Mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025: 'Đã đặt ra thì phải quyết tâm làm'
Các ý kiến đều cho rằng, với đà tăng trưởng sẵn có của năm 2024, kinh tế Việt Nam có rất nhiều cơ hội tăng trưởng và tiếp tục bứt phá trong năm 2025. Do đó, mục tiêu 7 - 7,5%, thậm chí là 8% là hoàn toàn khả thi.
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đây là năm kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Năm 2025 cũng là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Trong bối cảnh đó, toàn hệ thống chính trị đã xác định năm 2025 là năm “tăng tốc, bứt phá”.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã đặt nhiều kỳ vọng vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội trong năm 2025.
Đâu sẽ là động lực tăng trưởng năm 2025?
Ông Nguyễn Bá Hùng, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng: Việt Nam có một số động lực tăng trưởng “truyền thống” đó là tiêu dùng trong nước, vốn đầu tư nước ngoài (FDI), xuất nhập khẩu và chi tiêu Chính phủ. Nhìn nhận kết quả từ năm 2024, ông Hùng cho biết: Năm 2024, FDI tiếp tục là điểm sáng của Việt Nam. Do đó, trong năm 2025, FDI có thể vẫn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, đối với xuất nhập khẩu vẫn cần phải theo dõi thêm. Bởi, hiện nay xu hướng chung của thị trường thế giới đang hạ nhiệt, có thể triển vọng tăng trưởng xuất nhập khẩu của năm 2025 sẽ không đạt được kỳ vọng.
Đã đặt ra thì phải quyết tâm làm
Ngày 12/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết số 158/2024/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Theo Nghị quyết 158, Quốc hội tiếp tục đề ra 15 chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội, một trong số đó là đạt tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5 - 7% và phấn đấu khoảng 7 - 7,5%.
Trong khi đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Năm 2025 sẽ phấn đấu tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%.
Hầu hết, các ý kiến đều cho rằng, với đà tăng trưởng sẵn có của năm 2024, kinh tế Việt Nam có rất nhiều cơ hội tăng trưởng và tiếp tục bứt phá trong năm 2025. Do đó, mục tiêu tăng trưởng GDP 7 - 7,5% trong năm 2025 được Quốc hội đề ra là hoàn toàn khả thi, thậm chí mốc 8% vẫn có thể đạt được.
Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, việc Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt hơn, mạnh dạn đặt mục tiêu 8% năm 2025 là có cơ sở.
Bởi lẽ, sự tiếp nối đà tăng trưởng từ năm 2024 có thể dẫn thêm vào năm 2025, năm cuối cùng của kế hoạch năm 2021- 2025. Đồng thời, trong năm 2025 có nhiều nhân tố mới với các thay đổi mang tính căn cơ, đặc biệt là thay đổi về thể chế đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 với nhiều luật được thông qua.
“Sự thay đổi lớn trong các luật này là tư duy đột phá, tháo gỡ khó khăn, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tư tưởng lớn của các luật là tháo gỡ những điểm nghẽn, những vướng mắc”, ông Phương cho biết.
Các luật này sẽ có hiệu lực ngay từ đầu năm 2025, điểm rơi có thể kích thích tăng trưởng thông qua giải phóng nguồn lực lâu nay bị ách tắc đóng góp phần lớn cho tăng trưởng từ năm 2025.
Theo Thứ trưởng, với quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phấn đấu mức tăng 8%. Đây cũng là bước để chuẩn bị sẵn sàng như Tổng Bí thư đã nêu: Chúng ta sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
“Hướng tới mục tiêu năm 2045 dài hạn hơn là nước phát triển có mức thu nhập cao. Để đạt được mục tiêu dài hạn như vậy, chúng ta phải bắt đầu ngay từ bây giờ. Chúng ta không bàn đến vấn đề quá sức hay không quá sức mà đã đặt ra thì phải quyết tâm làm”, ông Phương nói.
Tư duy mới, cách làm mới
Đồng tình với quan điểm này, TS Nguyễn Tú Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Năm 2025 là năm cuối cùng của chặng đường tăng trưởng kinh tế 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025.
“Năm cuối thường là năm tăng tốc, bứt phá. Vì vậy, Việt Nam đang thể hiện sự quyết tâm rất lớn trong việc hoàn thành các mục tiêu đã đề ra”, TS. Nguyễn Tú Anh nói.
Một trong những thay đổi lớn đó là thông điệp rất rõ từ những lãnh đạo cao nhất của Đảng, Chính phủ Việt Nam. Theo TS Nguyễn Tú Anh, từ trước tới nay, Việt Nam luôn đặt mục tiêu tăng trưởng nhanh, bền vững và đặt mục tiêu ổn định lên trước tăng trưởng. Tuy nhiên, trong năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu “nhanh để ổn định”, chứ không phải “ổn định rồi mới nhanh”. Điều này cho thấy, Việt Nam chấp nhận các rủi ro cao hơn để đạt mức tăng trưởng kỳ vọng.
“Trước đây, Việt Nam đặt mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%/năm, nhưng bây giờ đã điều chỉnh khoảng 4,5%/năm. Tương tự, trong việc kiểm soát thâm hụt ngân sách, trước đây Việt Nam đặt mục tiêu đâu đó khoảng 3%/năm, nhưng nay đã đặt thâm hụt ngân sách cao hơn 3,7%/năm, thậm chí trong giai đoạn 2025 - 2030 có thể còn cao hơn nữa. Như vậy, Việt Nam đang chấp nhận các rủi ro mới, chấp nhận thâm hụt ngân sách để tạo ra sức bật cho nền kinh tế”, ông Tú Anh nói.
Mặc dù vậy, để tiếp tục đà bứt phá trong năm 2025, Việt Nam vẫn phải đối mặt với những thách thức lớn từ thế giới và đến từ chính nội tại của nền kinh tế.
TS Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng ban Ban Phân tích và Dự báo kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Việt Nam là nước có nền kinh tế hội nhập sâu rộng với toàn cầu. Vì vậy, mỗi khi thế giới “biến động” đều ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam.
Theo dự báo của TS Nguyễn Hữu Thọ, tình hình thế giới năm 2025 có thể tiếp tục bất ổn, khó lường, thậm chí có phần phức tạp hơn, dẫn đến việc giao thương kinh tế với các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam có thể bị gián đoạn. Thế nhưng, với những kinh nghiệm ứng phó trước đó, nhất là sau đại dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ “vượt bão” thành công.
“Năm 2025 chúng tôi cho rằng địa chính trị trên thế giới có sự bất ổn, nhiều diễn biến khó lường tuy nhiên tăng trưởng kinh tế toàn cầu được đánh giá sẽ khởi sắc hơn nhờ phục hồi của tăng trưởng thương mại và kiểm soát lạm phát tốt hơn”, TS Nguyễn Hữu Thọ nói.
Về nội tại của nền kinh tế, TS Nguyễn Hữu Thọ nêu một thực trạng đáng lưu ý, đó là việc các “đầu tàu” kinh tế có xu hướng tăng trưởng chậm lại.
Đơn cử, TP HCM, tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước năm 2023 thấp hơn 2,5% so với năm 2015. Tương tự, Bà Rịa - Vũng Tàu có tỷ lệ đóng góp vào GDP cả nước năm 2023 thấp hơn 2,2% so với năm 2015. Do đó, TS Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, để năm 2025 có kết quả tốt, cần những tiến bộ vượt bậc.
Kiến nghị một số giải pháp cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025, TS Nguyễn Hữu Thọ cho rằng, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế theo hai hướng với trọng tâm là cắt bỏ những điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không cần thiết.
Bên cạnh đó là định vị lại mục tiêu đến năm 2030 - 2040 để hoàn thiện thể chế một cách tốt nhất, hạn chế việc phải sửa đổi nhiều lần. Ngoài ra, cần có thêm các chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.
“Tăng cường tháo gỡ các rào cản khi xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành luật đã ban hành trong năm 2023 và 2024, với tinh thần tăng cường chọn bỏ các điều kiện, thủ tục kinh doanh để theo sát, theo đúng tín hiệu thị trường, vai trò của thị trường”, ông Thọ nhấn mạnh.