Mục tiêu ưu tiên

Các đại diện gần 60 nước và các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) vừa tham dự cuộc thảo luận mở của Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA), với chủ đề 'Bảo đảm sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và hiệu quả của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình do LHQ dẫn dắt'. Nhiều nước, nhiều tổ chức khẳng định ưu tiên và nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới, không để phụ nữ bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển, nhất là giai đoạn phục hồi sau đại dịch.

Các đại diện gần 60 nước và các cơ quan Liên hợp quốc (LHQ) vừa tham dự cuộc thảo luận mở của Hội đồng Bảo an LHQ (HĐBA), với chủ đề "Bảo đảm sự tham gia đầy đủ, bình đẳng và hiệu quả của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình do LHQ dẫn dắt". Nhiều nước, nhiều tổ chức khẳng định ưu tiên và nỗ lực thúc đẩy bình đẳng giới, không để phụ nữ bị bỏ lại phía sau trong tiến trình phát triển, nhất là giai đoạn phục hồi sau đại dịch.

Tại phiên thảo luận của HĐBA, được tổ chức đúng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị và xây dựng hòa bình, bà R.Đi-các-lô nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc xóa bỏ rào cản, thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình. LHQ đã có nhiều nỗ lực thực hiện mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới, thông qua lồng ghép vấn đề này trong hệ thống LHQ. Bà R.Đi-các-lô dẫn chứng, phái bộ của LHQ tại các nước đã hỗ trợ các cuộc thảo luận, tham vấn với sự tham gia của đông đảo phụ nữ và đại diện các tổ chức xã hội liên quan các thỏa thuận an ninh và hòa bình tại Áp-ga-ni-xtan, Y-ê-men, I-rắc, hay Xy-ri... Các đặc phái viên của Tổng Thư ký LHQ sử dụng các cơ chế nhằm bảo đảm những mục tiêu ưu tiên liên quan phụ nữ được lồng ghép trong các cuộc thảo luận.

Cuộc thảo luận của HĐBA được tổ chức trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng và khó lường tới mọi mặt, mọi đối tượng và trên phạm vi toàn cầu. Đại dịch tạo thêm những rào cản mới, khiến tình trạng bất bình đẳng về kinh tế - xã hội thêm nghiêm trọng, tác động trực tiếp tới phụ nữ. Tại hội nghị trực tuyến do Nghị viện châu Âu (EP) tổ chức ngày 8-3, các nhà lãnh đạo nữ đã cảnh báo về những thiệt thòi của phụ nữ trên khắp thế giới trong bối cảnh đại dịch hoành hành. Giám đốc khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê thuộc Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), bà M.Vê-da chỉ rõ, cuộc khủng hoảng do Covid-19 làm lộ rõ tình trạng bất bình đẳng, trong đó phụ nữ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nhất. Phó Tổng thống Mỹ C.Ha-rít cảnh báo, dịch Covid-19 đang đe dọa sức khỏe và ổn định tài chính của phụ nữ khắp nơi; chiếm tới 70% số nhân viên y tế trên toàn cầu, phụ nữ còn chịu rủi ro cao về nguy cơ lây bệnh. Thủ tướng Niu Di-lân G.A-đơn cũng nhấn mạnh, phụ nữ đang ở tuyến đầu chống dịch và phải chống chọi mối đe dọa với sức khỏe hằng ngày. Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) U.Lây-en kêu gọi xóa mọi trở ngại trên con đường hướng tới bình đẳng giới...

Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) T.Ghê-brây-ê-xút nhắc lại thực tế dịch Covid-19 đã đảo ngược những tiến bộ về bình đẳng giới trên toàn cầu. Tình trạng bạo lực với phụ nữ gia tăng, trong khi khả năng tiếp cận của phụ nữ với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe lại giảm; tỷ lệ phụ nữ mất việc làm cao hơn nam giới và mức lương trung bình lại thấp hơn, trong khi phụ nữ còn chịu thêm gánh nặng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho gia đình và xã hội. WHO ước tính, tới 70% số ca mắc Covid-19 trong đội ngũ nhân viên y tế là phụ nữ. WHO đã phát động sáng kiến nhằm tăng tỷ lệ nữ lãnh đạo trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, thúc đẩy bình đẳng thu nhập và bảo đảm điều kiện làm việc an toàn cho nữ nhân viên y tế.

LHQ đánh giá, phụ nữ đóng góp hiệu quả cho các nỗ lực nhằm đẩy lùi đại dịch, với các nhiệm vụ và vị trí khác nhau, từ nhân viên y tế, chăm sóc người cao tuổi, tới nhà hoạt động cộng đồng và xã hội. Đặc biệt, các nữ lãnh đạo chính phủ ở nhiều nước được hoan nghênh đã quyết đoán và hiệu quả trong nỗ lực ứng phó đại dịch. Tuy chiếm số đông trong lực lượng ở tuyến đầu chống đại dịch, song phụ nữ chưa được đặt ở vị trí tương xứng trong các chính sách hỗ trợ liên quan Covid-19. Thế giới đã bước vào giai đoạn mới, vừa chống Covid-19 vừa khôi phục kinh tế sau đại dịch, trong đó nguy cơ phụ nữ bị bỏ lại phía sau cần được loại bỏ, trên phạm vi toàn cầu.

Chủ đề Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 năm nay được LHQ lựa chọn là "Phụ nữ ở vị trí lãnh đạo: Hiện thực hóa một tương lai bình đẳng trong thế giới Covid-19". Xây dựng tương lai bình đẳng, bền vững là trách nhiệm toàn cầu.

LONG QUÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/muc-tieu-uu-tien-637946/