Mức phạt 'không bằng bữa lẩu' cho kẻ vỗ mông phụ nữ
Một số người nước ngoài ở TP.HCM bức xúc khi theo dõi vụ một phụ nữ Việt bị người đàn ông Estonia vỗ mông trong thang máy ở quận 2. Họ cho rằng mức phạt không đủ sức răn đe.
“200.000 đồng???”.
“Thật hả? Ôi trời ơi, mức phạt này thực sự quá vô lý”.
Đó là phản ứng của một số người nước ngoài sống tại TP.HCM khi đọc tin tức về vụ người đàn ông Estonia vỗ mông một phụ nữ Việt trong thang máy chung cư ở quận 2.
Sau khi người phụ nữ nói trên tố cáo, người đàn ông 44 tuổi bị cơ quan công an phạt hành chính 200.000 đồng vì vi phạm quy định về trật tự công cộng.
“Hành vi không thể chấp nhận được”
Ngày 11/7, chị H.L. đi vào thang máy để trở về căn hộ tại chung cư ở phường An Phú, quận 2, TP.HCM, thì gặp ông M.J. (44 tuổi, quốc tịch Estonia). Quen biết nhau trước đó, hai người chào hỏi, trò chuyện trong lúc chờ thang máy.
Video trích xuất từ camera an ninh cho thấy khi chị H.L. ra khỏi thang máy, người đàn ông nước ngoài bất ngờ vỗ vào mông chị.
Trả lời Zing, chị H.L. cho biết cảm thấy sững sờ trước hành động của ông M.J. và hỏi tại sao lại làm như vậy.
“Đó là một lời khen”, người đàn ông này nói.
Sau khi đọc tin tức và xem video về vụ việc, chị Lucy Alexandra Howson - công dân Anh sống tại quận 3, TP.HCM - bức xúc. “Hành vi của người đàn ông trong thang máy thật đáng khinh. Có vẻ như ông ta nghĩ rằng đây là một lời khen và nó có nghĩa là ‘bạn thật hấp dẫn’".
"Nhưng không! Hành động này không mang lại điều gì tốt đẹp cho phụ nữ. Mà ngược lại nó khiến cô ấy cảm thấy khó chịu khi bị động chạm ngoài ý muốn. Về bản chất, đây là hành vi quấy rối tình dục”, chị Howson khẳng định.
Công dân Anh này cho rằng ở phương Tây, loại hành vi nói trên không phải là hiếm. Đôi khi chị chứng kiến đàn ông vỗ vào ngực phụ nữ qua đường và nghĩ rằng phụ nữ thích như vậy.
“Thật kinh khủng khi người đàn ông Estonia này đang truyền tải kiểu văn hóa đó ở đây. Hành xử theo cách ấy là hoàn toàn không phù hợp”, chị Howson nói.
Đồng quan điểm với chị, anh Goo Bonsu - công dân người Hàn Quốc sống tại quận Phú Nhuận, TP.HCM - cho rằng đây chắc chắn không thể được coi là một lời khen.
“Hành động này quá tồi tệ. Đây là một tội ác”, anh nói với Zing.
Anh cho biết phụ nữ Hàn Quốc rất nhạy cảm về vấn đề động chạm cơ thể. Văn hóa tôn trọng phụ nữ và tránh mọi tiếp xúc không mong muốn được thể hiện khá rõ trên các chương trình truyền hình hay phim ảnh.
“Tại Hàn Quốc, nếu một ai đó có hành vi tương tự như thế này, họ cần được nạn nhân tha thứ. Cũng tùy vào mức độ phạm tội mà tác nhân của hành động sẽ bị phạt tiền hoặc ngồi tù”, anh chia sẻ.
Sinh sống và làm việc tại TP.HCM từ tháng 4/2018, ông Gregory Dolezal - công dân Mỹ đến từ bang Georgia - nhận thấy nhiều điểm khác biệt trong văn hóa hành xử của phương Tây và phương Đông. Tuy nhiên, trong trường hợp này, hành vi của người đàn ông trong thang máy là “không bao giờ có thể chấp nhận được”.
Theo ông, khi sinh sống ở nước ngoài, mỗi người đều phải có trách nhiệm tìm hiểu các chuẩn mực và giá trị cơ bản của đất nước mà họ đến thăm hay sinh sống.
“Tuy tôi biết nam giới ở bất kỳ đâu thì sẽ có vài người cư xử như thế. Nhưng trong trường hợp này, tôi đặc biệt xấu hổ vì gã gây ra hành động là một người ngoại quốc. Điều đó có thể tạo nên cách nhìn tiêu cực về chúng tôi”, ông Dolezal nói với Zing.
“Mức phạt 200.000 đồng còn không bằng một bữa lẩu”
Khi tố cáo hành vi của ông M.J. với cơ quan công an, nguyện vọng lớn nhất của chị H.L là xử phạt thích đáng M.J. và yêu cầu ông ta sớm rời khỏi chung cư.
Đại diện Công an quận 2 cho biết Công an phường An Phú đã tiến hành xử phạt ông M.J. 200.000 đồng căn cứ theo Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về Vi phạm quy định về trật tự công cộng. Người này đã đóng phạt ngay trong chiều 22/11.
“Mức phạt 200.000 đồng là quá ít, còn không bằng một bữa lẩu. Tôi thường phải trả ít nhất là 500.000 đồng cho một bữa lẩu ở nhà hàng tại TP.HCM”, anh Goo nói.
Có bạn gái là người Việt Nam, anh Goo cho biết nếu chuyện không may tương tự xảy ra với bạn gái mình thì anh sẽ báo cảnh sát. Tuy nhiên, anh hy vọng mức phạt ít nhất phải là 2 triệu đồng đối với kẻ quấy rối.
Chị Howson cũng cho rằng mức phạt 200.000 đồng hoàn toàn không hợp lý và không đủ sức răn đe.
“Người đàn ông đó nên bị bêu tên. Khu vực nơi người này sinh sống cũng nên dán ảnh ông ta, cho công chúng biết về hành vi đó, khiến ông ta cảm thấy xấu hổ. Những hành vi như thế cần được xét xử và bị trừng phạt thích đáng. Truyền thông cũng cần lên án để họ không tái phạm”, chị Howson nói.
Howson hiện sống cùng chồng người Việt và con gái 5 tuổi ở một chung cư cũ tại quận 3, TP.HCM. Đặt trường hợp con gái mình bị đối xử tương tự như chị H.L, Howson khẳng định chị sẽ “không để yên”.
“Khi tôi và chồng đang ký hợp đồng thuê nhà, người đàn ông là chủ nhà ôm ấp con gái tôi và hôn lên môi con bé. Tôi không thoải mái với điều đó và ngay lập tức để con bé tránh xa ông ta", Howson nói.
"Điều quan trọng là bạn phải lên tiếng nếu ai đó làm điều tương tự với con bạn. Nếu không, bạn đang tạo điều kiện cho hành vi lạm dụng”, chị nhấn mạnh.
Theo ông Dolezal, tại Mỹ, nạn nhân của những vụ quấy rối tình dục thường sợ bị trả thù, không muốn xấu hổ trước công chúng và không muốn thu hút sự chú ý một cách tiêu cực.
Nhưng bạo lực đối với phụ nữ dù ở hình thức nào - bao gồm đe dọa, tiếp xúc không mong muốn hoặc lạm dụng bằng lời nói - đều đáng bị lên án.
“Vì vậy tôi ngưỡng mộ những người dám đứng lên vì chính bản thân mình như người phụ nữ trong vụ việc này. Tùy từng trường hợp, có thể có nhiều cách phù hợp với mỗi cá nhân. Điều đáng nói là chính phủ cần áp dụng các biện pháp bảo vệ và trao quyền cho nạn nhân khi họ muốn đòi công lý hoặc cần sự hỗ trợ”, Dolezal nói.
Ông nhấn mạnh phần tồi tệ nhất của câu chuyện này là người đàn ông Estonia không tỏ ra ăn năn, thiếu sự đồng cảm và hối tiếc về hành động của mình.
Theo chị H.L., khi biết chuyện, chồng chị lập tức nhắn tin cho M.J. yêu cầu giải thích và xin lỗi. Tuy nhiên, M.J. phủ nhận và cho rằng mình không có hành động như vậy.
Tối hôm đó, người đàn ông này liên tục gọi điện cho vợ chồng chị H.L., yêu cầu giải quyết sự việc “bằng nắm đấm” và có thêm những lời lẽ xúc phạm, đe dọa.
“Ông ta có vẻ không bao giờ học được gì từ vụ việc này, nhưng tôi hy vọng những người khác có thể rút ra bài học. Tôi cũng hy vọng nạn nhân đã được an toàn về thể chất và cả tinh thần, cũng như không phải chịu đựng thêm bất kỳ sự xúc phạm nào nữa", ông Dolezal nói.
"Còn đối với kẻ quấy rối, ông ta sẽ còn phải đối mặt với hành vi của mình nhiều lần nữa, vì dư luận đang chú ý đến vụ việc”, ông Dolezal nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/muc-phat-khong-bang-bua-lau-cho-ke-vo-mong-phu-nu-post1156937.html