Mức phạt vượt đèn đỏ tăng 5-6 lần, nhiều người sợ bị oan vì lỗi đèn tín hiệu
Tình trạng đèn tín hiệu 'chập cheng' ở một số ngã tư khiến nhiều người lo mắc lỗi vượt đèn đỏ dù không cố ý, trong khi mức phạt tăng 5 - 6 lần kể từ ngày 1/1/2025.
Theo Nghị định 168/2024/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, mức phạt lỗi vượt đèn đỏ tăng gấp 5-6 lần so với trước đây, cụ thể là 18-20 triệu đồng với tô tô và 4-6 triệu đồng với xe máy.
Nhìn chung, quy định mới khiến người dân tự nhắc nhở mình tuân thủ tốt hơn các quy định về giao thông, vì mức phạt hiện tại có thể ảnh hưởng không nhỏ đến tài chính gia đình. Trước thực trạng về văn hóa giao thông, tai nạn giao thông những năm qua, phần lớn mọi người ủng hộ việc xử phạt nghiêm khắc hơn với các vi phạm, nhất là lỗi vượt đèn đỏ vốn quá phổ biến.
"Tôi lái xe gần 30 năm rồi nhưng không ít lần tim đập chân run khi gặp phải những xe vượt đèn đỏ, tạt đầu. Phải nghiêm khắc như vậy, chứ hiện tại ý thức chấp hành tín hiệu đèn nhiều người còn rất kém, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao. Mức phạt mới là hoàn toàn hợp lý, tôi đã mong đợi từ lâu", một người dùng Facebook bình luận.
Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng bày tỏ sự băn khoăn, lo ngại rằng dù không cố ý, họ vẫn có nguy cơ mắc phải lỗi này ở những đoạn đường đèn tín hiệu bị lỗi, nhất là khi đèn đếm giây nhảy số không rõ ràng.
Trên "OFFB", diễn đàn chuyên về xe và giao thông có 1,3 triệu thành viên trên Facebook, bài đăng về vấn đề này thu hút 3,2 nghìn lượt thích và 850 lượt bình luận. Người dùng Van Minh bình luận: "Vừa xong ở bến xe Nước Ngầm, tôi đi đèn xanh còn 25 giây lao lên cái thì vàng luôn, phanh chẳng kịp đành đi tiếp, sẵn sàng tâm lý nhận phạt nguội. Có thể nâng mức phạt vượt đèn đỏ lên cả 100 triệu đồng cũng được, tuy nhiên đèn hiệu cần rõ ràng để người tham gia giao thông được yên tâm. Chứ nhiều nơi đèn hiệu chán lắm, tham gia giao thông mà cứ lo nơm nớp chả biết như nào mà lần".
Người dùng Hoang Long cũng thể hiện sự lo lắng của mình: "Nhiều lái xe công nghệ như tôi tham gia giao thông nhiều, đi quanh thành phố đôi khi gặp nhiều đèn tín hiệu rất oái ăm. Có lần gặp đèn xanh đang 20 giây thì lập tức chuyển sang đỏ, khiến tôi phản xa không kịp. Nhiều trường hợp ngồi trong xe vừa qua vạch kẻ thì nhảy đèn đỏ. Đi qua những giao lộ đường thoáng, xe lớn như xe container, xe tải dù là tốc độ chậm thì thắng gấp cũng rất nguy hiểm. Vậy nên cần rà soát hết đèn đường để người dân tham gia giao thông được yên tâm".
Dưới các bài đăng khác trên Facebook về tin Nghị định 168 có hiệu lực từ ngày đầu năm 2025, nhiều người cũng lo ngại về tình trạng đèn tín hiệu bị lỗi ở nhiều ngã tư, có thể khiến các tài xế bị phạt oan: "Tôi bị mắc bẫy mấy cái đèn 'chập cheng' đã vài lần rồi, nó nháy loạn xạ khiến tôi không biết xanh hay đỏ, hú vía, may không bị phạt"; "Có lúc tôi gặp trường hợp đèn lỗi, cứ vài giây xanh lại vài giây đỏ, không biết thế nào mà lần"; "Tôi lo lắng không chỉ chuyện tiền phạt cao mà còn về số phận cái giấy phép lái xe nếu bị ghi lỗi vượt đèn đỏ".
Tôi ủng hộ hoàn toàn việc tăng mức phạt đối với các vi phạm như vượt đèn đỏ. Mức phạt nặng đánh vào kinh tế mới đủ sức răn đe; tuy nhiên nếu không cố ý mà vượt đèn đỏ do 'mắc bẫy' của đèn tín hiệu thì mất số tiền đó cũng đau quá. Các thành phố nên khẩn trương rà soát toàn bộ hệ thống đèn để khắc phục ngay những chỗ đèn nhảy tín hiệu lung tung".
Bên cạnh đó, nhiều tài xế lo ngại loại đèn tín hiệu không đếm giây có thể khiến tài xế vô tình vi phạm: "3 lần nháy đèn vàng trước khi đèn đỏ bật không đủ để tài xế phản ứng, có những khi dù lái chậm nhưng vẫn bị phanh gấp, khiến các xe phía sau đâm vào; còn người nào kém tập trung một chút hoặc sợ va chạm không dám phanh thì sẽ vượt đèn đỏ và bị phạt thủng ví".
Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng khác cho rằng, không nên đổ lỗi cho đèn tín hiệu không đếm giây khi mắc lỗi vượt đèn đỏ. "Tất cả đều do ý thức mà thôi. Nếu sợ bị phạt thật thì sẽ không có chuyện vì đèn không đếm giây mà mắc lỗi, vì thời gian đèn chuyển vàng là đủ để bạn dừng lại"; "Không đếm giây thì sao? Gần đến ngã tư là tài xế phải có phản xạ đi chậm lại và theo dõi đèn tín hiệu rồi. Vì thế khi đèn vàng bật chỉ cần nháy vài lần là đủ phản ứng"; "Đi đường là phải tập trung, nhất là khi gần đến giao lộ, nếu tập trung và có ý thức tuân thủ luật thì không thể vì đèn vàng ngắn mà vô tình mắc lỗi vượt đèn đỏ được"...