Mực nước trên nhiều sông vẫn ở mức báo động cao nhất

Đến sáng nay, mực nước trên nhiều sông vẫn ở mức báo động cao nhất (mức báo động 3), nguy cơ ngập úng còn kéo dài 2-3 ngày tới do nước sông rút rất chậm, nguy cơ sạt lở và xói lở ven sông rất cao.

Mực nước hàng loạt sông đang rất cao

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa phát đi bản tin cảnh báo lũ khẩn cấp trên sông Cầu, sông Hoàng Long, sông Đáy, sông Thương và tin lũ trên sông Lục Nam, hệ thống sông Hồng - Thái Bình

Hiện trạng diễn biến lũ trong 12 giờ qua, hiện nay, hồ Thác Bà đang duy trì mở 3 cửa xả mặt, hồ Tuyên Quang mở 3 cửa xả đáy. Mực nước sông Thương, sông Cầu tại Đáp Cầu, sông Hồng, sông Thái Bình, sông Đáy, sông Lục Nam, sông Hoàng Long đang biến đổi chậm; sông Cầu tại Gia Bảy đang xuống.

Nước trên nhiều sông ở miền Bắc vẫn đang ở mức báo động cao nhất.

Nước trên nhiều sông ở miền Bắc vẫn đang ở mức báo động cao nhất.

Mực nước các trạm thủy văn khu vực ảnh hưởng triều và cửa sông ven biển dao động theo thủy triều và lượng nước thượng nguồn theo xu thế lên, tại một số trạm ở mức trên BĐ2 đến trên BĐ3 như: Nam Định, Trực Phương, Bến Bình, Thái Bình, Quyết Chiến, Cát Khê, An Phụ, Phú Lương, Quảng Đạt,…

Mực nước lúc 01h/12/9/2024 trên các sông như sau: Trên sông Lục Nam tại trạm Lục Nam là 6,28m (dưới BĐ3: 0,02m); Trên sông Cầu tại trạm Gia Bảy là 25,62m (dưới BĐ2: 0,38m), tại trạm thủy văn Đáp Cầu là 7,62m (trên BĐ3: 1,32m); Trên sông Thương tại trạm Phủ Lạng Thương là 7,23m (trên BĐ3: 0,93m); Trên sông Đáy tại trạm Phủ Lý 5,11m (trên BĐ3: 1,11m); Trên sông Hồng tại Hà Nội là 11,26m (dưới BĐ3: 0,24m); Trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 6,14m (trên BĐ3: 0,16m); Trên sông Hoàng Long tại Bến Đế là 4,50m (trên BĐ3: 0,50m);

Trong 12-24 giờ tới, sông Hồng tại Hà Nội sẽ biến đổi chậm ở mức BĐ2; Sông Lục Nam tại Lục Nam biến đổi chậm ở mức trên BĐ3; Sông Thương tại Phủ Lạng Thương biến đổi chậm ở mức trên BĐ3; Sông Đáy tại Phủ Lý biến đổi chậm ở mức cao; Sông Cầu tại Gia Bảy tiếp tục xuống; tại Đáp Cầu biến đổi chậm ở mức trên BĐ3; Sông Hoàng Long tại Bến Đế biến đổi chậm ở mức trên BĐ3. Sông Thái Bình tại Phả Lại biến đổi chậm ở mức trên mức trên BĐ3.

Các trạm thủy văn ảnh hưởng triều và khu vực cửa sông ven biển đỉnh lũ có khả năng lên mức trên BĐ2 đến trên BĐ3.

Cơ quan khí tượng cảnh báo, lũ trong sông đang lên cao kết hợp mưa lớn cục bộ nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông tại các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình, Thái Bình, Nam Định, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hòa Bình; sạt lở và xói lở đất trên ven sông.

Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do lũ: Cấp 3: Các sông Cầu, Đáy, Thương, Hoàng Long, sông Hồng, Thái Bình. Cấp 2: Sông Lục Nam.

Mực nước trong các sông đang ở mức rất cao, mực nước lũ gây ngập lụt sâu, ngập lụt vùng ven sông, vùng trũng thấp diện rộng ở các khu vực sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và nhiều vùng dân cư của địa phương có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân, ảnh hưởng an toàn các tuyến đê, nguy cơ sạt lở và xói lở đất trên ven sông.

Nguy cơ ngập úng kéo dài, nước sông tiêu thoát chậm

Theo ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, đây là đợt mưa lũ diện rộng rất hiếm gặp ở miền Bắc, nhiều tỉnh, thành chịu thiệt hại nặng nề từ đợt mưa lũ này.

Dự báo hôm nay, lũ trên các sông biến đổi chậm và ở mức rất cao. Trong đó sông Thương, sông Lục Nam, sông Hoàng Long vẫn ở báo động 3, riêng sông Cầu và sông Thái Bình tiếp tục lên trên báo động 3. Về mưa lớn, ngày và đêm nay, mưa tập trung chủ yếu tại Đông Bắc bộ, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình với lượng mưa 20-40mm, có nơi trên 80mm.

Theo ông Vũ Đức Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý dự báo khí tượng thủy văn, Tổng cục Khí tượng thủy văn: "Hiện nay, thông tin đưa trên mạng xã hội có sự nhầm lẫn khi chúng tôi đưa ra các bản tin cảnh báo ngập úng trong khu vực Hà Nội khi có mưa lớn xảy ra. Nhưng có nhiều thông tin trên mạng xã hội cho rằng đó là thông tin ngập lụt do lũ ở sông Hồng. Điều này dẫn đến người dân hiểu sai về việc lũ sông Hồng đang lên và gây ngập vào nội thành là không có. Lũ sông Hồng đang lên nhưng so với số liệu cập nhật sáng 11/9 thì mức độ này chỉ xảy ra ở khu vực ngoài đê như Phúc Tân, Phúc Xá, đường Bạch Đằng, quận Hoàn Kiếm và không ngập vào khu vực nội đô".

Ông Vũ Đức Long cho biết, một số sông ở thượng nguồn như sông Thao mực nước đều đạt đỉnh và đang xuống. Hồ thủy điện Hòa Bình đã đóng hết cửa xả, hồ Tuyên Quang cũng đóng thêm 1 cửa xả nữa. Điều này giúp giảm tải được lượng nước từ phía thượng nguồn về hạ lưu. Tuy nhiên, những bất lợi vẫn còn tồn tại đó là lượng nước trên sông Thao đã xuống nhưng vẫn đang ở mức cao và rút rất chậm, đặc biệt khu vực hạ lưu đồng bằng. Bên cạnh đó, hầu hết các trạm trên các sông đều đã xuất hiện ở mức báo động 3 trở lên. Một số sông đã xuất hiện mực nước lịch sử nên khả năng tiêu thoát sẽ chậm.

Ông Vũ Đức Long khuyến cáo, người dân cần theo dõi và cập nhật những thông tin dự báo, cảnh báo trên trang web của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, các Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, khu vực và các thông tin cập trên phương tiện thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương để kịp thời ứng phó, giảm thiệt hại.

Chuyên gia cảnh báo, tại các tỉnh như Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang... những ngày qua có mưa rất lớn. Chính vì thế, đất tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã bị bão hòa nên nếu tiếp tục có mưa nguy cơ sạt lở là rất cao. Đất đã bão hòa nên có thể trượt xuống bất cứ lúc nào. Lũ quét và sạt lở đất là hiện tượng thiên tai cực kỳ khó dự báo. Do đó, người dân ở những vùng nguy hiểm cần đến nơi tránh trú an toàn.

Để nắm được các dự báo về lũ quét, người dân, chính quyền địa phương có thể theo dõi trực tuyến tại địa chỉ: http://luquetsatlo.nchmf.gov.vn. Tại đây, các diễn biến về lũ quét, sạt lở đất được cập nhật liên tục, phân định các vùng có nguy cơ cao, vùng nguy cơ rất cao.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/muc-nuoc-tren-nhieu-song-van-o-muc-bao-dong-cao-nhat-169240912064002067.htm