Mức độ quan tâm về chuyển đổi số của các doanh nghiệp dịch vụ Logistics tại Việt Nam

Thời gian gần đây sự bùng nổ về thương mại điện tử và e-Logistics đã thúc đẩy ngành logistics Việt Nam cải thiện chất lượng dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

TÓM TẮT

Tuy nhiên, mặc dù là một ngành nhiều tiềm năng nhưng thực tế, phần lớn các doanh nghiệp logistics của Việt Nam có quy mô nhỏ, hạn chế về vốn và công nghệ cũng như năng lực hoạt động ở thị trường quốc tế. Sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường dịch vụ logistics cũng đang diễn ra mạnh mẽ, cộng thêm dịch bệnh Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và đảo lộn. Do vậy, công cuộc chuyển đổi số để nâng cao hiệu suất, cải thiện chất lượng, đồng thời đảm bảo hiệu quả của chuỗi cung ứng nói riêng và ngành Logistics nói chung là một xu thế tất yếu. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích mức độ quan tâm của các doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng như những rào cản đang ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi này.

1. Tổng quan

Ngành dịch vụ logistics có vai trò thiết yếu, là ngành dịch vụ mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao, làm nền tảng cho phát triển thương mại góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên, sự cạnh tranh khốc liệt trên thị trường dịch vụ logistics cũng đang diễn ra mạnh mẽ. Thêm vào đó, dịch bệnh Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và đảo lộn, trong đó có các hoạt động logistics vốn được coi là xương sống của chuỗi cung ứng cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Thực tế đó đặt ra yêu cầu cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực Logistics để vừa khắc phục được những vấn đề nảy sinh trong đợt dịch bệnh vừa qua, vừa có thể tận dụng được lợi thế hiện nay của cách mạng số và thành tựu Cách mạng công nghiệp 4.0.

Phan Đình Quyết (2023) đã tìm ra rằng các học giả trên thế giới đã xem chuyển đổi số như một chiến lược, một quy trình hoặc là một mô hình kinh doanh. Thông thường, họ nhấn mạnh việc sử dụng các công nghệ kỹ thuật số mới để có thể cải tiến các hoạt động kinh doanh. Cần phải nhấn mạnh, chuyển đổi số không phải là một công nghệ đơn lẻ mà là những thay đổi lớn dựa trên sự kết hợp của thông tin, máy tính, truyền thông và công nghệ kết nối. Trong bối cảnh chuyển đổi số, không phải tất cả các công nghệ đều phải là kỹ thuật số. Ví dụ các xe chở hàng, xe nâng hay băng tải có thể trở thành một yếu tố của chuyển đổi số khi được trang bị các thành phần công nghệ để chúng có thể được theo dõi định vị cũng như tốc độ. Do đó có thể thấy rằng, chuyển đổi số là một quá trình tiến hóa liên tục ở bất kỳ khía cạnh nào của tổ chức.

Đối với lĩnh vực dịch vụ logistics, chuyển đổi số trong logistics là việc sử dụng công nghệ số để thay đổi các quy trình, mô hình và hoạt động logistics nhằm nâng cao hiệu quả, tính linh hoạt và khả năng ứng phó của chuỗi cung ứng. Chuyển đổi số trong logistics có thể được thực hiện ở nhiều cấp độ khác nhau, từ việc triển khai các giải pháp công nghệ đơn lẻ hoặc giải pháp toàn diện cho đến việc xây dựng các mô hình logistics hoàn toàn mới dựa trên công nghệ số nhằm tạo ra những giá trị mới, cơ hội mới và nguồn doanh thu mới.

Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số được Đảng và Nhà nước ta ban hành nhằm thúc đẩy phát triển lĩnh vực logistics và chuyển đổi số trong logistics ở Việt Nam thông qua các văn bản pháp lý như:

- Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, trong đó có nội dung: “Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại hình dịch vụ mới, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, pháp lý, y tế, giáo dục - đào tạo, viễn thông và CNTT, logistics và vận tải phân phối”.

- Quyết định 749/QĐ- TTg năm 2020 về phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng 2030 cũng xác định logistics là 1 trong 8 ngành cần được ưu tiên chuyển đổi số trước.

- Quyết định 942/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số 2021 - 2025.

- Quyết định số 221/QĐ-TTg ngày 22/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ cũng xác định một trong những nhiệm vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 là “Nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, đẩy mạnh chuyển đổi số trong dịch vụ logistics”.

Từ đó có thể thấy logistics là một trong những ngành then chốt, được ví như mạch máu của nền kinh tế quốc dân, logistics cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong khía cạnh số hóa để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác.

2. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính và tập trung khai thác nguồn dữ liệu thứ cấp. Tác giả dựa trên những nghiên cứu tiền đề trước đó để có thể đưa ra những nhận thức cơ bản nhất về chuyển đổi số trong ngành logistics cũng như mức độ quan tâm về chuyển đổi số của các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam hiện nay.

3. Thực trạng mức độ quan tâm về chuyển đổi số của các doanh nghiệp logistics tại Việt Nam

Đánh giá về thực trạng chuyển đổi số trong các doanh nghiệp logistics, theo Báo cáo logistics Việt Nam 2023 đã khẳng định, các doanh nghiệp logistics ngày càng thể hiện sự quan tâm và đánh giá vai trò quan trọng của chuyển đổi số. Sự quan tâm này thể hiện qua:

- Cấp độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay. Cấp độ này được thể hiện qua hình 1 như bên dưới:

 Hình 1: Cấp độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay. Nguồn: Báo cáo logistics Việt Nam 2023.

Hình 1: Cấp độ chuyển đổi số của các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay. Nguồn: Báo cáo logistics Việt Nam 2023.

Phần lớn các doanh nghiệp đang ở cấp độ 2 với tỷ lệ chiếm tới 73,5%. Ở cấp độ này, các doanh nghiệp đã thành công trong việc kết nối các thành phần hệ thống thông tin của họ với nhau. Điều này cho thấy, sự nhận thức rộng rãi về tầm quan trọng của việc tích hợp dữ liệu và quy trình kinh doanh trong ngành. Các doanh nghiệp ở cấp độ này đã bước qua giai đoạn đơn giản của tin học hóa và tập trung vào việc tối ưu hóa hiệu suất và tương tác trong môi trường số hóa. Số doanh nghiệp dịch vụ logistics ở cấp độ 1 còn chiếm tới 17%. Con số này cho thấy còn rất nhiều doanh nghiệp dịch vụ logistics ở Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn tin học hóa cơ bản, tập trung vào việc sử dụng máy tính để thực hiện các công việc rất cơ bản với các phần mềm ban đầu như MS Office Exel, Word,… và lưu trữ tài liệu dưới dạng file mềm (số hóa). Hầu hết các doanh nghiệp có hoạt động logistics tại Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc sử dụng các công cụ công nghệ thông tin cơ bản như điện thoại, tin nhắn SMS, thư điện tử, fax, website, mạng LAN, WAN. Mặc dù các doanh nghiệp này đều nhận thức được tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ thông tin đối với ngành logistics, tuy nhiên, do tỷ suất đầu tư lớn dẫn đến việc ứng dụng công nghệ của thông tin của doanh nghiệp như: vận hành hệ thống quản lý giao nhận (FMS), quản lý vận tải (TMS), quản lý kho hàng (WMS), quản lý nguồn lực (ERP)... được thực hiện khá manh mún, không mang tính hệ thống nên kết quả không đạt được như kỳ vọng. Tuy nhiên, có 5% doanh nghiệp dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 3 (trực quan hóa), 2,2% ở cấp độ 4 (minh bạch hóa). Tỷ lệ này thấp hơn nhiều, nhưng đây là các cấp độ quan trọng trong quá trình chuyển đổi số. Trực quan hóa cho phép doanh nghiệp theo dõi quá trình hoạt động kinh doanh của họ theo thời gian thực, trong khi minh bạch hóa giúp họ hiểu rõ nguyên nhân và xu hướng của các sự kiện trong công việc. Đặc biệt, có 1,9% doanh nghiệp dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 5 (có khả năng dự báo) và 0,4% doanh nghiệp đạt đến cấp độ cao nhất, cấp độ 6 (có khả năng thích ứng). Với cấp độ 5, doanh nghiệp có được khả năng phân tích dữ liệu và dự đoán các tình huống trong tương lai. Sự phát triển ở cấp độ này có thể giúp doanh nghiệp đưa ra quyết định chiến lược dựa trên dự báo. Đối với các doanh nghiệp ở cấp độ 6, là cấp độ cao nhất trong chuyển đổi số, doanh nghiệp có khả năng thích ứng hoàn toàn với môi trường thay đổi liên tục. Khả năng thích ứng đòi hỏi sự tự động hóa và sử dụng dữ liệu để đưa ra các quyết định nhanh chóng.

- Các phần mềm được các doanh nghiệp dịch vụ logistics tại Việt Nam sử dụng hiện nay. Kết quả này được thể hiện như hình bên dưới:

 Hình 2: Các phần mềm được các doanh nghiệp dịch vụ logistics tại Việt Nam sử dụng hiện nay. Nguồn: Báo cáo logistics Việt Nam 2023.

Hình 2: Các phần mềm được các doanh nghiệp dịch vụ logistics tại Việt Nam sử dụng hiện nay. Nguồn: Báo cáo logistics Việt Nam 2023.

Qua hình 2 cho thấy một hình ảnh đa dạng về các công cụ và hệ thống công nghệ. Hầu hết các doanh nghiệp sử dụng các phần mềm thông dụng như Microsoft Excel và Google Sheets cho các công việc hàng ngày, chiếm tới 97,8%. Bên cạnh đó, các hệ thống khai báo hải quan tự động (VNACC), hệ thống quản lý giao nhận (FMS) và quản lý quan hệ khách hàng (CRM) cũng được sử dụng phổ biến với tỷ lệ sử dụng tương ứng là 94,8%, 34,3% và 32,1%. Mặc dù các hệ thống quản lý vận tải (TMS), quản lý kho bãi (WMS), quản lý đơn hàng (OMS) có tiềm năng phát triển, nhưng tỷ lệ sử dụng còn thấp, với tỷ lệ sử dụng lần lượt là 11,0%, 10,1% và 6,3%. Các hệ thống quản lý cảng được dành cho số ít các doanh nghiệp vận hành cảng nên chiếm tỷ lệ không đáng kể. Nhìn chung, các doanh nghiệp dịch vụ logistics thực hiện chuyển đổi số đạt từ cấp độ 3 trở lên còn rất ít, chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp quy mô lớn như Tân Cảng Sài Gòn, Gemadept, Các công ty cảng thuộc hệ thống Tổng Công ty hàng hải Việt Nam, Viettel Post, Vietnam Post hoặc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như DHL, Fedex… Trong khi đó, phần lớn các doanh nghiệp dịch vụ logistics ở Việt Nam còn đang ở giai đoạn số hóa. Điều này cho thấy, chuyển đổi số trong ngành logistics tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu, chưa thực sự được chú trọng và đầu tư đúng mức.

- Mức độ quan tâm đến chuyển đổi số của các doanh nghiệp dịch vụ logistics tại Việt Nam hiện nay. Mức độ này được thể hiện qua hình bên dưới:

 Hình 3: Mức độ quan tâm đến chuyển đổi số của các doanh nghiệp dịch vụ logistics tại Việt Nam hiện nay. Nguồn: Báo cáo logistics Việt Nam 2023.

Hình 3: Mức độ quan tâm đến chuyển đổi số của các doanh nghiệp dịch vụ logistics tại Việt Nam hiện nay. Nguồn: Báo cáo logistics Việt Nam 2023.

Hình 3 cho thấy có đến 72,9% các doanh nghiệp dịch vụ logistics thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến hoạt động chuyển đổi số, coi đây là một trong những trụ cột chính để phát triển doanh nghiệp.

- Nhận thức về mức độ quan trọng của chuyển đổi số tại các doanh nghiệp dịch vụ logistics ở Việt Nam. Kết quả này được thể hiện như hình bên dưới:

 Hình 4: Nhận thức về mức độ quan trọng của chuyển đổi số tại các doanh nghiệp dịch vụ logistics ở Việt Nam. Nguồn: Báo cáo logistics Việt Nam 2023.

Hình 4: Nhận thức về mức độ quan trọng của chuyển đổi số tại các doanh nghiệp dịch vụ logistics ở Việt Nam. Nguồn: Báo cáo logistics Việt Nam 2023.

Hình 4 cho thấy có đến 79,8% các doanh nghiệp đều cho rằng chuyển đổi số quan trọng với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình. Đây là một tín hiệu tích cực thể hiện mức độ nhận thức về chuyển đổi số của các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tương đối cao.

- Động cơ thúc đẩy các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chuyển đổi số. Động cơ này được thể hiện như hình bên dưới:

 Hình 5: Động cơ thúc đẩy các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chuyển đổi số. Nguồn: Báo cáo logistics Việt Nam 2023.

Hình 5: Động cơ thúc đẩy các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam chuyển đổi số. Nguồn: Báo cáo logistics Việt Nam 2023.

Hình 5 cho thấy các doanh nghiệp dịch vụ logistics cũng ý thức rõ ràng chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của ngành logistics và mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đều có rất nhiều động cơ rõ ràng để tiến hành chuyển đổi số. Các động cơ rõ nét nhất bao gồm: tăng hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp (80,8%), giảm chi phí cung cấp cho khách hàng (79,3%), giảm chi phí kinh doanh hiệu quả (74,8%), giữ tối đa thị phần của doanh nghiệp (72,4%) và giúp doanh nghiệp hợp tác với đối tác để triển khai chuyển đổi số hiệu quả (70,3%)…

- Mức chi phí mà doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam có thể đầu tư để thực hiện chuyển đổi số. Mức chi phí này được thể hiện như hình bên dưới:

 Hình 6: Mức chi phí mà doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam có thể đầu tư để thực hiện chuyển đổi số. Nguồn: Báo cáo logistics Việt Nam 2023.

Hình 6: Mức chi phí mà doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam có thể đầu tư để thực hiện chuyển đổi số. Nguồn: Báo cáo logistics Việt Nam 2023.

Qua hình 6 cho thấy đa số các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam có thể đầu tư mức chi phí từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng (38,6%) để thực hiện chuyển đổi số. Tiếp theo là mức chi phí dưới 100 triệu đồng (37,9%). Mức chi phí từ 1 tỷ đến 2 tỷ đồng chiếm 11,4% và mức chi phí trên 2 tỷ đồng chiếm 12,1%. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam có mức chi phí chuyển đổi số khá hạn chế. Nguyên nhân có thể do rất nhiều doanh nghiệp dịch vụ logistics có quy mô nhỏ, còn gặp khó khăn về nguồn lực tài chính, đặc biệt là nguồn lực tài chính để đầu tư cho chuyển đổi số.

- Thời gian mà doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam có thể bỏ ra để thực hiện dự án chuyển đổi số. Nội dung này được thể hiện qua hình bên dưới:

 Hình 7: Thời gian mà doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam có thể bỏ ra để thực hiện dự án chuyển đổi số. Nguồn: Báo cáo logistics Việt Nam 2023.

Hình 7: Thời gian mà doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam có thể bỏ ra để thực hiện dự án chuyển đổi số. Nguồn: Báo cáo logistics Việt Nam 2023.

Qua hình 7 cho thấy đa phần các doanh nghiệp đều kỳ vọng thời gian thực hiện chuyển đổi số toàn diện sẽ dưới 1 năm, trong khi chỉ có rất ít doanh nghiệp chấp nhận dành trên 2 năm cho toàn bộ quá trình chuyển đổi số. Thực tế quá trình chuyển đổi số toàn diện đi qua 6 cấp độ của lộ trình thường là một quá trình dài hơn, cần ít nhất vài năm mới có thể đạt được thành tựu nhất định.

- Các rào cản tác động đến quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam

Mặc dù nhận thức về chuyển đổi số của ngành logistics tương đối tốt, quá trình chuyển đổi số của cộng đồng doanh nghiệp dịch vụ logistics vẫn còn rất nhiều khó khăn thách thức. Dưới đây là những rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đang đối mặt.

 Hình 8: Rào cản với quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp dịch vụ logistics. Nguồn: Báo cáo logistics Việt Nam 2023.

Hình 8: Rào cản với quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp dịch vụ logistics. Nguồn: Báo cáo logistics Việt Nam 2023.

Các doanh nghiệp logistics Việt Nam đa phần là các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên gần như doanh nghiệp này đang gặp khó khăn về vốn. Chính vì thiếu vốn, nên các doanh nghiệp này cho rằng, chuyển đổi số là cuộc chơi của các doanh nghiệp lớn và chỉ ưu tiên đầu tư cho các hình thức tăng trưởng ngắn hạn. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ rất khó có khả năng ứng dụng các giải pháp công nghệ đắt đỏ trong khi quá trình chuyển đổi số thường đòi hỏi tiêu tốn từ hàng trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng. Hạn chế về nguồn vốn cũng là rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp dịch vụ logistics đưa ra với gần 69% số doanh nghiệp ghi nhận vấn đề này.

Bên cạnh đó rào cản về nhân lực cũng đáng được quan tâm như hình bên dưới:

 Hình 9: Số lượng nhân sự có chuyên môn Công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam. Nguồn: Báo cáo logistics Việt Nam 2023

Hình 9: Số lượng nhân sự có chuyên môn Công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam. Nguồn: Báo cáo logistics Việt Nam 2023

Hình 9: Số lượng nhân sự có chuyên môn Công nghệ thông tin tại các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam

Qua hình 8 cho thấy các doanh nghiệp logistics ở Việt Nam đang phải đối mặt với sự thiếu hụt nghiêm trọng về nguồn nhân lực công nghệ thông tin. Điều này đặt ra một loạt thách thức trong việc triển khai chuyển đổi số trong ngành. Để tối ưu hóa tiềm năng của mình, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần tập trung vào đào tạo và thu hút nhân lực công nghệ thông tin và cân nhắc việc xây dựng một đội ngũ công nghệ thông tin đáng tin cậy và có chuyên môn để đảm bảo sự thành công trong việc chuyển đổi số và phát triển trong tương lai.

4. Đề xuất kiến nghị nâng cao mức độ quan tâm về chuyển đổi số của các doanh nghiệp dịch vụ logistics tại Việt Nam

Nâng cao mức độ quan tâm về chuyển đổi số của các doanh nghiệp dịch vụ logistics tại Việt Nam cần có sự kết hợp của Chính phủ, Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam và sự nổ lực của chính các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam.

Phía nhà nước: Nhằm nâng cao mức độ quan tâm về chuyển đổi số của các doanh nghiệp dịch vụ logistics tại Việt Nam, Chính phủ cần có những giải pháp phù hợp. Chính phủ cần ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai và ứng dụng các giải pháp công nghệ mới trong lĩnh vực logistics, như các chính sách về thuế, tài chính, đào tạo và hợp tác. Các chính sách này cần được thiết kế để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các giải pháp công nghệ logistics mới trong hành trình chuyển đổi số quốc gia, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho các doanh nghiệp trên con đường phát triển đổi mới sáng tạo. Các giải pháp công nghệ mới sẽ thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành logistics.

Phía Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam: cần đẩy mạnh hoạt động để có được nhiều diễn đàn, hội thảo chất lượng về chủ đề chuyển đổi số nhằm giúp các doanh nghiệp dịch vụ logistics có thể kết nối, học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu công nghệ và cập nhật xu hướng mới.

Phía các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam: Bên cạnh sự hỗ trợ từ bên ngoài, các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cần nổ lực hết mình từ bên trong như xây dựng được tầm nhìn chuyển đổi số, mục tiêu chuyển đổi số và chiến lược chuyển đổi số cho chính doanh nghiệp mình. Doanh nghiệp cần xác định rõ các yếu tố quyết định thành công của quá trình chuyển đổi số với đặc thù của chính doanh nghiệp mình như năng lực nhân sự, hệ thống quy trình, nguồn vốn hay nền tảng công nghệ. Việc xác định đúng các yếu tố này đặc biệt quan trọng để doanh nghiệp có thể lựa chọn hướng đi phù hợp với mình nhất.

5. Kết luận

Chuyển đổi số đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với ngành logistics nói chung và doanh nghiệp ngành logistics nói riêng, để đảm bảo sự phát triển bền vững nền kinh tế quốc gia trong kỷ nguyên 4.0. Để có thể chuyển đổi số một cách thành công, các doanh nghiệp logistics cần bắt đầu tự nhận thức, đến thay đổi về trình độ, kỹ năng quản lý, vận hành. Công nghệ chỉ có thể thực hiện hiệu quả bởi những đôi bàn tay và khối óc thông minh vượt trội của con người. Các nguồn lực to lớn về hạ tầng, chính sách và chi phí luôn cần đến sự hỗ trợ từ phía các cơ quan Nhà nước. Chỉ có sự phối hợp hài hòa giữa sự quyết tâm cao của doanh nghiệp với động lực thúc đẩy mạnh mẽ từ phía Chính phủ mới có thể thực hiện chuyển đổi số thành công ngành logistics cũng như nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Công thương. (2023). Báo cáo logistics Việt Nam 2023 chuyển đổi số trong logistics (pp. 154-164).

2. Chuyển đổi số ngành logistics: thực trạng, cơ hội & giải pháp. Truy xuất từ: https://www.pace.edu.vn/tin-kho-tri-thuc/chuyen-doi-so-logistics

3. Phan Đình Quyết (2023). Nghiên cứu thực trạng logistics xanh và chuyển đổi số trong các doanh nghiệp logisics Việt Nam. Truy xuất từ: https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/nghien-cuu-thuc-trang-logistics-xanh-va-chuyen-doi-so-trong-cac-doanh-nghiep-logisics-viet-nam-108295.htm

4. Quyết định 749/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 03 tháng 6 năm 2020: Phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”

5. Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15 tháng 6 năm 2021: Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030

6. Quyết định số 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22 tháng 02 năm 2021: Sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025

7. Toàn văn Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Truy xuất từ: https://moj.gov.vn/ddt/tintuc/Pages/dua-nghi-quyet-cua-dang.aspx?ItemID=71

Trần Thị Mỹ Hằng

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/muc-do-quan-tam-ve-chuyen-doi-so-cua-cac-doanh-nghiep-dich-vu-logistics-tai-viet-nam-d51801.html