Mục tiêu tăng trưởng của các cường quốc dầu mỏ ở vùng Vịnh

Các quốc gia giàu dầu mỏ ở vùng Vịnh đang thực thi các chính sách nhằm tận dụng lợi thế từ giá dầu tăng cao để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Một số nền kinh tế lớn ở vùng Vịnh đang có những dấu hiệu tích cực và kỳ vọng về một sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm nay, góp phần phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Một cơ sở khai thác dầu mỏ của UAE. Ảnh Offshore Technology

Một cơ sở khai thác dầu mỏ của UAE. Ảnh Offshore Technology

Ngân hàng Trung ương của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) dự báo, tăng trưởng kinh tế của quốc gia này có thể đạt 4,2% trong năm nay nhờ giá dầu mỏ phục hồi mạnh. Ngân hàng này dự kiến, GDP của ngành dầu mỏ sẽ tăng 5% trong năm nay, so với mức sụt giảm 2% của năm 2021. Trong khi đó, mức tăng GDP thực của lĩnh vực phi dầu mỏ cũng sẽ đạt mức tương ứng 3,9%.

Kỳ vọng về mức tăng ổn định trong chi tiêu công, triển vọng tích cực của tăng trưởng tín dụng, thị trường việc làm cải thiện và môi trường kinh doanh tốt hơn sẽ đem lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế UAE. Nhìn chung, các chỉ số tài chính vững mạnh trong thời gian qua đã cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế quốc gia vùng Vịnh này. Nhà kinh tế Saad Maniar tại Công ty tư vấn và tài chính Crowe nhận định, giá dầu mỏ sẽ vẫn ở mức cao với hy vọng nhu cầu tăng lên trong năm nay, bất chấp Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đang cân nhắc tăng sản lượng, đồng thời lo ngại về sự lây lan của dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ. Trong bối cảnh đó, giá dầu cao hơn chắc chắn sẽ có lợi cho nền kinh tế UAE. Chuyên gia này cho rằng, tình hình kinh doanh ở UAE có vẻ rất tích cực vào lúc này và các dự báo của Phòng Thương mại Dubai là khả quan. Tuy nhiên, những động lực kinh tế chính, giao thông vận tải, du lịch, bất động sản và bán lẻ của UAE vẫn phụ thuộc vào những diễn biến của năm 2022.

Chuyên gia tài chính Shailesh Dash từ Dubai cũng chia sẻ quan điểm tương tự khi cho rằng kinh tế UAE có triển vọng sáng sủa trong thời gian tới. Giới phân tích đánh giá rất tích cực về nhịp độ tăng trưởng kinh tế của UAE trong năm 2022 nhờ động lực từ Triển lãm Dubai 2020, cũng như tăng trưởng ở mảng tài chính và du lịch so với các năm trước. Chính phủ UAE đã triển khai nhiều động thái tích cực trong 12 tháng qua, bao gồm các thay đổi về quy định đầu tư vào nền kinh tế. Hiệu ứng này sẽ giúp chuyển biến nền kinh tế UAE trong những năm tới cho dù rủi ro từ đại dịch vẫn còn.

Trong khi đó, Saudi Arabia dự kiến sẽ đạt thặng dư ngân sách trở lại trong năm 2022, đánh dấu mức thặng dư lần đầu tiên kể từ năm 2013. Thu ngân sách của nước này năm 2022 ước đạt 1.045 tỷ riyal (278,6 tỷ USD), trong khi chi ngân sách dự kiến khoảng 955 tỷ riyal (254,6 tỷ USD). Trong kịch bản này, Saudi Arabia có thể đạt thặng dư ngân sách 90 tỷ riyal (24 tỷ USD). Trong năm 2022, giới chức Saudi Arabia kỳ vọng mức thặng dư ngân sách có thể vượt mức 2,5% GDP và số dư này sẽ được sử dụng để tăng nguồn dự trữ chính phủ nhằm ứng phó dịch Covid-19, củng cố vị thế tài chính của Saudi Arabia, sẵn sàng đối mặt các cú sốc và khủng hoảng toàn cầu. Chính phủ Saudi Arabia cũng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7,4% năm 2022 nhờ giá dầu mỏ tăng, bên cạnh đóng góp của các lĩnh vực kinh tế phi dầu mỏ được cải thiện. Ngoài ra, việc triển khai các sáng kiến và chương trình thúc đẩy tăng trưởng và đa dạng hóa nền kinh tế sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả. Ước tính, Quỹ đầu tư công Saudi Arabia (PIF) đã đầu tư 84 tỷ riyal (22,3 tỷ USD) vào thị trường nội địa trong năm 2021 và có kế hoạch chi thêm 150 tỷ riyal năm 2022.

Thái tử Saudi Arabia cho rằng, dự báo ngân sách nói trên là thành quả mà nước này đạt được sau những cải cách kinh tế và tài khóa, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và duy trì ổn định tài chính, hướng tới một xã hội năng động và thịnh vượng. Thâm hụt ngân sách của Saudi Arabia cũng dự kiến sẽ giảm mạnh từ mức 11,2% GDP năm 2020 xuống chỉ còn khoảng 2,7% GDP trong năm nay.

Thanh Lâm

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thegioi/muc-tieu-tang-truong-cua-cac-cuong-quoc-dau-mo-o-vung-vinh-682748/