'Mục đồng' vùng quê

Những tháng ngày trâu cùng người nông dân cày bừa dường như đã lùi xa vào ký ức. Tiếng hò tắc (đi), hò rì (đứng lại) trên cánh đồng ruộng một thời giờ chỉ còn là âm thanh dĩ vãng. Giờ đây, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, vai trò của con trâu cũng đã khác nhiều. Dẫu vậy, tại nhiều vùng quê trên địa bàn tỉnh, trâu vẫn trở thành nguồn kinh tế chính của không ít hộ dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số nhờ nguồn lợi thu được từ thực phẩm. Theo đó, nghề chăn trâu hay còn gọi là 'mục đồng' vẫn thấp thoáng nơi vùng quê.

New Page 1

Những “mục đồng” nhỏ tuổi

Ba tôi kể, trước đây, chăn trâu là một trong những thú vui lý thú của trẻ em nông thôn. Thời đấy, hầu như nhà nào cũng có trâu, ít nhất từ 1 - 2 con; trên lưng trâu thời ấy, trẻ em có biết bao nhiêu trò như thổi sáo, thả diều…Những đứa trẻ cứ lớn dần lên, cuộc sống mỗi người khác nhau nhưng không bao giờ quên được những ngày thơ ấu.

Những ngày đầu năm 2021, tôi có dịp về một số thôn, xóm trên địa bàn huyện Tánh Linh, bởi nghe ở đây có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn nuôi trâu. Theo tìm hiểu tôi được biết, nhà nuôi ít cũng có từ 3 - 5 con, nhiều thì khoảng 10 - 30 con nên thường phải thuê người chăn thả mỗi ngày. Và người chăn trâu không ai khác chủ yếu là các chú “mục đồng” tuổi từ 10 - 18.

Trên cánh đồng lúa xã Đức Bình, ven sông La Ngà huyện Tánh Linh mới gặt được khoảng nửa tháng nay, đã trở thành địa điểm lý tưởng chăn thả trâu. Tại đây, tôi có dịp ngắm đàn trâu to, nhỏ đang bình thản gặm cỏ trên cánh đồng nước xấp xấp, chỉ còn những gốc rạ đang nhú màu xanh non.

Nguyễn Văn Bình năm nay vừa tròn 16 tuổi nhưng đã có 4 năm kinh nghiệm với nghề chăn trâu. 7 giờ sáng, em nhận 10 con trâu từ chủ và bắt đầu lùa ra cánh đồng này. Sau khi đàn trâu tỏa ra cánh đồng êm xuôi, Bình nhảy lên lưng một con trâu lớn trong đàn ngồi vắt vẻo và vui vẻ kể: “Trâu ăn mùa này mau mập nhất, vì cỏ mọc rất nhiều. Khi nào khan hiếm thức ăn, đồng đang lúa tốt thì tụi em phải đưa trâu đi tới vùng cỏ xa hơn”.

Cũng theo Bình, thường 6 giờ 30 đến 7 giờ sáng là thả trâu ra đồng ăn cho đến khi bụng trâu căng tròn thì lùa về lại chuồng. Chăn trâu lâu cũng quen dần, chỉ cần chú ý không để chúng vào những ruộng lúa của người dân phá phách. Khi nào trâu có biểu hiện ốm đau, trâu chạy đồng lạc mất hay trâu sắp đẻ thì báo cho chủ trâu biết trước.

Cũng trên cánh đồng này còn có nhiều “mục đồng” khác cũng đang chăn trâu. Thấy một nhóm “mục đồng” đang tụ tập bên bờ kênh, tôi lân la tới làm quen. Hóa ra, 1 trong 3 “mục đồng” có điện thoại thông minh nên cả nhóm xúm lại nghe nhạc. “Khi nào trâu ăn chăm chỉ, tụi em lại xúm nghe nhạc hay xem các clip hài hước. Nhưng để có pin kéo dài cả buổi chăn trâu, em đã phải sạc pin cả buổi tối”, Mang Sẻn, chủ nhân của chiếc điện thoại chia sẻ.

Tôi hỏi các “mục đồng” quanh năm chăn trâu như vậy thì học hành thế nào? Mang Sẻn, thiệt thà tiếp lời: “Em học buổi chiều nên buổi sáng đi chăn trâu, có một anh khác thế em vào buổi chiều. Đa phần các anh, chị chăn trâu đều vậy đó”. Vậy các em học bài bằng cách nào? – tôi hỏi. “Tối trước đó tụi em có học bài rồi, nhưng để không quên bài vở thì tụi em mang theo sách để ôn bài”. Để chứng minh cho lời nói của mình là đúng, Mang Sẻn đưa cuốn sách giáo khoa về phía tôi.

Trâu mang lại thu nhập

Theo nhiều hộ dân nuôi trâu cho biết, tập tục nuôi trâu của người dân gắn với nghề nông từ bao đời nay, giờ thời hiện đại trâu không cày ruộng nương nhưng trâu trở thành nguồn kinh tế chính của không ít hộ dân nhờ nguồn lợi thu được từ thực phẩm.

Ông Nguyễn Văn Năm, được mệnh danh là người nuôi trâu nhiều ở xã Hàm Phú, huyện Hàm Thuận Bắc, hiện cũng chỉ ở số lượng hơn 10 con. Dọc theo tuyến kênh nước Sông Quao – Phan Thiết là nơi ông hay thả trâu ăn cỏ. Ông Năm kể: “Hồi đó ruộng vườn bề bề, không có con trâu là không được. Bây giờ cuộc sống đã khác trước nhiều lắm. Nếu cứ mãi con trâu đi trước cái cày theo sau thì nông dân, nông thôn bao giờ mới khá lên được. Tuy nhiên không vì thế mà ông từ bỏ con trâu. Trước nuôi trâu để cày, nay thêm nghề nuôi trâu đẻ để bán làm giống hoặc mổ thịt. Mỗi khi có con nghé đẹp ra đời là cuộc sống gia đình thêm sung túc”, ông Năm nói.

Ông Năm cho biết, cũng vì nuôi trâu nên tần suất đi lại giữa các địa phương trong vùng của ông càng tăng lên, bởi phải đi khảo sát tìm những vùng có nhiều cỏ để đàn trâu có cái ăn.

Hơn 15 năm nhận chăn trâu đàn, ông Đồng Sẹ ở xã Hàm Cần - huyện Hàm Thuận Nam có lúc nhận gần 200 con. Ông Sẹ cho biết, khi những cánh đồng ở các vùng lân cận huyện Hàm Thuận Bắc, Tánh Linh và Đức Linh không còn đồng chăn thả, thì nhiều hộ dân đã đem đến gửi cho ông. Nhờ công việc này, ông có nguồn thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng mỗi năm. “Trâu rất dễ ăn và dễ nuôi. Nó cũng là con vật rất khôn lanh, chỉ cần 1 - 2 tuần huấn luyện thì tạo được thói quen sáng dẫn đi ăn và tối tự tìm về. Nhờ chăn nuôi trâu cho người ta mà tôi có cuộc sống ổn định”.

Bình Thuận hiện có đàn trâu khoảng 8.500 con; khi trâu trưởng thành có trọng lượng đạt 300 - 750 kg, giá bán dao động từ 15 - 60 triệu đồng mỗi con.

Ngọc Diệp

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/doi-song/muc-dong-vung-que-135966.html