Mức phạt liên quan đến hoạt động công chứng
Từ ngày 1-9, cá nhân và tổ chức sẽ phạt tiền từ 20-30 triệu đồng nếu có hành vi giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng, giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng...
Ngày 15-7, Chính phủ ban hành Nghị định 82/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2020.
Theo nghị định, các hành vi vi phạm quy định liên quan đến công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch sẽ bị xử phạt như sau:
Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với các hành vi:
a) Tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch;
b) Sử dụng giấy tờ, văn bản do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung để được công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch.
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với các hành vi:
a) Gian dối, không trung thực khi làm chứng hoặc phiên dịch;
b) Dịch không chính xác, không phù hợp với giấy tờ, văn bản cần dịch.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với các hành vi:
a) Giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người yêu cầu công chứng; giả mạo, thuê hoặc nhờ người khác giả mạo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng, giao dịch để công chứng hợp đồng, giao dịch; giả mạo chữ ký của người yêu cầu công chứng;
b) Yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch giả tạo;
c) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng hợp đồng, giao dịch;
d) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật để công chứng bản dịch;
đ) Cản trở hoạt động công chứng.
Cạnh đó, Điều 15 nghị định cũng quy định một số hành vi vi phạm quy định hoạt động hành nghề công chứng sẽ bị phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000:
- Tiết lộ thông tin về nội dung công chứng mà không được sự đồng ý bằng văn bản của người yêu cầu công chứng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Công chứng khi thiếu chữ ký của công chứng viên; chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người yêu cầu công chứng vào từng trang của hợp đồng, giao dịch;
- Công chứng khi không kiểm tra, đối chiếu bản chính giấy tờ trong hồ sơ công chứng theo quy định trước khi ghi lời chứng, ký vào từng trang của hợp đồng, giao dịch;
- Nhận, đòi hỏi tiền hoặc lợi ích khác từ người yêu cầu công chứng ngoài phí công chứng theo quy định, thù lao công chứng đã xác định và chi phí khác đã thỏa thuận;
- Không chứng kiến việc người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch ký hoặc điểm chỉ vào hợp đồng, giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
- Ghi lời chứng trong văn bản công chứng không đầy đủ nội dung theo quy định;
- Không giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng;
- Sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng mà không thuộc trường hợp được sửa lỗi kỹ thuật theo quy định..
Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/muc-phat-lien-quan-den-hoat-dong-cong-chung-924624.html