Mũi tiêm giúp giới trẻ Trung Quốc 'ở không cũng giảm được cân'

Ozempic, thuốc điều trị tiểu đường, cháy hàng ở Trung Quốc vì nhiều người nổi tiếng và ngôi sao mạng chào mời nó như 'thần dược' để giảm cân, bất chấp lo ngại từ chuyên gia y tế.

 Nhiều cô gái Trung Quốc tìm mọi cách để giảm cân vì gầy gò là tiêu chuẩn sắc đẹp phổ biến: Ảnh minh họa: Choi So Ra.

Nhiều cô gái Trung Quốc tìm mọi cách để giảm cân vì gầy gò là tiêu chuẩn sắc đẹp phổ biến: Ảnh minh họa: Choi So Ra.

Cơn sốt sử dụng Ozempic để giảm cân đang lan rộng khắp Trung Quốc - nơi “mình hạc xương mai” là tiêu chuẩn sắc đẹp phổ biến, theo CNN.

Các ứng dụng mạng xã hội của Trung Quốc, như Douyin và Xiaohongshu, tràn ngập bài đăng khoe khoang về việc dễ dàng giảm từ 5 kg trở lên chỉ với vài mũi tiêm semaglutide, được bán dưới tên thương hiệu Ozempic, trong thời gian ngắn.

“Đây là loại thuốc thần kỳ. Không cần ăn kiêng, không cần tập thể dục, bạn có thể giảm cân ngay cả khi nằm yên” là lời quảng cáo phổ biến trên Xiaohongshu.

Ozempic chính thức được phê duyệt tại Trung Quốc vào tháng 4/2021 để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2. Tuy nhiên, người dùng có thể có thuốc từ bác sĩ cho mục đích sử dụng khác hoặc mua trên nền tảng thương mại điện tử như Taobao, JD với đơn thuốc của người khác.

Các chuyên gia y tế cảnh báo loại thuốc này có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Nhiều nghiên cứu cho thấy không ít người tăng cân trở lại ngay sau khi ngừng tiêm.

Sự phổ biến ngày càng tăng của Ozempic ở Trung Quốc khiến nhiều bệnh viện và hiệu thuốc cháy hàng kể từ cuối năm 2022, theo People's Daily Health. Điều đó gây ra vấn đề cho bệnh nhân tiểu đường phụ thuộc vào thuốc.

Tháng 5, một bác sĩ tại bệnh viện ở siêu đô thị Quảng Châu nói rằng cơ sở này hết thuốc Ozempic trong thời gian ngắn do nhu cầu giảm cân tăng cao. Kể từ đó, bệnh viện ngừng kê đơn cho những người không mắc bệnh tiểu đường.

 Áp lực phải gầy khiến nhiều cô gái ở Trung Quốc tìm đến cách cực đoan để giảm cân. Ảnh: SCMP.

Áp lực phải gầy khiến nhiều cô gái ở Trung Quốc tìm đến cách cực đoan để giảm cân. Ảnh: SCMP.

Sốt giá

Sự cường điệu trên mạng xã hội lớn đến mức Xiaohongshu phải tiến hành cuộc đàn áp vào tháng 2 và xóa hơn 5.000 bài đăng chia sẻ kinh nghiệm giảm cân với Ozempic.

Nền tảng này cáo buộc nhiều người dùng phóng đại hiệu quả giảm cân của thuốc và cảnh báo mọi người không nên mù quáng tin vào nội dung như vậy. Dòng nhắc nhở sẽ hiện lên khi người dùng tìm kiếm thuốc này là “Hãy đến các cơ sở y tế chính thức để điều trị”.

Tuy nhiên, tất cả không đủ để xoa dịu sự điên cuồng.

Người dân Trung Quốc, đặc biệt là phụ nữ, từ lâu đối mặt với áp lực phải tuân theo các tiêu chuẩn sắc đẹp tôn vinh vóc dáng siêu gầy.

Nhu cầu gia tăng dẫn đến giá cả tăng vọt. Chi phí cho một liều Ozempic 1,5 mg là 478 nhân dân tệ (67 USD) tại các bệnh viện công, theo danh sách hoàn trả thuốc quốc gia của Trung Quốc. Nhưng giá của cùng loại thuốc hiện cao hơn 36-151% trên trang mua sắm trực tuyến Taobao.

Theo nhà sản xuất, công ty dược phẩm Đan Mạch Novo Nordisk, Ozempic ghi nhận doanh thu 44 triệu USD tại Trung Quốc trong 9 tháng sau khi ra mắt vào tháng 4/2021. Năm tiếp theo, doanh số bán hàng ở đây tăng hơn 7 lần, đạt 316 triệu USD.

 Nhiều phụ nữ trẻ Trung Quốc thích khoe thân hình siêu mỏng trên mạng xã hội, càng nhấn mạnh tiêu chuẩn sắc đẹp độc hại. Ảnh: Deli, Qinggeiwotela.

Nhiều phụ nữ trẻ Trung Quốc thích khoe thân hình siêu mỏng trên mạng xã hội, càng nhấn mạnh tiêu chuẩn sắc đẹp độc hại. Ảnh: Deli, Qinggeiwotela.

Thị trường thuốc giảm cân ở Trung Quốc được dự đoán bùng nổ trong những năm tới. Báo cáo của chính phủ nước này từ cuối năm 2020 cho biết hơn 50% người trưởng thành ở Trung Quốc bị thừa cân (có chỉ số khối cơ thể BMI trên 24).

Tổng doanh số bán thuốc GLP-1, nhóm thuốc trị tiểu đường bao gồm semaglutide, có thể đạt mức cao nhất là 40 tỷ nhân dân tệ (5,6 tỷ USD) tại Trung Quốc, theo ước tính của công ty Tebon Securities có trụ sở tại Thượng Hải vào tháng 10/2022.

Điều đó sẽ thể hiện mức tăng hơn 600% so với quy mô thị trường hiện tại.

Các nhà sản xuất thuốc phương Tây và Trung Quốc đều muốn có một phần của thị trường đang phát triển.

Novo Nordisk nộp đơn lên cơ quan quản lý dược phẩm của Trung Quốc để mở rộng phạm vi sử dụng semaglutide, theo Cục Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia Trung Quốc. Trong khi đó, một số công ty Trung Quốc tăng tốc phát triển các phiên bản chung của semaglutide.

Bằng sáng chế của Novo Nordisk cho semaglutide ở Trung Quốc dự kiến hết hạn vào năm 2026. Đây là thời điểm sớm nhất mà thuốc do Trung Quốc sản xuất có thể được bán. Nhưng điều này đang bị thách thức.

Tháng 6/2021, Huadong Medicine, công ty dược phẩm có trụ sở tại Hàng Châu, nộp đơn lên Văn phòng Sở hữu Trí tuệ Trung Quốc để vô hiệu hóa bằng sáng chế semaglutide. Tháng 9/2022, cơ quan chức năng phán quyết tất cả bằng sáng chế cốt lõi cho Ozempic là không hợp lệ ở Trung Quốc.

Novo Nordisk kháng cáo quyết định này. Cuộc chiến pháp lý đang được tiến hành tại Tòa án Sở hữu Trí tuệ Bắc Kinh. Nếu quyết định được tòa án giữ nguyên, hàng loạt phiên bản chung của semaglutide của các nhà sản xuất trong nước có thể được tung ra thị trường.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/mui-tiem-giup-gioi-tre-trung-quoc-o-khong-cung-giam-duoc-can-post1438254.html