Mức điểm sàn đại học chênh nhau đến 10 điểm

Đến nay, đã có khoảng 150 trường đại học (ĐH) công bố ngưỡng điểm sàn theo phương thức xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Theo đó, hiện mức điểm sàn thấp nhất là 14, cao nhất là trên 24 điểm.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Minh Quang.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Minh Quang.

Từ công bố của các trường cho thấy, mức điểm sàn được đưa ra từ 14 - 24,5 điểm. Trong đó, ngành Sư phạm Toán, Trường ĐH Sài Gòn có điểm sàn cao nhất với 24,5 điểm. Đây là ngành có điểm sàn cao nhất tính đến thời điểm hiện tại trong số các mức sàn đã được công bố. Ngoài ra, ngành cao thứ hai của Trường ĐH Sài Gòn là ngành Sư phạm Tiếng Anh với 23 điểm. Các ngành còn lại lấy mức 16 - 21 điểm.

Nhiều trường nhận hồ sơ xét tuyển ở mức 24 điểm trở lên với một số ngành, tăng nhẹ so với năm ngoái, như Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Luật TPHCM, Trường ĐH Sư phạm TPHCM, ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y Dược TPHCM, Học viện Khoa học quân sự...

Hiện điểm sàn thấp nhất là mức 14 điểm ở trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, ĐH Xây dựng miền Tây (Vĩnh Long). Theo đó, thí sinh đạt trung bình dưới 5 điểm một môn cũng có thể đăng ký xét tuyển.

Các thí sinh cần lưu ý điểm sàn là điều kiện tối thiểu để thí sinh đăng ký xét tuyển, không phải là điểm chuẩn. Mức điểm chuẩn có thể bằng hoặc cao hơn so với điểm sàn.

Dựa vào phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2024, các chuyên gia dự đoán điểm chuẩn xét tuyển ĐH khối C00, D01, D96 năm nay sẽ tăng. Trong khi đó, điểm chuẩn xét tuyển khối B00 có thể chững hoặc giảm nhẹ so với năm ngoái. Điểm chuẩn xét tuyển từ khối A00, A01 có thể sẽ tăng nhưng không nhiều.

Tính đến thời điểm này, đại diện một số trường ĐH đã đưa ra dự đoán về điểm chuẩn năm nay theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Đơn cử như ĐH Bách khoa Hà Nội dự kiến 3 ngành có đầu vào cao nhất là Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo với mức trên 28. Các ngành có điểm trúng tuyển ở mức 27 - 28 là Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hóa, An toàn không gian số, Công nghệ thông tin (Việt - Nhật, Global ICT, Việt - Pháp). Một số ngành chỉ lấy 20 - 22,75 điểm như Công nghệ dệt may, Kỹ thuật môi trường, Quản lý tài nguyên và môi trường, Khoa học và kỹ thuật vật liệu (chương trình tiên tiến). Mức dự báo các ngành này tăng so với năm ngoái khoảng 0,75 điểm. 20 điểm cũng là ngưỡng sàn ĐH này nhận hồ sơ xét tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, so với năm 2023, dự báo điểm trúng tuyển các ngành đào tạo của trường cao hơn từ 0,5 - 1 điểm. ĐH Bách khoa Hà Nội dự báo điểm chuẩn căn cứ vào tỉ lệ nhập học và mức độ đăng ký của thí sinh, điểm chuẩn trúng tuyển năm 2023; thứ hai dựa vào việc đánh giá kết quả thi đánh giá tư duy, năm nay số lượng thí sinh dự thi nhiều hơn năm ngoái và căn cứ vào khảo sát lĩnh vực ngành nghề của năm 2024, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, nhất là những ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn.

Ở phía Nam, ông Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường ĐH Công thương TPHCM cho biết: Dự kiến điểm chuẩn của nhà trường xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là từ 16 - 23 điểm. Các ngành “hot” như Marketing, Kinh doanh quốc tế, Logistics và chuỗi cung ứng mức điểm chuẩn khoảng 22 - 23 điểm. Các ngành như Kế toán, Tài chính ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Công nghệ thực phẩm... sẽ có dự kiến điểm chuẩn là từ 21 - 22, còn lại một số ngành từ 16 - 18 điểm.

Một số chuyên gia cũng nhận định, điểm chuẩn vào các trường ĐH top trên và các ngành nghề top trên của các trường ĐH có thể đạt trên 25 điểm. Các trường ĐH top giữa, điểm chuẩn sẽ dao động từ 20 - 24 điểm, các trường còn lại sẽ có mức điểm chuẩn từ 15 - 20 điểm.

Dung Hòa

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/muc-diem-san-dai-hoc-chenh-nhau-den-10-diem-10286635.html