Mục tiêu tăng trưởng 2021 bất khả thi vì bùng phát Covid-19?

Nhiều dự báo cho thấy Việt Nam khó có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đề ra ở mức 6,5%.

Thách thức tăng trưởng từ đợt dịch mới

Bước vào đầu năm 2021, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi mạnh mẽ. Tuy nhiên, những đợt dịch mới với những diễn biến khá phức tạp, nhất là đợi dịch thứ tư từ cuối tháng 4 đến nay đã gây ra những khó khăn, thách thức lớn.

Dù đà tăng trưởng vẫn hiện hữu kể từ đầu năm, các chuyên gia từ Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng năm 2021 ở mức 6,5% là thách thức rất lớn.

Tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021: Cải cách để phục hồi tăng trưởng bền vững” mới đây, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM, đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố.

Các yếu tố này bao gồm khả năng kiểm soát dịch, tiến độ giải ngân đầu tư công, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ kinh tế số - chuyển đổi số, khả năng tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mới.

Rủi ro với tăng trưởng đến từ diễn biến dịch phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, từ đó dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng. Do vậy, CIEM lưu ý khả năng kiểm soát dịch bệnh sẽ tiếp tục là nhân tố ảnh hưởng mạnh mẽ tới tốc độ tăng trưởng.

Trên cơ sở phân tích, ông Dương dự báo Việt Nam sẽ dịch chuyển theo hai kịch bản tăng trưởng.

Thứ nhất, giả định Việt Nam có thể kiểm soát dịch Covid-19 vào tháng 10/2021, tạo điều kiện nối lại hoạt động sản xuất – kinh tế ở mức bình thường. Theo đó, tăng trưởng kinh tế cả năm có thể đạt 5,9% với lạm phát bình quân đạt 2,6%.

Thứ hai, giữ nguyên hầu hết các giả thiết như trong kịch bản đầu nhưng ở diễn biến khả quan hơn, dịch bệnh có thể được khống chế sớm trong tháng 8. Cùng với đó, dự báo tốc độ tăng GDP của thế giới, tín dụng và giải ngân đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước ở mức cao.

Điều này sẽ giúp tăng trưởng kinh tế cả năm có thể đạt 6,2% và lạm phát bình quân ở mức 2,8%.

Có thể thấy dù ở kịch bản nào, mức tăng trưởng dự báo của Việt Nam vẫn thấp hơn mục tiêu của Chính phủ đề ra là 6,5%. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có khả năng vượt mức 6% mà Quốc hội đưa ra.

Rủi ro với tăng trưởng đến từ diễn biến dịch phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, từ đó dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng.

Rủi ro với tăng trưởng đến từ diễn biến dịch phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại, từ đó dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng, xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng.

Không chỉ có CIEM, nhiều tổ chức, chuyên gia khác cũng cho thấy ít lạc quan hơn về tăng trưởng của Việt Nam dưới tác động của đợt Covid-19 mới nhất.

Trong cập nhật kinh tế Việt Nam mới nhất, HSBC đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 0,5%, từ 6,6% xuống chỉ còn 6,1% với mức lạm phát được nhận định ở ngưỡng 2,8%. Số ca nhiễm liên tục tăng nhanh thời gian gần đây dự kiến sẽ khiến kinh tế chững lại ít nhất tới quý III.

Tại tọa đàm kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán cuối tháng trước, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, nhận định: “Năm nay, đạt được mức tăng trưởng kinh tế 6,5% là cực kỳ khó”.

Ông Lực cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng GDP theo kịch bản cơ sở với mức 6,1 – 6,3%.

Các dự báo gần nhất này thấp hơn mức của World Bank, ADB hay IMF đưa ra hồi tháng 4 – thời điểm trước đợt dịch bùng phát ở khu vực phía Nam.

Để hoàn thành mục tiêu cả năm, tính toán cho thấy tăng trưởng 6 tháng cuối năm phải trên ngưỡng 7% - một con số rất áp lực trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp và nguồn cung vắc xin còn hạn chế, theo đánh giá của JLL hồi đầu tháng này.

Tìm kiếm giải pháp hữu hiệu

Ngân hàng thế giới trong cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam hồi giữa tháng 6 nhấn mạnh trong thời gian tới, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của sản xuất công nghiệp và bán lẻ vì cả hai ngành này đều có thể tiếp tục bị ảnh hưởng bởi đợt bùng phát dịch Covid-19 mới nhất.

Cùng với đó, trong bối cảnh dư địa tài khóa được củng cố, Việt Nam có thể xem xét chuyển sang chính sách tài khóa thích ứng hơn bằng việc hỗ trợ cho các hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch, cũng như đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công để thúc đẩy nhu cầu trong nước.

Chương trình tiêm chủng đại trà đầy tham vọng và được đẩy nhanh có thể giúp Việt Nam phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Chương trình tiêm chủng đại trà đầy tham vọng và được đẩy nhanh có thể giúp Việt Nam phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Theo HSBC, ngoài nhiệm vụ kiểm soát dịch bệnh, một ưu tiên quan trọng khác Việt Nam cần thực hiện là tăng tốc mua vắc xin và triển khai tiêm phòng cho người dân. Việt Nam hiện vẫn đang đi sau các nước trong khu vực khi mới chỉ khoảng 3% dân số đã được tiêm ít nhất một mũi.

Phía cộng đồng doanh nghiệp cũng đồng tình rằng cách tiếp cận mới bằng vắc xin có thể giúp Việt Nam lặp lại những thành tựu trong tăng trưởng kinh tế.

Trong khảo sát mới nhất, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đánh giá tiêm chủng là hành động cần thiết nhằm khai thông thương mại và đầu tư quốc tế - yếu tố vốn rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Lãnh đạo các doanh nghiệp châu Âu đề xuất khai thác sức mạnh của khối doanh nghiệp tư nhân, cho phép các công ty tự bỏ ra chi phí để thực hiện tiêm chủng cho nhân viên. Điều này sẽ làm giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, đồng thời, giúp đẩy nhanh quá trình tiêm chủng của chính phủ.

Theo vị chủ tịch EuroCham Alain Cany, một chương trình tiêm chủng đại trà đầy tham vọng và được đẩy nhanh có thể giúp Việt Nam phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Chia sẻ đồng quan điểm, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Hà Nội (AmCham) nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhiều người được tiêm vắc xin hơn nữa. “Cho đến khi thêm nhiều người được nhận các mũi tiêm, sẽ còn xuất hiện thêm những đợt bùng phát và gián đoạn do vi rút gây ra”, Giám đốc điều hành AmCham Adam Sitkoff nhấn mạnh.

Kiều Mai

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/muc-tieu-tang-truong-2021-bat-kha-thi-vi-bung-phat-covid-19-1626428926804.htm