Mức thu nhập, triển vọng nghề nghiệp của cử nhân ngành Ngôn ngữ Nhật ra sao?
Học ngành Ngôn ngữ Nhật có nhiều vị trí việc làm đa dạng, và đặc biệt, sinh viên có cơ hội du học, làm việc tại đất nước Nhật Bản với mức lương hấp dẫn.
Trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, việc học ngoại ngữ được nhiều học sinh quan tâm. Cùng với tiếng Anh, các ngoại ngữ khác cũng đang mở ra nhiều triển vọng, cơ hội nghề nghiệp cho các bạn trẻ.
Với mối quan hệ hợp tác phát triển tốt đẹp giữa Nhật Bản và Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, nhu cầu học học ngành Ngôn ngữ Nhật ngày càng tăng. Theo kết quả điều tra năm 2021 về cơ sở giáo dục tiếng Nhật tại nước ngoài của Quỹ giao lưu quốc tế Nhật Bản, số người học tiếng Nhật tại Việt Nam là 169.582 người, đứng vị trí thứ sáu trên toàn thế giới. [1]
Hiện nay, ngành Ngôn ngữ Nhật luôn nằm trong nhóm các ngành học “hot” ở nhiều trường đại học.
Học ngoại ngữ ở trường đại học có gì khác biệt?
Nếu có nhu cầu học ngoại ngữ nói chung và tiếng Nhật nói riêng, các bạn học sinh có rất nhiều sự lựa chọn: học trên mạng, học trung tâm, thậm chí là tự học. Nhưng khi theo học tại đại học chính quy, sinh viên sẽ được nhận lại nhiều giá trị và cơ hội.
Tiến sĩ Trần Thị Thu Thủy, Trưởng khoa tiếng Nhật, Trường Đại học Ngoại Thương. Ảnh: NVCC
Trao đổi cùng phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Trần Thị Thu Thủy, Trưởng khoa tiếng Nhật, Trường Đại học Ngoại Thương chia sẻ: Khoa tiếng Nhật không chỉ đào tạo tiếng Nhật thông thường, mà đào tạo cả tiếng Nhật chuyên ngành kinh tế, thương mại.
Khoa đào tạo theo triết lý khai phóng, định hướng ứng dụng, không phải định hướng nghiên cứu, nhấn mạnh tính thực tiễn và khả năng thực chiến của sinh viên bằng cách triển khai nhiều môn học theo hình thức dự án; tích cực hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản trong hoạt động giảng dạy, tiếp nhận sinh viên thực tập.
“Bên cạnh nhiều cơ hội học bổng, du học, thực tập, tuyển dụng tại Nhật Bản, các giờ học của "Cựu sinh viên Ngoại thương thành đạt" là giá trị mà chỉ sinh viên Khoa Tiếng Nhật, Trường Đại học Ngoại thương được đón nhận”, Tiến sĩ Thủy thông tin thêm.
Ông Shimizu Shinichirou – Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hãng hàng không Nhật Bản làm diễn giả trong một giờ học chuyên đề của Khoa tiếng Nhật, Trường Đại học Ngoại Thương. Ảnh: NVCC
Theo cô Thủy, nếu học tiếng Nhật Bản ở các trung tâm, người học chủ yếu chỉ được học kiến thức ngôn ngữ và kỹ năng làm bài thi. Trong khi đó, khi học trong trường đại học, ngoài kiến thức ngôn ngữ, người học còn được cung cấp nhiều kiến thức khác (triết học, luật pháp, kinh tế...).
Bên cạnh kiến thức, người học còn được rèn luyện về kỹ năng (kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, kỹ năng mềm về ứng xử, giao tiếp, lập kế hoạch, làm việc nhóm, thuyết trình, quản lý thời gian, tuân thủ kỷ luật của tổ chức...).
Ngoài ra, sinh viên cũng được học về thái độ (phụng sự xã hội và cộng đồng, tự chịu trách nhiệm...); được cung cấp cơ hội học bổng, du học, thực tập, tuyển dụng từ nhà trường”, Cô Thủy chia sẻ thêm.
Tiến sĩ Vũ Thúy Nga, Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản của Trường Đại học Đại Nam cho biết: “Sinh viên học Tiếng Nhật không chỉ là học ngôn ngữ mà còn học về đất nước, văn hóa cũng như cách ứng xử và ý chí cố gắng vươn lên, sự kiên cường của người Nhật để đóng góp và phát triển đất nước.
Khi theo học chuyên ngành ngôn ngữ Nhật ở bậc đại học, bạn sẽ có bằng đại học chính quy và có thể sử dụng văn bằng ngoại ngữ trọn đời chứ không lo 1-2 năm hết hạn công nhận như các chứng chỉ ngoại ngữ mà các trung tâm đào tạo.
Bằng đại học có giá trị không chỉ trong nước mà cả quốc tế nên nếu sau này sinh viên muốn học thạc sĩ, tiến sĩ hay làm việc ở nước ngoài, bằng đại học của Việt Nam hoàn toàn có giá trị tương đương”.
Tiến sĩ Vũ Thúy Nga, Trưởng khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản của Trường Đại học Đại Nam. Ảnh: NVCC
Cử nhân ngành Ngôn ngữ Nhật, Trường Đại học Đại Nam sử dụng được thành thạo tiếng Nhật tương đương bậc 5/6 khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam (tương đương JLPT N2).
Đặc biệt, chương trình đào tạo 3,5 năm (một năm có 3 học kì) ở Trường Đại học Đại Nam giúp rút ngắn thời gian đi học, tiết kiệm chi phí cho gia đình cũng như giúp sinh viên sớm ra trường đi làm.
Hiện nay, các công cụ dịch thuật và AI đã rất phát triển, nếu chỉ có kỹ năng biên dịch đơn giản sẽ dễ bị đào thải. Theo cô Trần Thị Thu Thủy, sinh viên học ngoại ngữ trong thời đại AI cần tập trung trau dồi những kiến thức, kỹ năng mà chỉ con người mới có thể kiểm soát được.
Ví dụ như nâng cao kỹ năng sử dụng ngôn ngữ phù hợp với bối cảnh văn hóa, phù hợp với cảm xúc của đối phương, kiểm soát tốt các câu phức, thuật ngữ chuyên ngành. Nếu làm tốt được những điều này, con người sẽ vẫn ưu việt hơn AI và sẽ không bị đào thải bởi AI.
Thu nhập đến 50 triệu sau khi ra trường
Theo cô Vũ Thúy Nga, Khoa Ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản rất chú trọng cho sinh viên học ngôn ngữ Nhật được giao tiếp với giảng viên người Nhật.
Khoa cũng kết nối các doanh nghiệp, trường học Nhật Bản để tiếp nhận, tuyển dụng sinh viên sang học tập, trải nghiệm thực tập có lương, nhằm giúp sinh viên nâng cao khả năng tiếng Nhật và có được các kỹ năng làm việc trước khi tốt nghiệp.
Với kiến thức nền tảng và trình độ sơ - trung cấp của năm thứ nhất, sinh viên Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản có thể tham gia một số công việc văn phòng đơn giản trong các doanh nghiệp, cơ sở có sử dụng tiếng Nhật.
Trường Đại học Đại Nam ký kết hợp tác đào tạo với Học viện Nhật ngữ GAG, phái cử sinh viên năm 2 sang Nhật học tập. Ảnh: NVCC
Từ năm thứ 2, sinh viên có thể làm quen với công việc biên - phiên dịch, kinh doanh thương mại, giảng dạy tiếng Nhật; sinh viên cũng có thể tham gia Internship có lương 6 tháng - 1 năm tại Nhật. Ngoài ra, trong quá trình học tập, sinh viên được tham gia thực tế, kiến tập, tham quan trải nghiệm từ 3-7 ngày ở các tập đoàn Nhật tại Việt Nam.
Đối với các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc thì khi ra trường sẽ nhận mức lương trung bình khoảng 500 - 800 USD/tháng (tương đương 12-20 triệu đồng). Đối với những cá nhân có kinh nghiệm làm việc ở mức quản lý, trợ lý thì mức lương khoảng từ 1000 USD/ tháng (tương đương 25 triệu đồng). Kinh nghiệm từ 3-5 năm là 1500 USD/tháng (tương đương 38 triệu đồng).
Nếu được sang Nhật học tập và làm việc, thu nhập của sinh viên sẽ cao hơn nữa.
Thầy Nguyễn Duy Anh là Hiệu trưởng người Việt đầu tiên tại Nhật Bản. Ảnh: NVCC
Chia sẻ với phóng viên, thầy Nguyễn Duy Anh - Hiệu trưởng Học viện Nhật ngữ GAG ở thành phố Fukuoka, kiêm Chủ tịch danh dự Hiệp hội doanh nghiệp xúc tiến thương mại và đầu tư Việt Nam tại Kyushu bày tỏ: “Chúng tôi đã có những ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Thăng Long, Trường Đại học Đại Nam... để triển khai các chương trình kỳ học quốc tế phái cử sinh viên năm 2 sang Nhật học tập trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm, cung cấp học bổng cho sinh viên, giảng viên các trường, xây dựng chương trình đào tạo ngoại ngữ 2.
Hiện tại, thị trường lao động ở Nhật đang rất cần nhân lực ở một số ngành như công nghệ thông tin, kỹ thuật, y tế, du lịch và thương mại.
Về mức lương, tùy thuộc vào ngành nghề, kinh nghiệm và trình độ của mỗi cá nhân mà mức lương cơ bản sẽ khác nhau. Thông thường những bạn mới ra trường sẽ có mức lương vào khoảng 300.000 yên/tháng, tương đương với 50 triệu đồng”.
Các phương pháp nâng cao trình độ tiếng Nhật
Lê Thị Quyên, cựu sinh viên Khoa tiếng Nhật, Trường Đại học Hà Nội khóa 2017 - 2021, vừa nhận bằng thạc sĩ khoa Giáo dục cộng đồng tại Đại học Utsunomiya. Quyên là một trong số những sinh viên của Trường Đại học Hà Nội nhận được học bổng của chính phủ Nhật Bản (MEXT).
Lê Thị Quyên cùng giảng viên hướng dẫn trong lễ nhận bằng Thạc sĩ tại Đại học Utsunomiya. Ảnh: NVCC
Chia sẻ về bí quyết đạt kết quả tốt trong học tập, Quyên cho biết: “Mình tham gia nhiều cuộc thi hùng biện tiếng Nhật và trải qua nhiều thất bại đáng nhớ. Cuộc thi hùng biện đầu tiên mình tham gia đó vào năm 2019 do Quỹ Giao lưu Quốc tế Nhật Bản tổ chức. Sự chủ quan và tâm lý sợ đám đông khiến mình gặp thất bại.
Tuy nhiên, môi trường năng động như Khoa tiếng Nhật đã giúp mình khơi dậy cảm hứng để tiếp tục đăng ký tham gia thêm các cuộc thi khác. Mình từng đoạt giải Nhất cuộc thi hùng biện tiếng Nhật do công ty KUROFUNE phối hợp cùng đài phát thanh Aichi Kita FM.
Mỗi cuộc hùng biện với những chủ đề khác nhau giúp mình tự tìm ra được những mảnh ghép thú vị trong cuộc sống, đó cũng là cơ hội được học hỏi các bạn, anh chị không chỉ về tiếng Nhật mà cả kỹ năng sống, kỹ năng thuyết trình.
Để có thể apply học bổng chính phủ tại Nhật Bản, bên cạnh phải có chứng chỉ JLPT N2 trở lên và một bảng điểm đẹp, việc tích cực tham gia hoạt động ngoại khóa cũng là một ưu thế lớn.
Vậy nên, nếu các bạn sinh viên có ấp ủ ý định đi trao đổi hay học lên cao thì các bạn sinh viên nên cố gắng sắp xếp thời gian để cân bằng việc học trên trường cũng như tham gia các hoạt động ngoại khóa, cuộc thi hùng biện”.
Thầy Nguyễn Duy Anh cũng chia sẻ bí quyết để sinh viên học tốt tiếng Nhật: “Tôi nghĩ rằng vấn đề phát âm và việc sử dụng Hán tự (Kanji) là những thách thức phổ biến mà sinh viên Việt Nam thường gặp khi học tiếng Nhật.
Đối với phát âm, sinh viên Việt Nam thường bị ảnh hưởng từ phương ngữ nơi các bạn sinh sống, chẳng hạn như thêm dấu vào những từ tiếng Nhật.
Để khắc phục vấn đề này, các bạn cần tăng cường giao tiếp với người bản xứ để cải thiện khả năng nói tiếng Nhật của mình. Bên cạnh đó, tôi thấy phương pháp luyện tập shadowing (bắt chước cách phát âm, nhấn nhá, ngữ điệu của người bản xứ) là một lựa chọn hữu ích cho người học ngoại ngữ.
Đối với vấn đề Hán tự, do Việt Nam không sử dụng bộ chữ này nên sinh viên thường gặp khó khăn trong việc ghi nhớ và sử dụng chúng. Tuy nhiên, thông qua việc học hàng ngày, sử dụng các công cụ online hỗ trợ và tiếp xúc thường xuyên với văn bản tiếng Nhật, tôi nghĩ các sinh viên có thể vượt qua thách thức này một cách hiệu quả”.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vov2.vov.vn/giao-duc-dao-tao/viet-nam-dung-thu-6-the-gioi-ve-so-nguoi-hoc-tieng-nhat-31029.vov2