Mùng 1 kiêng ăn các món ăn sau và kiêng làm những điều sau
Những kiêng kị ngày mùng 1 được lưu truyền nhiều đời nay, tin hay không tin tùy quan niệm mỗi người. Tuy không có kiểm chứng khoa học, nhưng nhiều người vẫn tin theo và thực hành với niềm tin 'có kiêng có lành' để được an tâm về mặt tâm lý.
Theo quan niệm dân gian của người phương Đông với quan niệm "có kiêng có lành", có những điều nên và không nên làm ngày mùng 1 âm lịch để mong cầu cả tháng được may mắn, bình an, tránh được những điều xui rủi. Dưới đây là một số điều kiêng kỵ vào ngày mùng 1 nhưng chỉ để bạn tham khảo và chiêm nghiệm. Bởi cơ sở khoa học để thành công vẫn nằm ở sự nhận thức đúng đắn, cố gắng phát triển và kiến thức khoa học… của chính chúng ta.
Một số món ăn nên kiêng ăn ngày mùng 1
Theo phong thủy sư Tam Nguyên, để tránh vận đen vào ngày mùng 1 hàng tháng nên kiêng ăn thịt chó, vịt, mực, trứng vịt lộn, cá mè, sầu riêng và mắm tôm.
Lý giải chi tiết theo quan niệm dân gian thì kiêng ăn thịt chó vì nếu ăn thịt chó đầu tháng, cả tháng đó sẽ xui xẻo, không may mắn. Kiêng ăn thịt vịt vì người ta cho rằng, nếu ăn thịt vịt sẽ đen đủi (trong khi ăn thịt gà có ý nghĩa cát tường hơn). Kiêng ăn mực vì mực là loại thực phẩm có trong danh sách "đen" của cả ba miền Bắc, Trung, Nam, nguyên nhân của điều này xuất phát từ quan niệm "đen như mực" của ông cha ta từ nhiều năm trước. Kiêng ăn trứng vịt lộn vì nhiều người tin rằng nếu ăn thì cả tháng sẽ không được may mắn, mọi thứ đều xảy ra trái với ý mình. Kiêng ăn cá mè là do chữ "mè" đi theo với chữ "mè nheo", nếu ăn thì cả tháng sẽ bị đen đủi, hãm tài. Còn kiêng ăn mắm tôm vì ai cũng sợ gặp điều xui xẻo cả tháng, trong khi mắm tôm ăn thì ngon nhưng mùi lại gây khó chịu và ám mùi rất lâu.
Tuy nhiên, có nhiều người vẫn ăn các món ăn trên như thường vào ngày mùng 1 và vẫn thấy an vui, may mắn.
Những việc kiêng làm ngày mùng 1 âm lịch hàng tháng
Theo Phong thủy sư Tam Nguyên, có một số việc không nên làm vào ngày mùng 1 như sau:
Kiêng cắt tóc ngày mùng 1 hàng tháng: Thực tế một số người vẫn ngại cắt tóc vào sáng ngày mùng 1 âm lịch đầu tháng vì họ sợ tài lộc sẽ tiêu hao cả tháng đó. Người Việt cho rằng, tóc là bộ phận của con người nên không muốn cắt bỏ những gì thuộc về cơ thể trong ngày đầu tháng. Bởi cắt là mất, có thể gặp chuyện không suôn sẻ, hay đau ốm...
Vì thế, những người làm nghề cắt tóc có tâm linh thì vào những ngày đầu tháng tuy mở cửa hàng nhưng chỉ nhận gội đầu, làm đẹp, chứ không khuyến khích khách hàng cắt tóc trong cả tuần đầu tiên của tháng.
Mùng 1 kiêng kị vay mượn tiền, xuất tiền bạc: Trong dân gian ngày mùng 1 kiêng xuất tiền của (kiêng đi vay mượn, đi trả nợ...) vì sợ bị "rông" cả tháng - nhất là những người làm ăn, kinh doanh, buôn bán. Các việc như mua nhà, mua đất... cũng không nên làm vào những ngày này.
Kiêng kị kì kèo trả giá rồi không mua: Với những người làm ăn, kinh doanh, buôn bán ngày mùng 1 hàng tháng rất quan trọng. Họ thường thắp hương, khấn vái mong muốn gặp may mắn trong cả tháng. Họ đặc biệt chú ý, quan tâm đến người "mở hàng", và cho là rất may mắn nếu cả hai bên cởi mở, thuận mua vừa bán. Họ rất kiêng những người đã ngã giá định mua nhưng rồi lại không mua nữa. Người buôn bán quan niệm rằng nếu họ gặp những khách hàng như thế thì cả tháng họ sẽ gặp "rông". Để xua đuổi sự xúi quẩy này người bán hàng sẽ phải "đốt vía" người mua hàng vô duyên đó.
Mùng 1 kiêng kị gặp gái, gặp người vía dữ: Sáng mùng 1 (sau này một số người kiêng cả buổi sáng sớm hàng ngày) nếu có việc phải đi xa, đi buôn bán, đi làm ăn... người ta rất kị ra ngõ gặp đàn bà, con gái, hay người vía dữ, khó tính, keo kiệt. Để tránh gặp phải vía dữ, người ta sẽ hẹn với một người (có tính tình cởi mở, hay gặp may mắn) đứng đón ở ngõ khi người này đi ra thì người đón ngõ sẽ chào hỏi và chúc lên đường may mắn.
Ngày mùng 1 tránh đi thăm phụ nữ đẻ: Đầu tháng mà đi thăm gái đẻ sẽ bị "rông" bởi quan niệm "sinh dữ tử lành" của các cụ xưa ta xưa nay. Đặc biệt, cánh tài xế rất kiêng kị đi thăm gái đẻ, bởi quan niệm sẽ gặp nhiều vận hạn, xui rủi, làm ăn thất bát... Vì thế, thường nhiều người chờ cho đến khi bà đẻ sinh con được đầy tháng mới đến thăm thì sẽ không bị xui rủi.
Thực ra, dân gian kiêng đi thăm bà đẻ trong vòng 1 tháng đầu không hoàn toàn là do mê tín. Theo khoa học, trong vòng tháng đầu cả mẹ lẫn bé đều đang rất bấy bớt, mệt mỏi, cần ngủ nhiều, cần được yên tĩnh và sạch sẽ. Nếu người đến thăm nhiều, ồn ã, bụi bặm sẽ nhiễm vào mẹ và bé. Chẳng may khách bị cảm cúm, bệnh tật truyền nhiễm... sẽ càng nguy hiểm hơn cho mẹ và bé.
Mùng 1 kiêng làm đổ vỡ đồ dùng: Ông bà ta quan niệm đầu tháng mà đổ vỡ đồ dùng trong nhà như bát đĩa, ấm chén, gương là điều không tốt. Từ vỡ, bể là những từ tạo nên sự chia cắt, đứt lìa trong gia đình. Vì thế, trong ngày đầu tháng không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén, cãi nhau, chửi nhau, kiêng những điều không vui xảy ra với gia đình.
Mùng 1 kiêng không nói tới điều rủi ro: Nhiều người rất kiêng kị việc nói tới những điều rủi ro trong ngày đầu tháng, họ sợ rằng cả tháng cũng sẽ gặp phải rủi ro như lời đã nói.
Mùng 1 kiêng nói bậy, chửi tục: Nói bậy chửi tục phản ánh một phần nào đó văn hóa của mỗi người - là điều rất nhiều người kiêng kị để không xuất hiện trong những ngày đầu tháng. Nhiều người quan niệm nếu đầu tháng mà nói bậy chửi tục thì cả tháng sẽ gặp những chuyện thị phi.
Mùng 1, ngày rằm kiêng câu cá: Theo quan niệm tâm linh của người Việt, hành động câu cá vào những ngày này sẽ mang lại cho người đó vận hạn đen đủi. Cá hay được dùng để phóng sinh cầu phúc vào các ngày rằm, mùng 1. Vì vậy các cụ xưa kiêng kị ngày mùng 1 và ngày rằm thường không đi câu cá.
Mùng 1 đầu tháng nên làm gì và ăn gì?
Việc đầu tiên là nên thắp hương cầu may mắn như tín ngưỡng xưa nay. Đi chùa cầu may (nhưng tránh ăn tỏi khi đi chùa) và ăn những món ăn mang lại may mắn như: Dưa hấu, đu đủ, thanh long đỏ, quả sung và các món ăn chế biến từ đậu xanh.