Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt 6 vấn đề 'nóng'
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn và thiếu nước sinh hoạt là 6 vấn đề 'nóng' ở vùng ĐBSCL.
Chiều 3/1, Hội đồng vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tổ chức hội nghị lần thứ 5 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Chủ tịch Hội đồng.
Tăng trưởng GRDP năm 2024 vùng ĐBSCL đạt 7,31%
Báo cáo tình hình phát triển của vùng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2024 của vùng ĐBSCL đạt 7,31%, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (khoảng 7%), đứng thứ 4/6 các vùng kinh tế.
Một số địa phương có mức tăng trưởng khá, như Kiên Giang (7,5%), Long An (8,3%), Hậu Giang (8,76%), điển hình là Trà Vinh tăng trưởng 10,04%.
Nhiều dự án, công trình trọng điểm trong vùng được triển khai, xây dựng, tạo thuận lợi cho kết nối nội vùng, liên vùng, các tuyến đường trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ, như tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc An Hữu - Cao Lãnh.
Tuy nhiên, kinh tế - xã hội vùng còn nhiều khó khăn hạn chế. Kinh tế của vùng tuy tăng trưởng khá, nhưng quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, chỉ chiếm khoảng 12% tỉ trọng của cả nước; 12/13 địa phương trong vùng chưa tự cân đối thu chi ngân sách, mô hình tăng trưởng chưa thực sự bền vững.
Hiện tượng biến đổi khí hậu đang tác động sâu sắc đến đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân: Sụt lún, sạt lở, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn và thiếu nước sinh hoạt là 6 vấn đề "nóng" ở ĐBSCL.
"Trong đó, 3 yếu tố đang tác động mạnh tới ĐBSCL là phát triển ở thượng nguồn sông Mekong góp phần làm gia tăng xâm nhập mặn, gia tăng xói lở bờ biển, thiếu nước ngọt; biến đổi khí hậu - nước biển dâng gây ra tình trạng ngập úng và làm gia tăng xâm nhập mặn; lún sụt, hạ thấp lòng dẫn làm gia tăng xâm nhập mặn, tăng ngập và khó tiêu thoát nước", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Hội đồng điều phối vùng đã phát huy vai trò là đầu mối điều phối các hoạt động liên kết vùng, giải quyết các vấn đề chung của vùng.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về 3 vấn đề nổi lên, đang là thách thức lớn đối với vùng ĐBSCL, đó là giao thông; xâm nhập mặn, sạt lở; thiếu nước ngọt.
Các địa phương trong vùng cũng bàn về các giải pháp tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 để đóng góp cho tăng trưởng của cả nước.
Hoàn thành 600 km cao tốc tại ĐBSCL vào năm 2025
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhất trí với đánh giá, vùng ĐBSCL đã có sự phát triển rõ rệt, có thể lượng hóa được, có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cơ sở hạ tầng từng bước được đầu tư đồng bộ hơn, đảm bảo phục vụ tốt hơn cho các hoạt động kinh tế - xã hội.
Nhìn nhận về tình hình hoạt động của Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL, Phó Thủ tướng cho rằng, từ khi thành lập (năm 2020) đến nay, Hội đồng đã đi đúng hướng trong việc khắc phục những ách tắc, khó khăn và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Có 13/13 địa phương trong vùng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh; 5/13 địa phương đã được phê duyệt kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh.
Các địa phương trong vùng đã chủ động thực hiện liên kết, kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong vùng, như ký Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Tp.HCM và các tỉnh vùng ĐBSCL đến năm 2025 trong nhiều lĩnh vực. Nhiều dự án trọng điểm trong vùng đang được tích cực triển khai và khẩn trương hoàn thành.
"Chúng ta phấn đấu hoàn thành 600 km cao tốc tại ĐBSCL vào năm 2025", Phó Thủ tướng cho biết.
Bên cạnh các kết quả tích cực, theo Phó Thủ tướng, vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, thách thức.
Đó là tăng trưởng một số địa phương trong vùng còn chậm; sự gắn kết giữa nhà nông với nhà doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ; chưa khai thác tối ưu các chuỗi liên kết trong nông nghiệp; sản xuất quy mô còn nhỏ. Kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng về giao thông còn thiếu tính kết nối. Cải cách thủ tục hành chính còn chậm. Biến đổi khí hậu đang tác động sâu sắc đến an ninh nguồn nước, sạt lở tại vùng.
Nguồn tài nguyên cho vật liệu xây dựng còn khó khăn trong bối cảnh ngày càng có nhiều dự án đầu tư xây dựng quy mô lớn. Giải ngân ở một số dự án còn chậm.
"Đối với hoạt động của Hội đồng điều phối vùng, "chúng ta đề ra tương đối nhiều nhiệm vụ, dự án, nhưng khi điểm lại, lượng hóa lại thì thấy rằng, một số nhiệm vụ được giao cho năm 2023, 2024 còn chậm", Phó Thủ tướng nói.
Cần có giải pháp khả thi, quyết tâm cao
Định hướng phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Phó Thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh bối cảnh vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với hiện tượng biến đổi khí hậu đang tác động sâu sắc đến an ninh nguồn nước tại vùng.
Năm 2025, bên cạnh triển khai các công tác theo chức năng, nhiệm vụ và kế hoạch đề ra, chúng ta phải tập trung thực hiện đồng thời 3 nhiệm vụ, đó là tập trung phấn đấu tăng trưởng cao; tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; sắp xếp tổ chức bộ máy.
Trước bối cảnh này, Phó Thủ tướng đề nghị "các đồng chí ý thức rõ để có nhiệm vụ, giải pháp khả thi và đặc biệt là có quyết tâm cao để thực hiện".
Với những nhiệm vụ, các đề án của Hội đồng vùng chưa được hoàn thành thì phải cố gắng tổ chức thực hiện, đẩy nhanh tiến độ. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp tại các quy hoạch đã được phê duyệt (Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng ĐBSCL, Quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, Quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi và Quy hoạch tỉnh).
Bộ NN&PTNT phát triển trung tâm đầu mối tổng hợp tại Cần Thơ; xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu chủ lực, tập trung đảm bảo phục vụ lâu dài, bền vững cho các cơ sở chế biến nông nghiệp - thủy sản.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất cơ chế hợp tác vùng trong đảm bảo an ninh nguồn nước. Bộ Công Thương tăng cường liên kết vùng trong phát triển thương mại, nhất là xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp chủ lực của vùng ĐBSCL.