Mức độ tự chủ thủy sản của Singapore chỉ 10%, cơ hội cho Việt Nam

Xét về quy mô, Singapore dù là thị trường nhỏ nhưng là cửa ngõ để thủy sản Việt Nam tiếp cận nhiều quốc gia khác trong khu vực và thế giới.

Tại Hội nghị kết nối giao thương doanh nghiệp thủy sản Việt Nam - Singapore, do Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh tổ chức chiều 25/6, nhiều ý kiến cho rằng Singapore mặc dù là thị trường nhỏ nhưng lại là cửa ngõ để thủy sản Việt Nam tiếp cận các quốc gia khác.

Thông tin cụ thể, bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký VASEP cho biết, ngành thủy sản Việt Nam có lợi thế và đang tập trung phát triển các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao.

Hội nghị kết nối giao thương doanh nghiệp thủy sản Việt Nam - Singapore

Hội nghị kết nối giao thương doanh nghiệp thủy sản Việt Nam - Singapore

Theo bà Tường Lan, Việt Nam cũng có lợi thế phát triển thủy sản nuôi trồng và chế biến xuất khẩu tôm, cá tra quanh năm. “Xét về quy mô, Singapore dù là thị trường tiêu thụ nhỏ nhưng là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa Việt Nam nói chung, thủy sản nói riêng tiếp cận nhiều quốc gia khác trong khu vực và thế giới”, bà Lan nói.

Trong khi Việt Nam có thế mạnh về sản xuất, chế biến thì các doanh nghiệp Singapore lại có kỹ năng thương mại quốc tế rất tốt. Việt Nam và Sigapore đều là thành viên của nhiều Hiệp định thương mại tự do trong khu vực và thế giới, vị trí địa lý gần nhau rất thuận tiện cho vận chuyển. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng việc hợp tác thương mại với các doanh nghiệp Singapore để tiếp cận và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia, khu vực khác nhau. Tuy nhiên, bà Lan cũng lưu ý các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cũng cần nghiên cứu và lựa chọn phân khúc thị trường phù hợp để tạo lợi thế cạnh tranh.

Chia sẻ thêm về thị trường Singapore, ông Cao Xuân Thắng - Trưởng Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore cho biết, Singapore hầu như không có hoạt động sản xuất thủy sản, mức độ tự chủ về lương thực, thực phẩm của Singapore chỉ khoảng 10%, còn lại nhập khẩu từ bên ngoài. Singapore là quốc gia đa sắc tộc, mỗi sắc tộc có chế độ ăn khác nhau nhưng thủy sản lại đáp ứng nhu cầu của hầu hết các sắc tộc. Sản phẩm thủy sản Việt Nam xuất hiện tại Singapore ngày càng nhiều và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng.

Đáng lưu ý, Singapore là trung tâm dịch vụ thương mại của cả khu vực và là nơi trung chuyển, xuất khẩu hàng hóa đi khắp thế giới từ Trung Quốc, Nga, Trung Đông, đến châu Âu… Do đó, việc kết nối doanh nghiệp thủy sản Việt Nam - Singapore mang lại nhiều lợi ích khi thông qua mạng lưới đối tác của nước này, thủy sản Việt Nam có thể quảng bá khắp nơi, kể cả những thị trường mà doanh nghiệp Việt Nam chưa tiếp cận được.

Thị trường Singapore có thể trả giá cao để mua được sản phẩm chất lượng. Tuy nhiên, doanh nghiệp xuất khẩu chỉ cần vi phạm về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm một lần thì hầu như không còn cơ hội để đưa hàng vào thị trường này. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu vào Singapore cần duy trì chất lượng ổn định, bền vững để giữ uy tín và hợp tác lâu dài.”, ông Cao Xuân Thắng lưu ý.

Ông Trần Phước Anh - Giám đốc Sở Ngoại vụ TP. Hồ Chí Minh:

Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore đang phát triển hết sức tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực từ ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, giao lưu nhân dân. Đặc biệt, hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia đạt nhiều thành tựu lớn. Singapore hiện đứng thứ 3/70 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ về số lượng dự án đầu tư vào các khu công nghiệp tại Việt Nam. Bên cạnh việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mới và tiềm năng như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng sạch, chống biến đổi khí hậu, hai nước vẫn thường xuyên duy trì thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống, trong đó có lĩnh vực thủy sản.

Minh Khuê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/muc-do-tu-chu-thuy-san-cua-singapore-chi-10-co-hoi-cho-viet-nam-328186.html