Mức hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp là bao nhiêu?
Hỏi: Bệnh nghề nghiệp là một trong những nguyên nhân khiến sức khỏe của người lao động bị suy giảm, từ đó ảnh hưởng đến chất lượng lao động. Vậy khi mắc bệnh nghề nghiệp, người lao động có được hỗ trợ kinh phí chữa trị không?
Trả lời: Bệnh nghề nghiệp không phải là loại bệnh lý thông thường mang tính bẩm sinh hoặc phát sinh từ môi trường sống ngoài xã hội mà phải xuất phát từ yếu tố độc, hại của “nghề nghiệp”.
Căn cứ Nghị định 88/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc, Điều 21 của nghị định này quy định mức hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp như sau:
1. Mức hỗ trợ bằng 50% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá chữa bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả, nhưng không quá 15 triệu đồng/người.
2. Số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 2 lần và trong 1 năm chỉ được nhận hỗ trợ 1 lần.
Như vậy, theo quy định trên, mức hỗ trợ bằng 50% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá chữa bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế sau khi đã được BHYT chi trả, nhưng không quá 15 triệu đồng/người.
Về điều kiện hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp cho người lao động, Điều 20, Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định, người lao động được hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp theo quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 56, Luật An toàn, vệ sinh lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Đã được chẩn đoán bị bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp.
2. Đã tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đủ 12 tháng trở lên và đang tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp.
3. Có tham gia BHXH bắt buộc trong thời gian làm các nghề, công việc gây bệnh nghề nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này.
Vừa qua, Bộ Y tế ban hành Thông tư 02/2023/TT-BYT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 15/2016/TT-BYT ngày 15-5-2016 của Bộ Y tế quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng BHXH.
Theo đó, bổ sung bệnh Covid-19 nghề nghiệp vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm, kèm theo hướng dẫn chẩn đoán, giám định bệnh Covid-19 nghề nghiệp và biên bản xác định tiếp xúc nghề nghiệp với vi rút SARS-CoV-2 tại các phụ lục đính kèm.
Người lao động làm nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2 thuộc đối tượng được chẩn đoán, giám định bệnh Covid-19 nghề nghiệp gồm: Người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế; người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu có chứa vi rút SARS-CoV-2.
Bên cạnh đó, người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 cũng thuộc nhóm đối tượng được chẩn đoán, giám định bệnh Covid-19 nghề nghiệp, gồm: Người làm nghề, công việc trực tiếp trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh Covid-19 tại nhà; người vận chuyển, phục vụ người bệnh Covid-19; nhân viên hải quan, ngoại giao; sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp; chiến sĩ, sĩ quan thuộc lực lượng công an…
Người lao động làm nghề, công việc nêu trên được chẩn đoán xác định mắc bệnh Covid-19 do tiếp xúc trong quá trình lao động trong thời gian từ 1-2-2020 đến trước ngày thông tư này có hiệu lực (1-4-2023) thì được lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp để khám giám định và hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo quy định hiện hành.