Mục tiêu 54 tỷ USD xuất khẩu nông lâm thủy sản sẽ hoàn thành
6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu (XK) nông lâm thủy sản đã đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023., nhờ đó thặng dư thương mại toàn ngành đạt trên 8 tỷ USD, tăng hơn 62%.Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến quả quyết mục tiêu XK 54 tỷ USD năm nay chắc chắn đạt được..
Phát biểu tại Họp báo thường kỳ quý II/ 2024 mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định: Ngành nông nghiệp, nông thôn triển khai Kế hoạch công tác 6 tháng đầu năm 2024 trong điều kiện có những thuận lợi, thách thức đan xen, trong đó có yếu tác động của biến động thị trường, của thời tiết nắng nóng gay gắt, hạn hán tại các địa phương vùng Tây Nguyên, miền Trung, xâm nhập mặn tại các tỉnh phía Nam…
Trong bối cảnh đó, Bộ và toàn Ngành đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp phát triển sản xuất, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch bệnh; xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản.
“Nhờ vậy, nông nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng GDP của cả nước…” - Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh.
Theo đó, tổng kim ngạch XK NLTS 6 tháng đầu năm đạt 29,2 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng gần 21 tỷ USD. Như vậy, thặng dư thương mại toàn ngành trên 8 tỷ USD, tăng hơn 62%.
Đóng góp vào kết quả trên, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị XK đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ); trong đó gạo và hạt điều là 2 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị XK.
6 tháng đầu năm, XK gạo đạt 4,68 triệu tấn (tăng 10,4%), giá trị 2,98 tỷ USD (tăng 32%); hạt điều đạt 350 nghìn tấn (tăng 24,9%), giá trị 1,92 tỷ USD (tăng 17,4%). Riêng cà phê tuy giảm về khối lượng (đạt 902 nghìn tấn, giảm 10,5%), nhưng nhờ giá XK bình quân tăng 50,4% nên giá trị XK đạt 3,22 tỷ USD (tăng 34,6%).
Về thị trường XK: Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường XK các mặt hàng NLTS lớn nhất của Việt Nam; giá trị XK sang Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 20,7%, tăng 20,8%; Trung Quốc chiếm 20,2%, tăng 9,5% và Nhật Bản chiếm 6,7%, tăng 5%.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, những kết quả trên có được là nhờ toàn ngành nông nghiệp đã và đang tập trung triển khai các Đề án thúc đẩy XK NLTS sang các thị trường trọng điểm đã được phê duyệt từ cuối năm 2023 (Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU), mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi…Nhờ đó, thị trường tiêu thụ sản phẩm được duy trì và mở rộng, XK NLST tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao.
Từ những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm, trên cơ sở dự báo những khó khăn, thách thức và thuận lợi, cơ hội đối với ngành nông nghiệp, nông thôn trong 6 tháng cuối năm, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định, chắc chắn đạt được mục tiêu XK 54 tỷ USD trong năm nay.
Để đạt các mục tiêu đã đề ra, Thứ trưởng cho biết, ngành nông nghiệp có các giải pháp cụ thể cho các lĩnh vực, phù hợp với tình hình khí hậu cũng như các biến động toàn cầu.
Đặc biệt, chú trọng phát triển mạnh thị trường, tháo gỡ các rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ NLTS; Tiếp tục phối hợp với các đại sứ quán, tham tán thương mại, tham tán nông nghiệp thu thập và cung cấp thông tin, thị hiếu, nhu cầu, cập nhật các chính sách, quy định cho cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương; hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đã được mở cửa, XK chính ngạch gắn liền với các hoạt động ngoại giao vào các thị trường lớn và khai thác hiệu quả các thị trường tiềm năng.