Mức giảm trừ gia cảnh đã quá lạc hậu
Từ ngày 1/7, lương cơ sở của công chức, viên chức tăng 30%. Mức giảm trừ gia cảnh trong tính thuế thu nhập cá nhân được cho là đã lạc hậu và quá thấp.
Đang có mức thu nhập khoảng hơn 10 triệu, từ 1/7 này, dự kiến thu nhập của cô giáo Tô Thị Hằng - Trường THCS Giảng Võ 2, quận Ba Đình sẽ tăng lên hơn 14 triệu. Vui mừng với mức lương được tăng nhưng cô Hằng trăn trở với một nỗi lo khác.
Cô giáo Tô Thị Hằng bày tỏ: “Tăng lương được hơn 14 triệu, phải đóng thuế VAT. Mức giảm trừ gia cảnh hiện đang tính 11 triệu, được thực hiện khoảng 10 năm rồi. Mà giờ nhiều thứ tăng theo lương, mức sống ở Hà Nội lại cao, đóng thêm thuế nữa thì không phù hợp”.
Với mức tăng lương 30% đợt này, rất nhiều cán bộ, công chức sẽ vượt ngưỡng 11 triệu, đồng nghĩa với việc thuộc nhóm phải đóng thuế giá trị gia tăng.
Hiện, mức giảm trừ gia cảnh đang ở mức giảm 11 triệu đồng/người/tháng cho người nộp thuế và mức giảm trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/người/tháng.
Sau đó, mức thuế được chia thành các bậc gồm: thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống mức thuế 5%; từ 5-10 triệu đồng/tháng mức thuế 10%; trên 10-18 triệu đồng mức 15%; từ 18-32 triệu đồng nộp thuế 20%; từ 32-52 triệu đồng nộp thuế 25%; từ 52-80 triệu đồng nộp thuế 30% và trên 80 triệu đồng nộp thuế 35%.
Theo chuyên gia, việc chia bậc cũng như mức thuế giảm trừ thực hiện từ năm 2021 đã không còn phù hợp.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, phân tích: “Mức giảm trừ quá thấp so với mức chi tiêu ở các thành phố lớn. Mức đóng thuế chia ra tương đối nhiều và gần nhau. Do đó, việc phân biệt giữa các mức thuế không rõ ràng. Thuế suất của ta cũng quá cao. Các nước khu vực có 20%, trong khi ta là 35%. Thu nhập vãng lai chịu thuế mặc dù đã nâng lên nhưng vẫn quá thấp so với thực tế”.
Theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân, khi chỉ số giá tiêu dùng CPI biến động trên 20%, Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Tuy nhiên, theo chuyên gia, cần căn cứ vào mức lạm phát thực tế.
Tăng lương là mong chờ của tất cả người lao động. Thế nhưng, nếu chưa giải quyết được câu chuyện giảm trừ gia cảnh, nâng ngưỡng thu nhập chịu thuế sẽ khiến người làm công ăn lương chịu áp lực. Chưa kể đến yếu tố tăng giá hàng hóa.
Do vậy, đã đến lúc cần tính toán và điều chỉnh lại mức thuế giảm trừ, để phù hợp hơn với điều kiện thực tế.
Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/muc-giam-tru-gia-canh-da-qua-lac-hau-245826.htm