Tìm điểm cân bằng trong hỗ trợ tăng trưởng và kiểm soát lạm phát
Trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng, TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam bày tỏ tin tưởng có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5% trong năm nay.
Nhìn tổng thể, quyết sách của Quốc hội sẽ mang lại lợi ích rất lớn để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đất đai là một nguồn lực rất lớn cho tăng trưởng kinh tế. Khai thác tốt nguồn lực sẽ giúp phát huy và phân bổ lại nguồn lực lớn một cách hiệu quả hơn. Luật Đất đai mới, cùng với các luật khác liên quan như Luật Kinh doanh BĐS hay Luật Nhà ở sẽ tăng cường tính pháp lý, giảm bớt những rủi ro pháp lý cho các chủ đầu tư, cho người dân, cho những đối tượng tham gia vào khai thác tiềm lực đất đai, qua đó phát huy được một nguồn lực lớn cho quá trình tăng trưởng của nền kinh tế.
Ngành BĐS, một ngành phụ thuộc nhiều vào đất đai, có liên quan tới gần 20 ngành nghề kinh tế khác. Tháo gỡ được các điểm nghẽn về đất đai để hỗ trợ cho ngành BĐS sẽ kéo theo sự tăng trưởng của rất nhiều ngành khác. Từ đó sẽ tác động trực tiếp tới cầu tín dụng, nhu cầu vay vốn ngân hàng của người mua nhà, các công ty BĐS, các công ty xây dựng, doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, khai thác dịch vụ nhà ở. Điều này cũng tác động tích cực tới tốc độ tăng tín dụng đối với nền kinh tế. Như vậy, nếu khai thác được hiệu quả những lợi ích mà Luật Đất đai và các luật liên quan mang lại, sẽ là động lực rất lớn về mặt tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.
Ông nhìn nhận thế nào về triển vọng kinh tế năm nay trong bối cảnh chúng ta đã đi được nửa chặng đường?
Việc GDP quý II/2024 tăng tới 6,93%, cao thứ hai trong giai đoạn 2020 - 2024, (chỉ xếp sau mức tăng 7,99% quý II/2022), và giúp GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42% (cũng chỉ thấp hơn tốc độ tăng 6,58% của 6 tháng đầu năm 2022) là cơ sở để chúng ta tự tin có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5% trong năm nay. Đáng chú ý, tăng trưởng quý II vừa qua dựa trên các nền tảng vững chắc hơn như xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực; tiêu dùng trong nước duy trì mức tăng trưởng khá, doanh nghiệp thành lập mới và quay trở hoạt động mạnh mẽ; sản xuất công nghiệp chế biến chế tạo phục hồi rõ nét, ngành dịch vụ khởi sắc… Điều đó cho thấy, những chính sách của Nhà nước trong thời gian qua đã hỗ trợ tốt cho quá trình phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, đảm bảo duy trì sức mua và mức tiêu dùng trong nước.
Tôi tin triển vọng kinh tế năm nay vẫn có thể đạt được theo mục tiêu. Trong đó, các động lực tăng trưởng truyền thống như xuất nhập khẩu, đầu tư công, tiêu dùng trong nước… sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế trong thời gian tới. Nhưng dài hạn hơn, để nền kinh tế vượt bẫy thu nhập trung bình, có vị thế lớn hơn trong nền kinh tế toàn cầu, chúng ta sẽ phải nỗ lực trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển dịch nền kinh tế sang mô hình dựa trên hiệu suất, dựa trên năng suất lao động và đổi mới sáng tạo. Và để làm được điều này, cần tìm kiếm không gian tăng trưởng mới, động lực tăng trưởng mới, đặc biệt là kinh tế số, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Những không gian tăng trưởng mới này sẽ giúp nền kinh tế có thêm dư địa để bứt phá trong những năm tới và những thập niên tới.
Nói về các thách thức lớn trong ngắn hạn, ông quan tâm nhất đến vấn đề gì?
Dù diễn biến nửa đầu năm cho thấy triển vọng kinh tế năm nay tích cực hơn nhưng tôi cho rằng phía trước vẫn nhiều khó khăn, thách thức để đạt được các mục tiêu đặt ra cho năm nay. Trong đó liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, có những dấu hiệu cần phải lưu ý, như đã có hơn 100.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Hay kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý II/2024 của Tổng cục Thống kê cho thấy, có 40,7% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý II/2024; có 42,2% số doanh nghiệp cho rằng sẽ ổn định và 17,1% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn. Như vậy có nghĩa là vẫn có đến gần 60% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh vẫn như vậy, thậm chí còn khó khăn hơn trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng thấy áp lực lạm phát gia tăng khi mà chỉ số CPI tháng 6 và bình quân quý II đều tăng so với trên 4% so với cùng kỳ năm trước (lần lượt ở các mức 4,34% và 4,39%), đẩy CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% (trong khi cùng kỳ năm trước chỉ tăng 3,29%). Cùng với đó là các áp lực về tỷ giá, lạm phát, lãi suất còn ở mức cao và khó đoán định ở các nền kinh tế lớn cũng như những tác động từ bên ngoài khác vẫn đang hiện hữu.
Triển vọng tích cực, song thách thức, áp lực không ít. Trong bối cảnh đó, theo ông các vấn đề cần tập trung với hoạt động sản xuất kinh doanh tới đây là gì?
Nền kinh tế sẽ phát triển bền vững nếu như đầu tư tư nhân trong nước tiếp tục đóng vai trò là trụ cột trong tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội. Thực tế tăng trưởng đầu tư tư nhân chậm được đánh giá là một trong những nguyên nhân chính khiến cho tốc độ tăng trưởng GDP năm 2023 không đạt được mục tiêu như mong muốn. 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, đầu tư tư nhân tuy có tích cực hơn một chút trong quý II vừa qua, nhưng nhìn chung vẫn ở mức thấp là những yếu tố cho thấy chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn để quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao và mục tiêu tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Vì thế, tôi cho rằng việc tập trung vào phục hồi đầu tư tư nhân là rất quan trọng. Liên quan đến vấn đề này, có hai yếu tố rất cần quan tâm: Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh theo hướng an toàn, thân thiện hơn cho các doanh nghiệp để gia tăng niềm tin và sự “hứng khởi” trong kinh doanh; Đầu tư công - động lực trực tiếp, quan trọng cho tăng trưởng kinh tế những năm gần đây - cần tạo ra sức lan tỏa lớn hơn và cần được sử dụng như đòn bẩy để thúc đẩy đầu tư tư nhân. Điều này rất cần thiết với Việt Nam trong giai đoạn sắp tới, khi vốn đầu tư công sẽ ngày càng giảm dần khi so sánh với quy mô ngày một tăng của nền kinh tế.
Chính sách tiền tệ sẽ cần lưu ý những vấn đề gì trước áp lực lạm phát tăng và môi trường còn nhiều bất định hiện nay?
Cùng với thực tế lạm phát tăng những tháng vừa qua, chúng ta cần lưu ý áp lực lạm phát theo chu kỳ và tính thời vụ thường gia tăng vào những tháng cuối năm, đặc biệt là những tháng giáp Tết. Áp lực nhập khẩu lạm phát năm nay có thể vẫn không suy giảm do nhu cầu nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu tăng trong khi giá nhập không giảm trong bối cảnh lạm phát ở các nền kinh tế lớn dù nhìn chung đã chững lại nhưng NHTW vẫn chưa phát ra tín hiệu giảm lãi suất. Trong nước, chúng ta cũng vừa điều chỉnh tiền lương tăng khá mạnh từ ngày 1/7, có thể tạo ra lạm phát kỳ vọng như đã từng thấy ở các lần tăng lương trước đây. Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng chậm so với nhiều năm gần đây, khiến nhiều NHTM phải cân nhắc tăng lãi suất để thu hút tiền gửi vào hệ thống ngân hàng… Áp lực về tỷ giá có thể sẽ giảm bớt trong những tháng tới khi chúng ta đảm bảo được nguồn cung ngoại tệ nhờ xuất siêu được duy trì, nguồn vốn đầu tư nước ngoài và kiều hối tiếp tục gia tăng.
Khi mà áp lực lạm phát trên nhiều phương diện có thể lớn hơn, như vậy chắc chắn sẽ có tác động đến chính sách tiền tệ. Giả sử vào cuối năm, nếu lạm phát tăng quá mức gây áp lực lớn lên lãi suất thì NHNN có thể buộc phải sử dụng một số công cụ để rút bớt tiền từ lưu thông về. Một trong các biện pháp đó là phải tăng lãi suất điều hành. Tuy nhiên, tăng lãi suất có thể ảnh hưởng tới mục tiêu lãi suất cho vay thấp đối với doanh nghiệp, người dân để hỗ trợ tăng trưởng. Như vậy, câu chuyện hài hòa giữa tỷ giá và lãi suất, lãi suất và lạm phát, lạm phát và tăng trưởng vẫn là một bài toán khó mà Chính phủ và NHNN sẽ phải tính toán để tìm được điểm cân bằng trong thời gian tới. Nhưng tôi tin rằng, với tinh thần chủ động, linh hoạt mà Chính phủ và NHNN đã thể hiện trong trong thời gian vừa qua, chúng ta sẽ tìm được điểm cân bằng này.