Mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD của Dệt may Việt Nam đang gặp khó
Tình trạng khan hiếm đơn hàng khá phổ biến, không chỉ diễn ra ở những doanh nghiệp nhỏ mà còn tập trung vào những doanh nghiệp lớn.
Tại buổi họp báo thông tin về tình hình ngành dệt may 6 tháng đầu năm 2019 diễn ra ngày 19/7, Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết, 6 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may ước đạt 17,97 tỷ USD, tăng 8,61% so với cùng kỳ năm 2018.
Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 7,22 tỷ USD, tăng 12,84% so với cùng kỳ, tiếp đó là các nước trong khối CPTPP đạt 2,57 tỷ USD; EU đạt 2,05 tỷ USD; Hàn Quốc đạt 1,37 tỷ USD.
Tuy vậy, thực tế hiện nay, ngành dệt may Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với không ít khó khăn do khan hiếm đơn hàng.
Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, tình hình đơn hàng của các doanh nghiệp tại thời điểm này không được khả quan so với năm 2018. Nhiều doanh nghiệp mới chỉ có đơn hàng đến hết quý 3 và lượng đơn hàng mới chỉ bằng 70% so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt, việc tiêu thụ sợi và phụ liệu gặp nhiều khó khăn.
Tình trạng khan hiếm đơn hàng khá phổ biến, không chỉ diễn ra ở những doanh nghiệp nhỏ mà còn tập trung vào những doanh nghiệp lớn như: Việt Tiến, May Nhà Bè, May 10…
Ông Cẩm quan ngại, với tình hình như hiện nay thì mục tiêu xuất khẩu 40 tỷ USD trong năm nay sẽ rất khó để đạt được.
Do đó, từ nay đến cuối năm, các doanh nghiệp sẽ phải cố gắng rất nhiều mới có thể đạt mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, cần tìm kiếm các đơn hàng đảm bảo sản xuất liên tục từ nay đến cuối năm. Cùng với đó, tích cực đầu tư công nghệ để sản xuất ra các sản phẩm may mặc có chất lượng cao, mẫu mã đẹp, đáp ứng được thị hiếu của khách hàng.
“Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, giảm thủ tục thuế, hải quan, kiểm tra chuyên ngành… phù hợp với thực tế, sức chịu đựng của doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh”, ông Trương Văn Cẩm cho hay./.