Mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng nhà giáo được quy định như thế nào?

Bạn đọc Phạm Hữu Dương ở phường An Bình A, TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp hỏi: Đề nghị tòa soạn cho biết, mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng nhà giáo được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 24, Nghị định số 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, phạt tiền đối với hành vi sử dụng nhà giáo không đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo các mức phạt sau:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với vi phạm ở cơ sở giáo dục (CSGD) mầm non, CSGD phổ thông, CSGD thường xuyên;

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với vi phạm ở trường trung cấp, trường cao đẳng có đào tạo nhóm ngành giáo viên;

- Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với vi phạm ở CSGD đại học; viện hàn lâm, viện được phép đào tạo trình độ tiến sĩ.

Mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng nhà giáo được quy định tại Điều 24, Nghị định số 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Ảnh minh họa: TTXVN.

Mức xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về sử dụng nhà giáo được quy định tại Điều 24, Nghị định số 04/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Ảnh minh họa: TTXVN.

Thứ hai, phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nhà giáo không đúng quy định về trình độ chuyên môn hoặc trình độ ngoại ngữ trong giảng dạy chương trình giáo dục, chương trình đào tạo liên kết với nước ngoài hoặc giảng dạy chương trình tại CSGD có vốn đầu tư nước ngoài; trong thực hiện liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ của nước ngoài.

*Bạn đọc Hà Thị Phương Quỳnh ở xã Diên Phước, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa hỏi: Pháp luật quy định như thế nào về việc xét tuyển và bố trí việc làm đối với người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 12, Nghị định số 141/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Cụ thể như sau:

- Hằng năm, các CSGD gửi danh sách, bàn giao hồ sơ và bằng tốt nghiệp của người học theo chế độ cử tuyển đã tốt nghiệp cho UBND cấp tỉnh.

- UBND cấp tỉnh căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, vị trí việc làm, số lượng người làm việc và số biên chế công chức được giao đối với vị trí việc làm là cán bộ, công chức; căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, số lượng người làm việc được giao, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập đối với vị trí việc làm là viên chức và căn cứ vào hồ sơ người học theo chế độ cử tuyển đã tốt nghiệp để xây dựng kế hoạch xét tuyển vào công chức, viên chức đối với người học theo chế độ cử tuyển.

- UBND cấp tỉnh chỉ đạo việc tổ chức xét tuyển và bố trí việc làm đối với người học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức; tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức hoặc gửi hồ sơ tới các đơn vị, tổ chức khác có nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đào tạo chuyên môn phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm.

- Thời gian người học theo chế độ cử tuyển chờ xét tuyển và bố trí việc làm tối đa là 12 tháng, kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ để xét tuyển.

QĐND

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/muc-xu-phat-hanh-chinh-doi-voi-hanh-vi-vi-pham-quy-dinh-ve-su-dung-nha-giao-duoc-quy-dinh-nhu-the-nao-680530