Theo thông báo mới nhất từ truyền thông khu vực, cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh giữa Armenia và Azerbaijan kéo dài suốt hơn một tháng qua đã chấm dứt với một thỏa thuận ngừng bắn.
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tuyên bố việc rút quân khỏi Nagorno-Karabakh là một quyết định rất khó khăn đối với ông, tuy nhiên đây được xem như lựa chọn duy nhất khi quân đội Azerbaijan đã chiếm được thành phố chiến lược Shusha.
Theo thỏa thuận đạt được giữa các bên, quân đội Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được triển khai để làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình, đây là thắng lợi lớn của Ankara khi họ đặt chân vào không gian chiến lược hậu Xô Viết.
Hiện tại Nga đang gấp rút điều động lực lượng gìn giữ hòa bình tới Nagorno-Karabakh, quy mô sẽ vào khoảng 2.000 lính. Bộ phận chủ yếu là quân nhân của lữ đoàn bộ binh cơ giới số 15 thuộc Quân khu Trung tâm.
Năm máy bay vận tải quân sự Il-76 của không quân Nga đang tham gia chiến dịch. Chúng cất cánh từ sân bay ở Ulyanovsk - cùng một sân bay từng được quân đội phương Tây sử dụng trong khuôn khổ thỏa thuận với NATO để đưa nhân viên và hàng hóa tới Afghanistan.
Nói chính xác hơn, tổng cộng 1.960 quân nhân Nga, 380 đơn vị xe cơ giới và các thiết bị đặc biệt khác, 90 xe bọc thép chở quân và xe chiến đấu bộ binh sẽ được triển khai ở Nagorno-Karabakh.
Trụ sở của lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ được đặt tại Stepanakert - thủ đô của nước cộng hòa Nagorno-Karabakh tự xưng (NKR). Theo thông tin mới nhất, việc xây dựng công trình nói trên đã được bắt đầu.
Vấn đề cần quan tâm của thỏa thuận là sự tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ cũng được giải thích. Điều này đã được Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev nêu trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Vladimir Putin.
"Hôm nay, tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn tới Tổng thống Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vì sự tham gia tích cực của ông vào việc giải quyết cuộc xung đột, và một trong những điểm chính của tuyên bố là sứ mệnh gìn giữ hòa bình chung giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ".
"Do vậy chúng tôi đang tạo ra một định dạng tương tác hoàn toàn mới trong khu vực, không chỉ trong khuôn khổ giải quyết cuộc xung đột mà còn cho sự phát triển trong tương lai", ông Aliyev tuyên bố trong cuộc trò chuyện với ông Putin.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ hiện diện với số lượng hạn chế trong khu vực để giám sát việc rút quân Armenia khỏi các vùng lãnh thổ được quy định trong thỏa thuận này, đây là một đòi hỏi mang tính nguyên tắc đối với Baku.
Điểm mấu chốt là các nhà chức trách Azerbaijan lo ngại rằng phía Armenia có thể không thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của họ theo thỏa thuận: không rút hoặc rút không đầy đủ quân đội Armenia khỏi Nagorno-Karabakh, sự có mặt của binh sĩ Ankara sẽ đảm bảo điều này không xảy ra.
Trước đó trong một cuộc phỏng vấn với các nhà báo Anh, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev cho biết, Baku sẵn sàng tiến hành đối thoại về việc trao cho Nagorno-Karabakh một quy chế đặc biệt.
Đồng thời Tổng thống Aliyev nói thêm rằng phía Armenia trì hoãn quá trình này càng lâu thì các cuộc đàm phán càng kém ý nghĩa. Vài giờ sau, các bên với sự trung gian của Moskva đã đồng ý về thỏa thuận hòa bình.
Bạch Dương