Mục tiêu sản xuất dược phẩm giá trị cao trong thời đại y tế số
Theo Báo cáo nghiên cứu ngành Dược Việt Nam, tính đến năm 2020, ngành Dược Việt Nam đã đạt khoảng 6,4 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kép hằng năm đạt 6% vào giai đoạn 2018 - 2020. Sau đó, tốc độ tăng trưởng chậm lại do dại dịch và thu nhập của người lao động giảm mạnh...
Hiện nay, tại Việt Nam có khoảng hơn 200 doanh nghiệp sản xuất thuốc. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp đều tập trung sản xuất các loại thuốc phổ biến trên thị trường, trong khi đó các loại thuốc chuyên khoa, đặc trị, yêu cầu kỹ thuật bào chế hiện đại lại không được quan tâm. Từ đó gây nên tình trạng sản xuất chồng chéo, tranh giành phân khúc thị trường nhỏ giữa hầu hết các doanh nghiệp trong nước.
CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA PHÁT TRIỂN NGÀNH DƯỢC
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 9-10-2023 phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược này đề ra các giải pháp nhằm phát triển ngành dược trong giai đoạn tới, bao gồm tất lĩnh vực từ sản xuất, phân phối, lưu thông, bảo đảm chất lượng thuốc, sử dụng thuốc hợp lý, an toàn…
Để phát triển ngành dược Việt Nam trong giai đoạn tới, theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, trọng tâm của chiến lược quốc gia sẽ tập trung vào ba điểm mới, mang tính đột phá.
Thứ nhất,phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đạt trình độ cao. Từ đó, hướng tới sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, thuốc sinh học, phấn đấu đạt cấp độ 4 theo phân loại đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).
Thứ hai, nâng cao vai trò của ngành dược không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo cung cấp thuốc mà còn tham gia vào cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng cũng như trong các cơ sở y tế thông qua việc tăng cường giám sát sử dụng thuốc an toàn, hợp lý.
Thứ ba, xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số và thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược phẩm nhằm thiết lập đồng bộ hệ thống theo dõi, giám sát về hoạt động cung ứng thuốc và tối ưu hóa sử dụng thuốc trên người bệnh. Từ đó có các chính sách quản lý ngành dược phù hợp nhằm sẵn sàng đảm bảo đáp ứng nhu cầu về thuốc trong các tình huống khẩn cấp (như: Thiên tai, thảm họa, dịch bệnh); đồng thời dễ dàng thực hiện truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, quản lý chất lượng thuốc.
Để đạt được những mục tiêu, định hướng phát triển ngành dược trong thời gian tới, Bộ Y tế luôn coi hợp tác quốc tế trong lĩnh vực dược phẩm, trong đó có chia sẻ về bản quyền và công nghệ là giải pháp mũi nhọn nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để ngành công nghiệp dược trong nước phát triển và tham gia các chuỗi giá trị dược phẩm toàn cầu.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương cho hay hiện nay Việt Nam đang được xem là điểm đến hấp dẫn để các tập đoàn dược phẩm đa quốc gia thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh dược phẩm, trong đó bao gồm cả việc thành lập các cơ sở sản xuất thuốc để từ đó xuất khẩu sang các quốc gia khác. “Bộ Y tế cho rằng dư địa để khai thác các tiềm năng thương mại trong lĩnh vực dược còn rất nhiều, cơ hội cho hợp tác và phát triển của các doanh nghiệp dược vẫn đang ở phía trước,” bà Liên Hương phân tích.
Để tạo động lực cho ngành dược Việt Nam phát triển trong thời gian tới, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 phê duyệt Chương trình Phát triển Công nghiệp Dược, Dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược đặt ra mục tiêu cho Việt Nam là “Đến năm 2030: Trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực. Phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 01 tỷ USD.”
ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRONG LĨNH VỰC Y TẾ
Tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế diễn ra ngày 18/10 tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Tiểu ban Dược phẩm thuộc Hiệp hội các Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Pharma Group), Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tỉ lệ thuốc giả thấp nhất trong khu vực. Trước đây, tiền mua thuốc bình quân đầu người của nước ta chưa đến 5 USD thì đến nay ngành dược đã cơ bản đáp ứng nhu cầu thuốc trong nước, tiền thuốc bình quân đầu người tăng lên 70 USD.
Tuy nhiên, TS Tạ Mạnh Hùng, Phó cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho rằng, ngành dược vẫn còn một số mục tiêu chưa đạt. Gần 90% nguyên liệu sản xuất thuốc là nhập khẩu. Tỉ lệ thuốc được đánh giá tương đương sinh học thấp, chỉ khoảng 10%. Về sản xuất, Việt Nam đã phát triển số lượng các doanh nghiệp dược, tuy nhiên thuốc sản xuất trong nước chưa có tính cạnh tranh cao. Hơn 200 doanh nghiệp chủ yếu sản xuất thuốc generic. Trên thị trường trong nước có hơn 800 dược chất lưu hành, song số lượng dược chất được doanh nghiệp trong nước sản xuất chưa quá 50%.
“Vì thế, một trong những mục tiêu phát triển ngành dược trong thời gian tới là chuyển một phần từ sản xuất thuốc generic sang thuốc phát minh", ông Hùng nói. Ông Hùng cũng đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu phát triển ngành dược tại Việt Nam. Trong đó, cần tiếp tục hoàn thiện về thể chế, pháp luật về sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, cung ứng, phân phối. Đặc biệt, ưu đãi cao nhất cho nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc phát minh, vaccine, sinh phẩm.
Bên cạnh đó, cần có quy hoạch, bố trí, dành quỹ đất cho phát triển các cơ sở nghiên cứu, sản xuất thuốc; quy hoạch phát triển vùng trồng, vùng khai thác, chế biến dược liệu của Việt Nam. Đẩy mạnh nghiên cứu và tham gia phối hợp quốc tế nhằm phát triển thuốc biệt dược gốc, thuốc chuyên khoa đặc trị. Có định hướng và lộ trình cụ thể để chuẩn hóa các hoạt động đào tạo cơ bản, đào tạo liên tục và đào tạo nâng cao cho đội ngũ nhân lực dược…
Không chỉ với lĩnh vực dược, tại diễn đàn, các chuyên gia y tế cho rằng, trong bối cảnh nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đang ngày càng tăng cao, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế nói chung đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng chăm sóc sức khỏe, tăng cường khả năng chẩn đoán và điều trị bệnh, cũng như thúc đẩy sự tiến bộ trong nghiên cứu y học. Chính vì vậy, việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu, thực tế ảo, blockchain và robot học… đã được áp dụng rộng rãi trong y tế giúp tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe con người.
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho rằng, việc áp dụng các giải pháp đổi mới, sáng tạo đã có tác động trực tiếp đến ngành y tế. Hiện có nhiều thiết bị chăm sóc, theo dõi sức khỏe từ xa hiện đại đã được áp dụng. Việc áp dụng các giải pháp đổi mới, sáng tạo cũng góp phần thay đổi về khái niệm khám chữa bệnh. Hiện tại, đối với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hồ sơ y tế cũng đã được điện tử hóa, thuận tiện hơn rất nhiều cho cả bệnh nhân và bác sĩ, bệnh viện.