Mục tiêu tăng trưởng hai con số và thách thức nhìn từ thực tiễn

Theo TS Vũ Thành Tự Anh, mục tiêu tăng trưởng hai con số trong nhiệm kỳ tới là rất thách thức, bởi thực tiễn cho thấy chỉ có các quốc gia phát triển theo mô hình Đông Bắc Á là đã thực hiện được, còn theo mô hình Đông Nam Á thì chưa.

Không lâu sau khi nhận nhiệm vụ, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Bộ Chính trị với nhiều nhân sự chủ chốt mới kiện toàn đã xác định Việt Nam cần chủ động tiến vào kỷ nguyên mới– kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Các mục tiêu tăng trưởng cũng được điều chỉnh, trong đó xác định năm 2025 này phải lên mức 8%, và nhiệm kỳ năm năm của Đại hội XIV, 2026-2030 phấn đấu tăng trưởng bình quân 2 con số.

Vậy giải pháp để thực hiện mục tiêu này là gì? Hôm nay (7-5), Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia, tập hợp những nhà kinh tế, chuyên gia hàng đầu để mổ xẻ, phân tích.

 TS Vũ Thành Tự Anh với tham luận đầu tiên tại hội thảo khoa học quốc gia về giải pháp đột phá tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới, do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 7-5-2025.

TS Vũ Thành Tự Anh với tham luận đầu tiên tại hội thảo khoa học quốc gia về giải pháp đột phá tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới, do Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức ngày 7-5-2025.

Việt Nam và hai mô hình tăng trưởng Đông Bắc Á, Đông Nam Á

Tham luận đầu tiên được chọn để trình bày và gây nhiều chú ý là của TS Vũ Thành Tự Anh, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright. Ông nói vo với nhiều bảng biểu, sơ đồ so sánh Việt Nam với các nước thuộc hai khu vực liền kề, Đông Bắc Á và Đông Nam Á.

Đầu tiên là so sánh quỹ đạo tăng trưởng của các quốc gia trong khu vực kể từ khi từng nước đạt ngưỡng thu nhập bình quân đầu người 1.000 USD, với Hàn Quốc, Malaysia là đạt sớm nhất, cùng năm 1977, tiếp theo là Thailand (1987), Indonesia (1995), Trung Quốc (2000), Việt Nam (2008).

Quỹ đạo tăng trưởng cho thấy Hàn Quốc, Trung Quốc thuộc khu vực Đông Bắc Á tiếp tục giữ được tốc độ cao. Còn Thailand, Indonesia, Malaysia thuộc khu vực Đông Nam Á tăng trưởng chậm hơn. Việt Nam trong 15 năm sau khi đạt ngưỡng thu nhập 1.000 USD thì quỹ đạo tăng trưởng nhỉnh hơn chút, nằm giữa con đường Đông Bắc Á và Đông Nam Á.

Ở thời điểm này, khi đạt thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.000 USD, Việt Nam tiếp tục khẳng định khát vọng trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045. Vậy quỹ đạo tăng trưởng những năm tiếp theo thế nào?

TS Vũ Thành Tự Anh đưa ra ba kịch bản tăng trưởng. Đơn giản, nhẹ nhàng nhất là tiếp tục tăng trưởng trung bình trên 6% như những năm qua, thì đến 2045 thu nhập đầu người chỉ khoảng hơn 15.000 USD.

Kịch bản cao hơn là tăng trưởng bình quân mỗi năm 7%, thì đến năm 2025, thu nhập đầu người khoảng 19.300 USD, gần chạm ngưỡng dưới của thu nhập cao.

Cả hai kịch bản này, tới năm 2045, Việt Nam sẽ lớn mạnh hơn một số nước Đông Nam Á, nhưng vẫn thua các nước Đông Bắc Á.

Còn nếu tăng trưởng bình quân được 10% thì đến dịp 100 năm của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thu nhập đầu người sẽ lên tới 33.000USD, bước vào nhóm nước phát triển Đông Bắc Á.

 Ba kịch bản tăng trưởng của Việt Nam đến 2045 trong tương quan quỹ đạo tăng trưởng hai nhóm nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á.

Ba kịch bản tăng trưởng của Việt Nam đến 2045 trong tương quan quỹ đạo tăng trưởng hai nhóm nước Đông Bắc Á và Đông Nam Á.

Tăng trưởng liên tục 7% đã rất thách thức

Nhưng nếu tạm bỏ qua mục tiêu nhiều thách thức để trở lại khiêm tốn với kịch bản tăng trưởng 7%/năm thì theo ông Vũ Thành Tự Anh, thách thức về tăng năng suất các nhân tố tổng hợp TFP là rất lớn.

Theo kịch bản này, giai đoạn 2019-2030, tốc độ tăng TFP phải cỡ 4%. “Đạt được mức này đã là kỳ tích trong thời đại mới. Cũng có nghĩa thách thức về tăng trưởng năng suất là vô cùng lớn nếu đặt mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm 10%” – chuyên gia từ trường Fulbright nói.

Tại sao bài toán tăng trưởng năng suất lại thách thức như vậy? Đó là vì Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số. Cách đây 20 năm, tăng trưởng lực lượng lao động của nước ta là 2% thì giờ chỉ còn 0,5%, và mấy năm nữa sẽ tăng trưởng âm. Già hóa dân số như vậy chỉ có thể được bù đắp bởi tăng trưởng năng suất. “Điều này là thách thức số một của Việt Nam” – ông Tự Anh phân tích.

Ở khía cạnh khác, theo chuyên gia, muốn tăng trưởng dài hạn và bền vững, Việt Nam phải chuyển hóa được cơ cấu của nền kinh tế.

Nhìn lại lịch sử từ năm 1960 đến nay, tăng trưởng hai con số là không hề hiếm ở khu vực Đông Bắc Á nhưng lại rất hiếm với các nước Đông Nam Á. Nhưng đấy là tăng trưởng cao ở một vài năm cụ thể. Còn để tăng trưởng 10%/năm một cách liên tục thì trong khu vực là gần như chưa có tiền lệ. Đó là bởi quy luật một nền kinh tế khi đạt mức thu nhập càng cao thì tốc độ tăng trưởng càng chậm lại.

“Nhìn vào lịch sử tăng trưởng của các nước ở thời điểm có cùng mức thu nhập bình quân đầu người với Việt Nam hiện nay, khoảng 4.000 USD, thì chỉ có Singapore và Hàn Quốc là tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế 10%”.

Ông Vũ Thành Tự Anh nêu dẫn chứng và nhấn mạnh: “Tất cả cho thấy mục tiêu chúng ta đặt ra là cực kỳ tham vọng, mà nếu không có những thay đổi khác biệt một cách cơ bản so với những gì đang làm hiện nay, thì Việt Nam sẽ chỉ tiếp tục chìm đắm trong mô hình Đông Nam Á chứ chưa thể như Đông Bắc Á”.

 Kết quả chuyển hóa cơ cấu của sáu nền kinh tế Đông Bắc Á, Đông Nam Á.

Kết quả chuyển hóa cơ cấu của sáu nền kinh tế Đông Bắc Á, Đông Nam Á.

Ba trụ cột nền tảng của Việt Nam nhìn từ kinh nghiệm khu vực

Phân tích giai đoạn tăng trưởng mạnh của các nền kinh tế trong khu vực, vị chuyên gia cho biết hai nền kinh tế thành công nhất hiện nay là Hàn Quốc và Đài Loan, ở giai đoạn 1960-1980 đều chuyển hóa mạnh mẽ cơ cấu nền kinh tế.

Cụ thể, hai nền kinh tế này đều đạt kết quả rất cao và cao ở các nội dung công nghiệp hóa, đô thị hóa, đa dạng hóa, chất lượng thể chế, năng lực chính phủ, vốn con người, nâng cấp chuỗi giá trị, ổn định vĩ mô, quản lý tài chính cẩn trọng, môi trường thuận lợi.

Trung Quốc ở giai đoạn 1980-2000 cũng chuyển hóa rất tốt, dù chỉ đạt mức trung bình ở bốn tiêu chí chất lượng thể chế, ổn định vĩ mô, quản lý tài chính cẩn trọng.

Còn Malaysia ở giai đoạn thăng hoa những năm 1970-1990 và Thái Lan 1980-1990 thì có tới 6 tiêu chí chỉ đạt trung bình. Indonesia, giai đoạn bùng nổ 1970-1990, tất cả các tiêu chí đều ở mức trung bình và thấp.

Với Việt Nam thì thế nào? Để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng thách thức cho giai đoạn 2026-2030 tới, TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng cần chú ý tới ba trụ cột nền tảng của chuyển hóa cơ cấu, gồm kinh tế thị trường, Nhà nước kiến tạo và thể chế dung hợp.

Trong ba trụ cột này, trụ cột kinh tế thị trường thì ở diễn biến chính trị mới nhất, Bộ Chính trị đã đưa kinh tế tư nhân vào vị trí “một động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng nhất”.

“Đồng nghiệp quốc tế của tôi có thắc mắc là đã quan trọng nhất thì tại sao vẫn chỉ là một. Phải chăng còn các động lực quan trọng khác? Nhưng tôi cho rằng ở trụ cột kinh tế thị trường, khu vực tư nhân phải là động lực tăng trưởng chính. Cùng với đó, Chính phủ cần có chính sách công nghiệp theo lợi thế so sánh, và nền kinh tế tận dụng triệt để được lợi thế của người đi sau” – ông Tự Anh nói.

Chính sách công nghiệp của Việt Nam phải chú ý tới hoàn cảnh khác biệt hoàn toàn so với Hàn Quốc, Đài Loan trước đây. Đó là hoàn cảnh của hội nhập, của toàn cầu hóa, và nhất là khi ngay sát đã có một Trung Quốc cực kỳ mạnh.

 Ba trụ cột chuyển hóa cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam hướng tới mục tiêu 2030, 2045.

Ba trụ cột chuyển hóa cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam hướng tới mục tiêu 2030, 2045.

Nhà nước kiến tạo - giải pháp cho Việt Nam

Còn với trụ cột Nhà nước kiến tạo, cụm từ được Tổng Bí thư Tô Lâm dùng trong những bài viết gần đây và nay xuất hiện trong Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng cần xác định vai trò trung tâm của bộ máy công vụ.

“Kinh nghiệm của các quốc gia thành công là đội cũ công chức phải là những người kinh bang tế thế, những người tự hào vì được đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Đây là điều Nhật Bản làm được, Hàn Quốc, Đài Loan đã làm được. Trung Quốc ở chừng mực cao hơn Việt Nam rất nhiều đã làm được, còn chúng ta đến thời điểm này thì chưa”, ông nói.

Cụ thể, muốn thực hiện mục tiêu tăng trưởng thách thức hai con số giai đoạn tới, Nhà nước cần trở thành trụ cột kiến tạo phát triển chứ không phải cản trở. Nhà nước ấy phải có năng lực chính sách, năng lực hành chính ở mức cao. Phải trọng dụng nhân tài, vận hành bộ máy hành chính chuyên nghiệp, kèm theo trách nhiệm giải trình với cấp trên và xã hội.

Còn nếu không xây dựng được một bộ máy nhà nước như vậy thì dù Đảng có đưa ra các mục tiêu rất tham vọng, bộ máy thực thi vẫn là “nút thắt của nút thắt”.

Phân tích sâu trụ cột Nhà nước kiến tạo, TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng năng lực nhà nước hiện tại đã có được tính chính danh về mặt chính trị và cam kết cấp cao đối với sứ mệnh phát triển. Điều đó thể hiện trong hàng loạt nghị quyết của Đảng qua nhiều thời kỳ và nhất là các nghị quyết, bài viết trong gần một năm qua, từ sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm nhận trọng trách.

Nhưng năng lực chính sách, gồm sự nhất quán trong thiết kế chính sách, sự phối hợp giữa các công cụ và tính linh hoạt trong thực hiện thì vẫn còn nhiều hạn chế. Năng lực hành chính gồm bộ máy hành chính chuyên nghiệp, có sự chủ động và cơ chế điều chỉnh linh hoạt thì vẫn đang là thách thức rất lớn.

“Quan sát các diễn biến gần đây thì có vẻ như chúng ta đang phải đối mặt với tình trạng bất cân xứng, giữa một bên là nhiệm vụ, mục tiêu đề ra quá lớn còn bên kia là năng lực của bộ máy, nhất là trong bối cảnh thế giới và trong nước đang diễn ra những chuyển động mạnh mẽ” – TS Vũ Thành Tự Anh lo lắng.

Tiếp tục phân tích về năng lực của nhà nước, vị chuyên gia của trường Fulbright lấy ví dụ Hàn Quốc, Đài Loan đã tăng cường năng lực nhà nước trước, để đến khi thu nhập bình quân đầu người lên 8.000-10.000 USD thì mở rộng sự tham gia của người dân. Quá trình này diễn ra ở khoảng những năm 1990, để đưa nền kinh tế tới thịnh vượng, trong nền dân chủ, hiện đại.

Nhưng Malaysia, Thái Lan thì năng lực nhà nước đã kìm hãm sự phát triển. Đến nay chưa thấy tín hiệu nào là sẽ trở thành một quốc gia thịnh vượng, hiện đại.

Một số khuyến nghị

Từ kinh nghiệm quốc tế và “trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam” – cụm từ được dùng đến trong hai nghị quyết mới nhất của Bộ Chính trị - TS Vũ Thành Tự Anh đưa ra một số khuyến nghị.

Đầu tiên là tăng cường năng lực nhà nước để có thể điều phối và quản lý hiệu quả hơn trong một nền kinh tế đang ngày càng phức tạp, không chỉ từ bên ngoài mà cả bên trong.

Cần xây dựng được tinh thần kiến tạo trong khu vực công, sao cho mỗi công chức đều tự hào vì được dấn thân nhưng liêm chính. Dấn thân nhưng không bị chi phối bởi các lợi ích, dụ dỗ từ bên ngoài. Dấn thân nhưng không bị thao túng. “Đây là chìa khóa của Hàn Quốc, của Đài Loan để có thể phát triển cao, bền vững” – ông Tự Anh nhấn mạnh.

Tiếp theo là phải xây dựng được năng lực quản trị thích ứng. Cùng với đó phát huy được nội lực, trong đó kinh tế tư nhân phải được xem như động lực tăng trưởng chính, động lực tăng trưởng chủ chốt.

Với những cải cách mạnh mẽ từ trên xuống đang diễn ra mấy tháng qua, cần chú ý đến khả năng tương thích giữa năng lực bộ máy và thể chế với tốc độ và phạm vi cải cách. “Nếu duy ý chí mà đẩy cải cách lên quá nhanh, quá xa so với năng lực bộ máy, năng lực thể chế thì rất có thể sẽ xảy ra va chạm, rạn nứt” – chuyên gia kinh tế và quản trị công của trường Fulbright lưu ý.

Đồng thời với xác lập mục tiêu tăng trưởng cao, muốn đi thật nhanh thì điều quan trọng không chỉ là chân ga mà phải có một bộ phanh thật tốt. Có vậy mới quản lý được rủi ro địa kinh tế, địa chính trị quốc tế cũng như rủi ro vĩ mô trong nước.

Cuối cùng, tăng trưởng hay phát triển thì mục đích cuối cùng cũng phải phục vụ Nhân dân. Vì vậy cần duy trì cân bằng một cách tinh tế giữa quyền lực của nhà nước với tự do, dân chủ và tính năng động của xã hội.

 Tóm tắt khuyến nghị của TS Vũ Thành Tự Anh.

Tóm tắt khuyến nghị của TS Vũ Thành Tự Anh.

Nghĩa Nhân

Nguồn PLO: https://plo.vn/muc-tieu-tang-truong-hai-con-so-va-thach-thuc-nhin-tu-thuc-tien-post848477.html