Mùi khói
Căn bếp nhỏ rộn ràng, vui vẻ. Hình như bếp cũng lây sự chộn rộn, háo hức của lòng người, củi cháy bừng lên, nổ lép bép vui tai, khói quyện cùng ánh nắng xiên ngang bức vách ảo mờ, lấp lánh.
Buổi sáng, trời sương giá buốt. Từng cơn gió nối nhau tìm về, ập vào người khiến tôi run lên vì lạnh. Tôi mở cửa bước ra ngoài, co ro trong chiếc áo ấm màu hồng nhạt. Một mùi thơm ấm quen thuộc bay tới. Nhà ai đang đốt lá khô, khói bàng bạc cả một khoảng trời.
Cảnh tượng trước mắt làm thức dậy trong tôi ký ức về một thời xa ngái khi tôi còn là một con bé chập chững tuổi lên 5, lớn lên giữa cánh đồng thơm mùi khói đốt rơm rạ, thường quanh quẩn quanh chân mẹ cha và chị gái nơi góc bếp ấm sực, hít no nê mùi khói của củi cà phê cháy rừng rực mỗi độ đông về. Tôi đã mặc định với chính mình mùi khói là mùi của tuổi thơ tôi.
Những ngày giáp Tết năm ấy cũng cóng lạnh như sáng nay. Tôi nằm trên chiếc giường đơn, cạnh đó là xô than đỏ suốt ngày đêm đượm mùi bồ kết. Tôi và cha vừa ở viện về sau 15 ngày đằng đẵng. Tôi đã thoát chết trong gang tấc, lưỡi hái của thần chết đã sượt qua, để lại cho tôi một vết thương chí mạng, đó là vết mổ dài nơi giữa bụng mà đến tận bây giờ vẫn còn vết sẹo rõ mồn một, không hề phai mờ theo thời gian.
Tôi trở về nhà từ cửa tử khi chỉ còn tầm vài tuần nữa là tới Tết. Bao nhiêu tiền dành dụm suốt một năm đã theo những ngày nằm viện mà đi, chẳng còn lại mấy đồng. Mẹ tôi mới sinh em út được hơn một tháng, chị gái và em trai kế của tôi vẫn còn quá nhỏ, mọi lo toan lại đổ lên đôi vai của cha.
Bếp nhà tôi những ngày ấy vẫn đỏ lửa ba lần một ngày nhưng sao tôi thấy hiu hắt lạ. Bóng mẹ hắt lên tường một vệt đen dài bất động, thăm thẳm, mênh mang. Khói tỏa ra từ bếp đang rực lửa, làm cay mắt mẹ nên mắt mẹ đỏ hoe, ầng ậc; khói vấn vít trong ngôi nhà gỗ hai gian, mấy tấm ván đã bắt đầu cong vênh, mối mọt; khói bay trắng mờ trên mái ngói thâm nâu. Vết thương của tôi vẫn còn đau nên tôi không dám đi đâu, chỉ quanh quẩn trong nhà và nhón những bước chân khe khẽ, bé út nhìn tôi với đôi mắt trong veo và khuôn miệng khẽ hé nụ cười.
Tôi nhớ, mình chẳng mấy khi trông thấy chị gái và cha vào những ngày đó. Mưa và lạnh trùm hết cả đất trời, căn nhà cô đơn giữa bốn bề đồng ruộng, lắm khi tôi thấy ngôi nhà như đang run lên theo từng đợt gió. Mấy mẹ con cứ đỏ lửa suốt, bữa cơm đạm bạc dọn lên, mẹ giục tôi ăn nhiều để vết thương nhanh lành nhưng tôi đau nên chỉ ăn được mỗi bữa được một chút, lòng cứ nôn nao đợi Tết về. Trí óc non nớt của tôi khi ấy không biết hết được nỗi lo lắng, tủi hờn của mẹ của cha.
Ngày Ông Táo lên trời, những nhà xung quanh đã rộn ràng mua sắm, nấu những bữa ăn thịnh soạn, mùi thơm theo gió bay tới tận chỗ tôi nằm khiến tôi càng sốt ruột: Mẹ ơi! Bao giờ nhà mình mới sắm Tết? Mẹ im lặng quay đi, chỉ đôi vai gầy run lên trong ngày rét buốt. Bếp nhà tôi vẫn chưa có thêm một chút gì để cảm nhận được không khí của mùa xuân. Chị gái và cha vẫn đi từ sáng sớm và chỉ trở về khi ngọn đèn dầu đã được thắp lên chiếu sáng cả gian nhà thứ ánh sáng vàng vàng, mờ đục.
Sáng ngày 28 Tết, trời chợt hửng nắng hanh hao. Tôi háo hức bước ra sân sau một giấc ngủ say, không một lần thức giấc trong đêm. Mắt tôi sáng lên khi trông thấy nơi góc sân khóm vạn thọ đã nở hoa, nhìn ra cánh đồng, lúa đã lên xanh, màu xanh non tơ dập dềnh từng đợt sóng vì gió thổi.
Nơi cửa bếp mẹ tôi và chị gái đang lau từng chiếc lá dong xanh biếc, bên cạnh là cha đang tỉ mẩn chuốt từng sợi lạt từ những thanh lồ ô có lẽ vừa được mua từ chợ về. Nơi góc sân sát thành giếng là nếp và đậu xanh đang được ngâm để sẵn sàng cho việc gói bánh chưng sắp tới. Thấy thế, tôi mừng rỡ reo lên: A, Tết về, Tết đã về rồi! Mọi người nhìn tôi, ai cũng cười những nụ cười hiền hậu, vui tươi. Thì ra, không chỉ có tôi thích Tết và mong Tết.
Tôi lúc ấy thấy mọi thứ thật kỳ diệu bởi ngày hôm trước, bữa ăn vẫn chỉ là bát canh tập tàng và mấy lát cá khô nguội ngắt, sao hôm nay lại có nếp, có đậu, có lá dong, lại còn có một chiếc rổ trong ấy đựng một miếng thịt lợn tươi màu roi rói?
Tôi hỏi mẹ và mẹ lúc ấy mới nói với tôi rằng: Cha đã đi bổ củi thuê liên tục không nghỉ ngày nào từ lúc con ra viện, chị gái con cũng đi hái đậu thuê cho người ta để phụ vào thì năm nay nhà mình mới có tiền ăn tết đó con. Thảo nào mà mọi người vắng nhà suốt thế. Tôi nhìn vào góc nơi cha vẫn thường để chiếc búa của cha ở đó, thấy nó đã mòn vẹt đi quá nửa.
Sau này khôn lớn, nghĩ lại những ngày ấy, lòng tôi thắt lại, mắt rưng rưng thấy hiện rõ mồn một hình ảnh cha tôi ngày ngày đi bổ củi, lưng cúi gập bổ hết nhát này tới nhát khác, trời lạnh cóng nhưng mồ hôi vẫn chảy ròng ròng không kịp vuốt, chảy cả vào mắt cay xè, chảy cả vào miệng mặn đắng.
Tôi lại thấy chị tôi, nhỏ xíu giữa khu vườn rộng, lúi húi hái từng quả đậu màu đen, gió thổi bay mớ tóc dài, gió luồn qua lớp quần áo mỏng manh, tay hái không ngừng mà chân phải cố bấm xuống đất để giữ cho mình không run lên bần bật vì lạnh. Cái tết vui vầy đã được đổi bằng bao khó nhọc của người thân, chị ơi, cha ơi!... Nhưng lúc ấy tôi chỉ mới là cô bé năm tuổi nên chẳng nghĩ gì nhiều chỉ mau chóng phụ mọi người đưa bát đũa, xoong nồi ra giếng rửa sạch, phơi phóng để chuẩn bị cả nhà đón tết cùng nhau.
Hôm đó, căn bếp nhỏ rộn ràng, vui vẻ. Hình như bếp cũng lây sự chộn rộn, háo hức của lòng người, củi cháy bừng lên, nổ lép bép vui tai, khói quyện cùng ánh nắng xiên ngang bức vách ảo mờ, lấp lánh.
Cha gói những chiếc bánh chưng vuông vắn, xếp cẩn thận vào chiếc nồi lớn rồi đặt lên bếp, đun bằng những thanh củi to, chắc nịch. Mấy chị em ngồi canh, tiếng nói cười vang lên không ngớt trong căn bếp ám màu khói, lửa to ấm sực cả ngôi nhà. Những chiếc bánh chưng năm ấy trong nhân thiếu miếng thịt ba chỉ béo thơm nhưng cả nhà vẫn ăn thật ngon lành vì cùng với mấy món ăn đơn giản khác, nó mang đầy đủ vị của tết, vị của tình thân!
Tết của những năm sau này, cuộc sống đỡ khó khăn hơn, nỗi lo dần ít đi, chị em chúng tôi khôn lớn, trưởng thành, vắng nhà quanh năm chỉ đợi tết về để tụ họp. Về nhìn lên mái tóc mẹ cha thấy bàng bạc màu khói thân thương, bước vào gian bếp nhỏ vẫn còn cái kiềng sắt đặt trên đó chiếc ấm nhôm đen màu nhọ nồi, vẫn một mùi khói ấm sực nức mũi, vẫn là những đứa trẻ chọn bếp để quây quần, nấu nồi bánh chưng mẹ tỉ mẩn chuẩn bị từng thứ, cha cặm cụi gói vuông thành sắc cạnh đợi đàn con trở về, bắc từng ấm nước chè xanh đậm đà để bậc sinh thành nhâm nhi mỗi sáng, nghe gió reo trên chậu mai vàng rực trước hiên nhà, nghe thời gian trôi mải miết và ngoảnh đầu ngoái vọng những ngày xưa…
Bếp xưa của mẹ
Tôi sinh ra ở miền quê nghèo Vĩnh Bảo - Hải Phòng, tuổi thơ tôi là những cánh đồng lúa thơm ngát cùng khói bếp lam chiều...
Nguyễn Thị Hiên
Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn//van-hoa/mui-khoi-c26a45140.html