Mức trợ cấp hưu trí sẽ không thấp hơn 500.000 đồng/tháng

Theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, dự kiến sẽ có thêm khoảng 1,2 triệu người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Mức trợ cấp được tính toán sẽ không thấp hơn 500.000 đồng/tháng…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thông tin được ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), cho biết tại họp báo công tác lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm 2024, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, sáng 30/7.

THÊM 1,2 TRIỆU NGƯỜI ĐƯỢC HƯỞNG TRỢ CẤP HƯU TRÍ

Theo ông Nguyễn Duy Cường, một trong những điểm mới đáng chú ý tại Luật Bảo hiểm xã hội 2024 là đã bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng.

Trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định của Luật mới là loại hình bảo hiểm xã hội do ngân sách Nhà nước bảo đảm, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Trong đó giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống 75 tuổi (hiện hành là 80 tuổi).

Riêng đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Theo Luật mới, mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng do Chính phủ quy định, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, và khả năng của ngân sách Nhà nước từng thời kỳ. Định kỳ 3 năm, Chính phủ thực hiện rà soát, xem xét việc điều chỉnh mức trợ cấp hưu trí xã hội.

Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, huy động các nguồn lực xã hội, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Trường hợp đối tượng được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội đồng thời thuộc đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, thì được hưởng chế độ trợ cấp cao hơn.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan (giữa) chủ trì họp báo. Ảnh: Tống Giáp.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan (giữa) chủ trì họp báo. Ảnh: Tống Giáp.

“Với quy định sửa đổi lần này, khi Luật mới có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025, chúng tôi dự kiến có thêm khoảng 1,2 triệu người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng”, ông Cường cho biết.

Về mức trợ cấp hưu trí xã hội hằng tháng, ông Cường thông tin hiện chưa ấn định nên chưa thể cung cấp. Bởi khi xây dựng quy định này vẫn cần tuân thủ quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trải qua quá trình lấy ý kiến rộng rãi các Bộ, ngành, đơn vị…

“Mức trợ cấp hưu trí xã hội còn phụ thuộc vào khả năng của ngân sách Nhà nước. Nhưng chắc chắn sẽ không thấp hơn mức trợ cấp xã hội hằng thăng, hiện là 500.000 đồng/tháng”, ông Cường nhấn mạnh.

BAN HÀNH 11 NGHỊ ĐỊNH THỰC HIỆN LUẬT BẢO HIỂM XÃ HỘI 2024

Cùng với chính sách trợ cấp hưu trí xã hội, Luật mới còn bổ sung quy định nhằm gia tăng sự liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội, và bảo hiểm xã hội cơ bản. Đó là, bổ sung chế độ trợ cấp hằng tháng đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu, và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Theo đó, công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng không đủ thời gian đóng để hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng), và chưa tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi), nếu không hưởng bảo hiểm xã hội một lần, và không bảo lưu mà có yêu cầu, thì được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng của mình.

Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng, thì họ được ngân sách Nhà nước đóng bảo hiểm y tế.

Về mức trợ cấp cho các đối tượng đến tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu như trên, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội Nguyễn Duy Cường cho hay trong luật giao Chính phủ quy định mức trợ cấp này.

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, thông tin về Luật Bảo hiểm xã hội 2024. Ảnh: Tống Giáp.

Ông Nguyễn Duy Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội, thông tin về Luật Bảo hiểm xã hội 2024. Ảnh: Tống Giáp.

Ông Cường cho biết theo quyết định Thủ tướng Chính phủ đã phân công, thời gian để Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Chính phủ nghị định về nội dung này là tháng 3/2025.

“Hiện chúng tôi đang bắt tay vào việc trình Bộ để thành lập ban soạn thảo nghị định, nhằm quy định cụ thể nội dung này”, ông Cường thông tin.

Bên cạnh đó, hiện trong Luật mới cũng không quy định thời gian tối thiểu về số năm đóng bảo hiểm xã hội được hưởng trợ cấp hằng tháng. Lí do là khi tính mức trợ cấp hằng tháng, nếu người lao động có thời gian đóng càng dài thì mức hưởng càng cao.

Vì vậy, luật định hướng là không khống chế thời gian, “đóng bao nhiêu cũng được”, và có yêu cầu thì được nhận trợ cấp hằng tháng.

Về việc triển khai thực hiện Luật Bảo hiểm xã hội mới khi có hiệu lực, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội thông tin thêm, theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành hôm 27/7, để quy định chi tiết Luật này, Chính phủ sẽ ban hành 11 Nghị định.

Trong đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ chủ trì xây dựng 7 Nghị định, Bộ Tài chính 3 Nghị định và Bộ Quốc phòng 1 Nghị định. Cùng với đó, các Bộ, ngành sẽ ban hành 3 thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện luật.

Cụ thể, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ ban hành 2 thông tư, và Bộ Y tế ban hành 1 thông tư. “Các Nghị định, thông tư hướng dẫn được Thủ tướng giao các đơn vị xây dựng đều yêu cầu đảm bảo được ban hành và có hiệu lực đồng thời với hiệu lực thi hành của Luật Bảo hiểm xã hội 2024, tức ngày 1/7/2025”, Phó Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội Nguyễn Duy Cường thông tin.

Ngày 29/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.

Luật BHXH số 41/2024/QH15 gồm 11 chương, 141 điều (tăng 2 chương và 16 điều so với Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành). Với mục tiêu đặt ra khi xây dựng luật là: (i) Bảo đảm an sinh xã hội theo quy định của Hiến pháp; thể chế hóa quan điểm, đường lối, nội dung cải cách trong Nghị quyết số 28-NQ/TW và các văn kiện, nghị quyết có liên quan; (ii) Sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; (iii) Mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội.

Thu Hằng

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/muc-tro-cap-huu-tri-se-khong-thap-hon-500-000-dong-thang.htm