Mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% là khả thi

Thời gian qua, công tác quản lý, điều hành giá đã được Chính phủ thực hiện tốt, góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát dưới mục tiêu đề ra, tạo động lực hỗ trợ phục hồi kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Câu hỏi đặt ra, kiểm soát lạm phát 6 tháng cuối năm 2024 thế nào, nhất là khi lương cơ sở được điều chỉnh tăng từ ngày 1-7? Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã có trao đổi với báo chí xoay quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Đầu năm nay, Tổng cục Thống kê đã xây dựng kịch bản lạm phát cả năm 2024 từ 3,8 đến 4,5%, tuy nhiên bình quân 6 tháng lạm phát đã ở mức hơn 4%. Vậy theo bà, việc kiểm soát lạm phát cả năm 2024 có đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra hay không?

Bà Nguyễn Thị Hương: Bình quân 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng tăng 4,08% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức lạm phát phù hợp để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nằm trong mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm nay từ 4 đến 4,5%. Đồng thời, lạm phát 6 tháng đầu năm cũng đang theo xu hướng của kịch bản giá Tổng cục Thống kê đã xây dựng từ đầu năm. Như vậy, để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát ở dưới mức 4,5% của cả năm 2024 theo yêu cầu của Quốc hội thì dư địa cho bình quân 6 tháng cuối năm là 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Nguyễn Thị Hương. Ảnh: PHẠM HÂN

Bà Nguyễn Thị Hương. Ảnh: PHẠM HÂN

Có thể thấy rằng, mặt bằng giá cả trong nước vẫn ở trong tầm kiểm soát nhưng cũng đang tạo áp lực lên chỉ số giá trong nước do điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý theo lộ trình như điện, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế; giá thịt lợn tăng do giá thức ăn tăng cao, dịch bệnh diễn biến phức tạp; giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương. Mối lo ngại về căng thẳng địa chính trị, xung đột ở một số khu vực trên thế giới khiến giá hàng hóa, giá xăng dầu, giá cước vận tải tăng..., làm gia tăng chi phí sản xuất.

Song, Tổng cục Thống kê dự báo có một số yếu tố thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát trong thời gian tới. Cụ thể, lạm phát toàn cầu đang tiếp tục xu hướng hạ nhiệt, giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát. Các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất 6 tháng cuối năm góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng.

Với nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, Việt Nam tránh được rủi ro, thách thức về an ninh lương thực đang có khả năng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, với kinh nghiệm điều hành giá, sự chỉ đạo quyết liệt, phản ứng kịp thời của Chính phủ sẽ giúp hạn chế tác động cộng hưởng của việc điều chỉnh giá lên lạm phát, ổn định tâm lý kỳ vọng lạm phát.

Do đó, Tổng cục Thống kê đánh giá khả năng thực hiện kiểm soát lạm phát dưới 4,5% mà Quốc hội đề ra cho năm nay là khả thi.

PV: Việc tăng lương cơ sở từ ngày 1-7 sẽ tác động như thế nào tới lạm phát, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hương: Tính từ năm 2009 đến ngày 1-7-2024, mức lương cơ sở đã tăng khoảng 280%, lương tối thiểu vùng tăng khoảng 480%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 108%. Như vậy, sau 15 năm, tốc độ tăng lương cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Điều này cho thấy, Chính phủ luôn hướng tới mục tiêu tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động.

Việc tăng lương góp phần nâng cao đời sống của nhân dân, đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế, làm cho sức mua của dân cư được tăng lên, khi quan hệ cung cầu thay đổi sẽ ảnh hưởng đến giá cả. Hiện tượng “té nước theo mưa” khi lương tăng vẫn xảy ra.

PV: Để đồng lương tăng thực sự mang lại lợi ích cho người lao động thì đâu là giải pháp kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Hương: Để bình ổn thị trường, kiểm soát tốt giá cả, Tổng cục Thống kê khuyến nghị các cơ quan chức năng cần chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế, giá cả các hàng hóa chiến lược trên thị trường thế giới, diễn biến của các xung đột, căng thẳng địa chính trị để kịp thời cảnh báo các nguy cơ tác động đến mặt bằng giá cả hàng hóa và dịch vụ ở trong nước. Đồng thời, tăng cường triển khai và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá.

 Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: THU TRANG

Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: THU TRANG

Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng. Khuyến khích trung tâm thương mại, siêu thị tổ chức các đợt khuyến mại hàng hóa nhằm kích cầu tiêu dùng cùng thời điểm lương tăng.

Cùng với đó, cơ quan điều hành cần tránh điều chỉnh giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, điện sinh hoạt cùng với thời điểm tăng lương 1-7-2024, không nên dồn vào cuối năm, là thời điểm nhu cầu tiêu dùng cao vì khi chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng cao sẽ tạo ra lạm phát kỳ vọng lớn và tạo áp lực điều hành lạm phát cho năm 2025. Ngoài ra, cần phải tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra...

PV: Trân trọng cảm ơn bà!

KHÁNH AN (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/muc-tieu-kiem-soat-lam-phat-duoi-4-5-la-kha-thi-783777