ Ukraine hiệu quả hơn. Tân Ngoại trưởng Anh David Lammy và người đồng cấp Đức Annalena Baerbock cũng đặc biệt chú ý đến tình hình bất ổn ở Trung Đông, trọng tâm là cuộc xung đột Israel-Hamas tại Dải Gaza. Đức-Pháp nhấn mạnh giải pháp hai Nhà nước để hạ nhiệt căng thẳng leo thang giữa Israel và Palestine; đồng thời, lưu ý rằng “bất kỳ việc mở rộng các dự án định cư” nào của Israel đều là “bất hợp pháp”.
Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết: “Trong chương trình nghị sự về khí hậu quốc tế, chúng tôi muốn cùng nhau tiến lên và đi theo cùng một hướng”. Đức xem Anh là “một phần không thể thiếu của châu Âu” và ghi nhận sự hợp tác chặt chẽ giữa Berlin và London về khoa học, văn hóa và an ninh. Bộ Ngoại giao Đức cam kết: “Chúng tôi đang làm việc với chính phủ mới của Anh để hiểu cách Anh có thể trở nên gần gũi hơn với EU”.
Mục đích chuyến thăm Đức của tân Ngoại trưởng Anh David Lammy
Ngày 5/7, lãnh đạo đảng Lao động Keir Starmer, chính thức nhậm chức sau chiến thắng vang dội của đảng Lao động, chấm dứt 14 năm nắm quyền của chính phủ đảng Bảo thủ. Ngay lập tức, tân Thủ tướng Keir Starmer đã công bố thành phần nội các của mình, với hầu hết các chức vụ trong chính phủ mới đều do các đảng viên cùng đảng của ông đảm nhận. Đáng chú ý, Thủ tướng Keir Starmer bổ nhiệm ông David Lammy làm Ngoại trưởng. Sinh ra trong cộng đồng người nhập cư Guyan, ông Lammy lớn lên ở Tottenham, một khu vực phía Bắc London, nơi ông đại diện trong Quốc hội từ năm 2000. Ông Lammy trở thành nghị sĩ trẻ nhất khi đắc cử lần đầu ở tuổi 27. Ông sớm có được kinh nghiệm làm bộ trưởng, phục vụ trong chính phủ của các Thủ tướng Tony Blair và Gordon Brown.
Ngày 5/7, Ngoại trưởng Anh David Lammy nhắc lại sự ủng hộ của ông đối với các nỗ lực quốc tế nhằm đảm bảo “lệnh ngừng bắn ngay lập tức” trong cuộc chiến của Israel ở Gaza và việc thả các con tin còn lại sau khi ông được bổ nhiệm làm ngoại trưởng. Người đàn ông 51 tuổi này cho biết ông sẽ “làm việc với chính sách ngoại giao không mệt mỏi” để hướng tới hai mục tiêu song hành đó.
Tờ DW của Đức nhận định, trong bối cảnh chính phủ mới của Anh vừa được công bố, chuyến thăm của tân Ngoại trưởng David Lammy như một bước đi đầu tiên nhằm cụ thể hóa chủ trương xích lại gần hơn với châu Âu, nhất là với các đồng minh chủ chốt như Đức, của chính phủ đảng Lao động. Trước đó, tân Thủ tướng Anh Keir Starmer đã từng tiết lộ rằng, chính quyền mới sẽ của đảng Lao động sẽ thực hiện 3 ưu tiên trong chính sách đối ngoại, đó là: thúc đẩy hợp tác với châu Âu, thực hiện cam kết về biến đổi khí hậu và mở rộng ảnh hưởng ở Nam toàn cầu.
Trong khi đó, theo RBC của Nga, hợp tác kinh tế-thương mại là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chuyến thăm Đức của tân Ngoại trưởng Anh David Lammy. Theo đó, chính phủ mới của đảng Lao động nhậm chức trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang trên đà suy thoái, niềm tin của người tiêu dùng tiếp tục sụt giảm sau nhiều năm. Theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), GDP Anh quý IV/2023 giảm 0,3% so với quý trước đó. Trong quý III/2023, nền kinh tế này co lại 0,1%. Trên lý thuyết, Anh đã rơi vào suy thoái, khi có hai quý liên tiếp tăng trưởng âm. Mức giảm này mạnh hơn dự báo và lớn nhất từ đầu năm 2021, ONS cho biết. Tính chung năm 2023, GDP Anh tăng 0,1% so với 2022
Ba lĩnh vực chính của nền kinh tế đều đi xuống trong quý cuối năm ngoái, trong đó dịch vụ giảm 0,2%; sản xuất và xây dựng lần lượt hạ 1% và 1,3%. Kinh tế Anh đã trì trệ gần 2 năm qua. Lạm phát tại Anh đang dần chậm lại nhưng vẫn cao hơn các nền kinh tế khác và mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). Việc này khiến túi tiền của các hộ gia đình bị thắt chặt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng đầu năm 2024 của nước này tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn theo Izvestia, cuộc xung đột Nga-Ukraine và vấn đề tăng tính tự chủ chiến lược cho châu Âu là mục tiêu chính trong chuyến thăm Đức của tân Ngoại trưởng Anh David Lammy. Trước hết, chuyến thăm Đức của ông Lammy diễn ra trong bối cảnh cục diện chiến trường Nga-Ukraine tiếp tục diễn biến theo chiều hướng bất lợi đối với quân đội Ukraine. Theo thông tin mới cập nhật, tại Toretsk, ở phía bắc, Nga đã hạ gục Bakhmut và bắt đầu đánh chiếm Chasov Yar, còn về phía nam quân đội Nga mở rộng vùng kiểm soát quanh Ocheretine. Lực lượng Ukraine đang bị bao vây giữa một vòng cung lớn. Điều này đồng nghĩa với việc các gói viện trợ từ Anh-Đức hay các nước phương Tây chưa mang lại hiệu quả. Do đó, mục tiêu chính trong chuyến thăm Đức của Ngoại trưởng David Lammy là nhằm thảo luận giải pháp khắc phục thế bế tắc hiện nay cho quân đội Ukraine, trong đó tính đến các yếu tố như các loại vũ khí phù hợp với chiến trường Ukraine hiện nay, mức độ tích hợp vũ khí mà các nước phương Tây viện trợ cho Ukraine, và xây dựng chiến lược, chiến thuật tác chiến hiệu quả hơn.
Ngoài ra, tính tự chủ chiến lược, đặc biệt là nâng cao vai trò của châu Âu trong NATO cũng được Anh-Đức quan tâm. Hiện nay, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn nước rút, và kịch bản ông Trump tái đắc cử đang sáng hơn bao giờ hết, nhất là sau cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống đương kim Joe Biden và đối thủ Donald Trump vào ngày 27/6 (theo giờ địa phương). Đối với châu Âu, đây rõ ràng là kịch bản mà các nước này lo ngại; bởi lẽ, họ mong muốn Tổng thống Biden sẽ giành được nhiệm kỳ thứ hai, giúp bảo đảm gắn kết xuyên Đại Tây Dương, giúp châu Âu có thêm thời gian và sự ủng hộ để đảm nhận phần trách nhiệm lớn hơn đối với lục địa và khu vực giáp biên bất ổn. Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể sẽ làm trầm trọng những bất ổn châu Âu đang phải gắng gượng xử lý. Do đó, Anh-Đức cần thảo luận xây dựng các biện pháp đối phó với mọi phương án có thể xảy ra, nhất là nếu ông Trump tái đắc cử đòi hỏi các nước châu Âu phải có tính tự chủ chiến lược cao hơn.