Mục tiêu cuối cùng là nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước

Quá trình thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên quy mô toàn quốc trong giai đoạn 2019 - 2021 đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Đánh giá cao những kết quả đạt được của chuyên đề giám sát này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sắp xếp đơn vị hành chính không phải chỉ để 'sắp xếp' mà mục tiêu cuối cùng là nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Cuộc tổng rà soát, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã lần đầu tiên trong lịch sử

Việc sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2019 - 2021 đã thành công tốt đẹp, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra tại các Nghị quyết của Đảng, của Bộ Chính trị. Nhấn mạnh điều này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, "lần đầu tiên trong lịch sử từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, nước ta mới có cuộc tổng rà soát, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã trên quy mô toàn quốc như giai đoạn 2019 - 2021 vừa qua".

Kết quả sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không chỉ góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách như chủ trương của Đảng đã đề ra, hơn thế, còn mở rộng không gian phát triển, tập trung được nguồn lực, phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của các địa phươngđể phát triển bền vững. Như nhận định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ là, có lẽ ít có cuộc giám sát nào làm sâu sắc, kỹ lưỡng, toàn diện, đầy đủ như giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”. Trong 3 năm thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành 48 nghị quyết, qua đó giúp giảm 8 đơn vị hành chính cấp huyện, 561 đơn vị hành chính cấp xã; đã có 706 cán bộ, công chức cấp huyện và 9.705 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư qua đợt sắp xếp này.

Đồng tình với nhận định của Đoàn giám sát, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định, việc sắp xếp đơn vị hành chính là một việc làm mới, khó khăn và phức tạp. Bởi, trong lịch sử nước ta trong 30 năm trước đây, từ năm 1986 đến 2015 hầu như các địa phương chỉ thực hiện chia tách, và tính đến thời điểm trước khi có các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhìn chung đều ở xu hướng tăng cấp tỉnh, huyện, xã. “Khi đang trong xu thế tăng mà xếp lại để giảm là vấn đề lớn về tư tưởng, mà không giải phóng tốt tư tưởng thì rất khó thực hiện”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Báo cáo kết quả giám sát cũng nêu rõ, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 cũng còn có một số khó khăn, vướng mắc. Ví dụ, công tác bố trí, sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hoạt động không chuyên trách dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính còn lúng túng, số lượng người dôi dư cần tiếp tục giải quyết còn nhiều. Vẫn còn nhiều trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức ở các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp chưa được bố trí, sử dụng hiệu quả; việc tổ chức thanh lý, bán đấu giá các trụ sở, tài sản công dôi dư sau sắp xếp còn chậm và gặp nhiều khó khăn. Công tác hướng dẫn việc thực hiện chế độ, chính sách đặc thù đối với các đơn vị hành chính mới được thành lập chưa kịp thời, đồng bộ, chưa có sự kết nối đầy đủ với các chính sách, pháp luật khác có liên quan. Chất lượng đô thị, mật độ dân số đô thị ở một số đô thị được hình thành trên cơ sở sáp nhập với đơn vị hành chính nông thôn chưa được bảo đảm...

Các đại biểu dự Phiên họp
Ảnh: Lâm Hiển

Làm rõ năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng phục vụ người dân

Đánh giá cao Báo cáo kết quả giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã thời gian qua nhằm thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW Hội nghị Trung ương Đảng Khóa XII về sắp xếp bộ máy hành chính, tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị, cũng như Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Do vậy, cần làm rõ hơn việc thực hiện những mục tiêu đặt ra với lần tổng rà soát, sắp xếp lần này, kể cả về định tính, định lượng trong kết quả tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm chi thường xuyên, đầu tư phát triển của ngân sách Nhà nước…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã không phải là để "sắp xếp" mà mục tiêu cuối cùng là để "nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước". Vì thế, sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính cần làm rõ các chỉ tiêu đo lường đánh giá năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nhất là chất lượng phục vụ người dân, cung cấp các dịch vụ công y tế, giáo dục... Lấy ví dụ cụ thể, Chủ tịch Quốc hội gợi mở, với một số tỉnh miền núi tiến hành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã nhiều thì các thiết chế về văn hóa, giáo dục, y tế có đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhân dân không hay phải mở thêm điểm trường, điểm y tế xã? Qua quá trình này có thể rút ra những bài học kinh nghiệm nào cho giai đoạn sau?...

Từ gợi mở của Chủ tịch Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh chỉ rõ, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế qua sắp xếp đơn vị hành chính nhằm giúp chúng ta có điều kiện tăng chế độ, chính sách. Song, qua tiếp xúc cử tri đã nhận được nhiều phản ánh của cán bộ không chuyên trách cấp thôn, bản, xã về tình trạng địa bàn rộng, số dân đông hơn khiến khối lượng công việc tăng, nhưng chế độ, chính sách vẫn được giữ nguyên, thậm chí có những nơi tính ra là giảm đi. Đây là vấn đề cần được xem xét thấu đáo. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, thì gắn với việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã lần này cũng cần nghiên cứu để xác định cách thức vận hành của các tổ dân phố cũng như đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cơ sở.

Đối với khu vực miền núi, vùng sâu,vùng xa, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm lưu ý, trong quá trình bố trí cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, xã sau khi sắp xếp đơn vị hành chính nếu không cẩn thận có thể sẽ ảnh hưởng đến cán bộ là người tộc thiểu số ở các vùng này, vì có vị trí hoặc trình độ, năng lực thấp hơn so với những nơi khác. Đây là điều cần được lưu ý và quan tâm, có như vậy mới bảo đảm vùng thiểu số sẽ có cán bộ dân tộc thiểu số từ dưới thôn, bản để vừa góp thêm tiếng nói, vừa bảo đảm tính ổn định của hệ thống chính trị ở cơ sở.

Để giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn tại sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính giai đoạn 2022 - 2030, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, dự thảo Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đã xác định 3 nhóm nhiệm vụ chính và nhiều nhiệm vụ cụ thể với Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức khác có liên quan. Song, để giải quyết dứt điểm tồn đọng, thì chúng ta cần xác định rất cụ thể nguồn lực phải chi ra là bao nhiêu, lộ trình như thế nào? Phải xác định rất cụ thể thời gian nào thực hiện, nhiệm vụ nào xong? - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Lê Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/muc-tieu-cuoi-cung-la-nang-cao-nang-luc-hieu-qua-quan-ly-nha-nuoc-i300570/