Mục tiêu tăng gấp 3 sản lượng năng lượng tái tạo toàn cầu liệu có khả thi?
Để mục tiêu tăng gấp 3 sản lượng năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030 trở thành hiện thực, các quốc gia cần phải đồng lòng tháo gỡ những khó khăn còn tồn tại và nhanh chóng thúc đẩy những cơ hội sẵn có.
Có thể tăng gấp 3 sản lượng năng lượng tái tạo toàn cầu
2023 và 2024 được đánh dấu là 2 năm nóng lên kỷ lục của Trái đất nhưng đồng thời cũng ghi nhận những nỗ lực của con người trong hành trình chuyển đổi xanh, dần dần xóa bỏ nhiên liệu hóa thạch. Theo báo cáo hồi tháng 6/2024 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (International Energy Agency - IEA), đầu tư vào năng lượng sạch và hệ thống cơ sở hạ tầng trên toàn cầu trong năm 2023 lần đầu tiên đã vượt qua khoản đầu tư dành cho nhiên liệu hóa thạch. Sang tới năm 2024, kỷ lục này tiếp tục được lặp lại. Và nếu trong những tháng cuối năm, đà tăng vẫn cứ tiếp tục, khoản đầu tư dành cho ngành năng lượng sạch dự kiến đạt 2 nghìn tỷ USD trong năm 2024 này, tức là gấp đôi khoản đầu tư dành cho nhiên liệu hóa thạch. Đối với thế giới mà nói, đây là một dấu hiệu vô cùng tích cực.
Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh về Khí hậu COP28 diễn ra ở Dubai vào năm 2023, gần 200 quốc gia tham dự cũng đã đồng ý với cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 từ ngành năng lượng vào năm 2050 và tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo, cụ thể là điện mặt trời và điện gió.
Trong điều kiện kinh tế thuận lợi và tiềm năng sản xuất dồi dào như hiện nay, IEA tự tin khẳng định mục tiêu tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo toàn cầu vào năm 2030 và cắt giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch là việc có thể nằm trong tầm tay. Đây là thông tin mới nhất nằm trong báo cáo của IEA tại Tuần lễ Khí hậu New York, diễn ra tại thành phố New York, Mỹ vừa qua.
Báo cáo cũng không quên nhấn mạnh, nếu mục tiêu tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo vào cuối thập kỷ này trở thành hiện thực, thế giới sẽ giảm được 10 tỷ tấn khí thải nhà kính so với dự kiến. Nếu vậy, con đường đến với mục tiêu Net Zero - Phát thải ròng bằng 0 năm 2050 cũng sẽ xán lạn và rõ nét hơn.
Cần tháo gỡ các nút thắt để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh
Triển khai lưới điện rộng rãi
Ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành IEA cho biết, để quá trình chuyển đổi xanh trên toàn thế giới được diễn ra một cách nhanh chóng và an toàn, sự hợp tác quốc tế sâu đậm hơn là rất quan trọng và cần thiết. Trước tiên về vấn đề lưới điện, các quốc gia cần nhanh chóng cấp phép và triển khai nhiều lưới điện kết nối. Đến năm 2030, các quốc gia cần chung tay xây dựng và hiện đại hóa 25 triệu km lưới điện truyền tải, ước tính tăng gấp 15 lần so với hiện tại.
Xây dựng hệ thống pin lưu trữ năng lượng
Ngoài ra, để tận dụng tối đa lợi ích của việc tăng gấp 3 lần sản lượng năng lượng tái tạo, thế giới cũng cần có một hệ thống lưu trữ năng lượng đủ lớn để tránh tình trạng lãng phí điện năng sản xuất và bị phụ thuộc. Những nguồn năng lượng tái tạo dồi dào như mặt trời, gió có ưu điểm là vô tận nhưng lại bị phụ thuộc vào thời tiết. Vì thế, hệ thống pin lưu trữ năng lượng là rất cần thiết. Nếu triển khai thai thêm 25 triệu km lưới điện truyền tải vào năm 2030, thế giới sẽ cần tăng thêm 1.500 gigawatt công suất lưu trữ năng lượng, tương đương gấp 15 lần so với hiện tại.
Điện khí hóa nhanh hơn
Với ưu điểm không sản sinh ra khí carbon, ngày nay điện khí thường được áp dụng cho các hệ thống công nghiệp, giao thông và tiện ích. Có thể nói, điện khí hóa đã giúp giảm lượng khí thải carbon từ các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông một cách hiệu quả. Nếu quy trình chuyển đổi điện khí hóa được thúc đẩy nhanh hơn, thế giới cũng sẽ dần từ bỏ được thói quen sử dụng nhiên liệu hóa thạch để sản xuất năng lượng như nhiệt, điện…