Mức xử phạt người nổi tiếng phát ngôn lệch chuẩn trên mạng không đủ sức răn đe

Ông Lê Quang Tự Do cho rằng, mức xử phạt hành chính đối với hành vi phát ngôn lệch chuẩn trên không gian mạng không đủ sức răn đe với người nổi tiếng, nghệ sĩ...

Chiều 6/3, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, thông tin về mức xử phạt nghệ sĩ, KOLs (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) có phát ngôn lệch chuẩn.

Ông Lê Quang Tự Do cho biết, pháp luật quy định mức xử phạt cho các hành vi phát ngôn lệch chuẩn trên không gian mạng từ 5 - 10 triệu đồng, các Sở Thông tin và Truyền thông chọn mức ở giữa 7,5 triệu đồng.

"Đối với một bộ phận lớn người dân khi bị xử phạt 7,5 triệu/lần sẽ có tác động lớn. Tuy nhiên đối với một số người, mức xử phạt này đúng là không đủ sức răn đe. Đơn cử như người nổi tiếng, nghệ sỹ, KOLs, thậm chí là những người kinh doanh thu lời trên mạng xã hội, trang thương mại điện tử… dùng những chiêu trò tung tin giả để câu like, câu view để bán được nhiều hàng hóa hơn", ông Do đánh giá.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử.

Ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử.

Tuy nhiên, ông Lê Quang Tự Do nêu rõ, cơ quan quản lý đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, đối với những nhóm này không có một mức xử phạt nào chung để đủ sức răn đe. Ông dẫn ví dụ một số nghệ sĩ nhận hợp đồng quảng cáo hàng tỷ đồng thì xử phạt cả trăm triệu đối với họ cũng không đủ sức răn đe.

"Như vụ án của bà Nguyễn Phương Hằng, mức xử phạt hành chính như vậy không đủ sức răn đe, có thể cao hơn nữa cũng không đủ sức răn đe vì lúc đó suy nghĩ, nhận thức của những người bị xử phạt đã qua chiều hướng khác", Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử nói.

Ông Lê Quang Tự Do thông tin, hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đang làm đồng thời hai việc để khắc phục tình trạng này.

Thứ nhất, theo ông Do, Bộ đã trình Chính phủ Nghị định thay thế Nghị định 72, bổ sung loạt quy định đối với các hoạt động trên mạng xã hội, không gian mạng, trong đó có các hoạt động liên quan đến phát ngôn.

"Khi Nghị định 72 mới được ban hành dự kiến theo lịch trình của Chính phủ là giữa năm 2024, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ ban hành các quy định tăng mức xử phạt và các hình phạt bổ sung đối với những hành vi vi phạm trên không gian mạng để tăng sự răn đe lên", ông Do nói.

Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh ở đây là "tăng sự răn đe", còn đủ hay không thì trong một số trường hợp dù có tăng đến mức nào vẫn không đủ.

"Những trường hợp có nhận thức khác về pháp luật thì phải có những hình thức xử lý cao hơn hành chính, ví dụ như hình sự", Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử nói.

Việc thứ hai, theo ông Do, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm nhưng chưa thành hiện thực là phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để triển khai thêm giải pháp hạn chế hình ảnh trên sóng truyền hình, không gian mạng, sân khấu biểu diễn.

Ông Do lý giải việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chưa ban hành văn bản liên quan đến vấn đề này là do chờ chỉ thị của cơ quan có thẩm quyền về quy chế phối hợp giữa 2 Bộ.

"Đây là vấn đề mới, nhạy cảm nên sau khi cân nhắc thấy rằng có văn bản chỉ thị của cơ quan có thẩm quyền thì các đơn vị sẽ có quyền hạn ban hành quy chế phối hợp", ông Do nói thêm.

Anh Văn

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/muc-xu-phat-nguoi-noi-tieng-phat-ngon-lech-chuan-tren-mang-khong-du-suc-ran-de-ar857233.html