Mũi Trèo - điểm đến 'lạ' giữa vùng đất quen
Dịp tết, bạn có thể ghé thăm Quảng Trị - mảnh đất đầy chứng tích lịch sử và có những thắng cảnh be bé xinh xinh mà không kém phần độc đáo.
Một trong số những điểm đến thu hút du khách trẻ, các phượt thủ hiện nay là Mũi Trèo - tên một mũi đất nhô ra biển ở xã Vĩnh Kim, huyện Vĩnh Linh.
Nếu bạn đến làng hầm Vịnh Mốc, một ngôi làng được người dân Vĩnh Thạch đào nên trong lòng đất, bất ngờ khám phá ra dưới độ sâu vài chục mét có đủ căn hộ, nhà trẻ, hầm chiếu phim, cả kho chứa vũ khí để tiếp tế cho đảo Cồn Cỏ trong những năm chiến tranh; tra "Google Map", bạn sẽ thấy Mũi Trèo chỉ cách đó 4km.
Nằm nhô ra trên thềm biển Vĩnh Kim và bị bao phủ bởi cánh rừng rậm của Rú Bàu nên trước đây không ai nhận ra có vẻ đẹp vừa hoang sơ vừa lãng mạn của nó. Rồi đường sá chạy ngang qua, từ bãi biển nhìn lên, những phượt thủ ưa khám phá những nơi hoang vắng đã tìm cách chinh phục nó, tìm đường đưa chiếc môtô của mình ra dựng trên mũi đất mạo hiểm ấy để có một tấm ảnh chênh vênh giữa mênh mông trời xanh biển biếc.
Điều đặc biệt là Mũi Trèo không chỉ có mũi đất nhô ra biển, lơ lửng ở độ cao mấy chục mét đầy "khiêu khích" mà ở đây còn có một bãi biển đẹp mê hồn chạy dài hàng cây số ra tận xã Vĩnh Thái, nước xanh như ngọc và cát trắng mịn màng.
Quanh Mũi Trèo là bãi đá rộng gần 2.000m2 với nhiều hình thù lạ mắt, màu sắc biến ảo. Từ con đường ven biển đi ra Mũi Trèo, bạn phải đi xuyên qua một cánh rừng nguyên sinh.
Mũi Trèo đã tự phát trở thành một điểm đến lạ giữa vùng đất quen. Nhìn Mũi Trèo dễ liên tưởng tới những điểm đến cheo leo, gieo khát vọng cho các phượt thủ như chóp đá trên đỉnh Pha Luông (Thanh Hóa), tảng đá chồng ở Hoành Bồ (Quảng Ninh) hay mỏm đầu rùa ở Tà Xùa (Yên Bái)...
Trên con đường xuyên rừng ra Mũi Trèo, bạn cũng sẽ thấy hai bên đường có rất nhiều hố bom từ thời chiến tranh để lại. Đã nửa thế kỷ trôi qua, đa số hố bom đã bị lấp đi để gieo những mùa màng, thì trên con đường này, bạn sẽ được những hố bom gợi về quá khứ, hiểu thêm hơn giá của một ngày bình yên hôm nay. Bình yên tận hưởng mùa xuân, tận hưởng thiên nhiên, lịch sử để tha thiết yêu thương đất nước mình.