Mùng 1 tết quê
Dù ai đi đâu, làm gì thì mỗi khi năm hết tết đến lại trở về sum họp dưới mái ấm gia đình, để được quây quần bên gia đình, cùng nhau ôn lại những câu chuyện trong năm, hướng tới một năm mới với những điều an lành. Mùng 1 tết quê bình lặng nhưng ấm áp, sum vầy.
Gia đình là nơi để quay về
Bạn Nguyễn Thị Thu Tuyết, ngụ ấp Chánh, xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa chia sẻ: "Ngày nay, không ít gia đình dùng những ngày nghỉ tết để tổ chức một chuyến du lịch xa nhà, đón giao thừa ở miền đất mới, nơi có những phong cảnh đẹp, phong tục tập quán xa lạ. Nhưng họ dường như đã quên, có những người bà, người mẹ chỉ chờ ngày tết để sum họp con cháu, để vơi đi phần nào những suy tư của tuổi già, và quan trọng, họ cần con cháu những giờ phút này hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, dù đi làm xa, nhưng em bao giờ cũng muốn trở về nhà, nhất là cùng nhau đón giao thừa và sum vầy ngày mùng 1 tết".
Tất bật mưu sinh suốt cả năm ròng rã, những ngày cuối năm, hơi ấm của gia đình, của quê hương lại lan tỏa khắp ngõ ngách, phố phường nơi những người tha hương trú ngụ. Chị Nguyễn Thị Thanh Hồng, ngụ ấp Sò Đo, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa cho biết: "Đối với tôi, cả nhà sum họp ngày mùng 1 tết rất quan trọng. Đó là ngày khởi đầu cho một năm mới với nhiều ước mơ, hoài bão. Cả năm đi làm ăn xa, nên anh, chị, em tôi thống nhất với nhau, dù ai đi đâu, làm gì, cũng phải về nhà cha mẹ ngày mùng 1 để ăn bữa cơm gia đình. Tết chỉ đơn giản có vậy nhưng thấy ấm lòng".
Mùng 1 tết đối với anh Nguyễn Tấn Phước, ngụ ấp An Thủy, xã An Ninh Tây, huyện Đức Hòa, anh chia sẻ: "Ngày nay, công việc bận bịu, chẳng mấy ai còn nhớ đến cách gói bánh tét sao cho chặt, cách luộc gà sao cho ngon. Giờ đây, chỉ cần đơn giản ra chợ chọn mua. Nhưng dù đi đâu, cứ đến chiều tết là cả gia đình tôi lại hối hả trở về quê, để cùng thăm viếng ông bà, cha mẹ, họ hàng. Ngày mùng 1 tết, bao giờ cũng cùng gia đình đoàn tụ.
Lì xì mừng tuổi
Ngày mùng 1 tết, người lớn thường tặng trẻ em một khoản tiền nho nhỏ, bỏ trong một bao giấy đỏ, gọi là tiền "lì xì" với những lời chúc ăn no, chóng lớn, thông minh, học giỏi hay tượng trưng cho may mắn và tài lộc.
Bé Trần Khánh Vân, 12 tuổi cho biết: "Sáng mùng 1 con thường dậy sớm, mặc quần áo mới qua chúc tết ông bà nội để được tiền lì xì. Ngoài ông bà nội và các cô, chú, bác, con cũng được ba mẹ lì xì. Mỗi năm con được nhiều tiền lì xì lắm và để dành mua sách, vở cho năm học mới".
Ngày nay, phong tục lì xì mừng tuổi ngày mùng 1 tết cũng có nhiều thay đổi. Không còn là người lớn lì xì trẻ con còn mừng tuổi cho những bậc cao niên như ông bà, cha mẹ để chúc họ may mắn, khỏe mạnh và bình an trong năm mới. Chị Lê Thị Mộng Nhân, ngụ ấp An Thuận, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa chia sẻ: "Đối với gia đình tôi, sáng sớm mùng một tết, mọi sinh hoạt thông thường đều như... ngừng lại, các con cháu tụ họp ở nhà ông bà nội để cúng tổ tiên và chúc tết ông bà, cô chú bác... cũng như mừng tuổi lẫn nhau. Không khí ngày này rất đầm ấm và vui vầy nên tất cả mọi người dù đi đâu cũng muốn quay về".
Mùng 1 tết, khi hoa cúc, hoa mai khoe sắc thắm, rạng rỡ đón xuân, cũng là lúc những người thân tìm về với nhau, quây quần bên mâm cơm ấm áp, cùng chia sẻ những câu chuyện chân tình, để thấy "gia đình" là điều tuyệt vời nhất, và ngày mùng 1 tết là khoảng thời gian thiêng liêng để hàn gắn những yêu thương. Hãy để những chuyến xe cuối năm đưa ta về với nơi bình yên đó, nơi có ông bà, cha mẹ, anh, chị, em từng ngày mong ngóng, nơi ta từng có một tuổi thơ luôn rộn rã tiếng cười. Một chút hương đồng gió nội, một nồi bánh tét với đống củi cay nồng mùi khói, một hũ củ kiệu, dưa hành mẹ muối trước nửa tháng trời chờ con, chiếc phong bì đỏ bà chờ lì xì mừng tuổi cháu,... những hình ảnh bình dị đó, chúng ta đừng để trở thành kí ức xa xôi, nhất là trong ngày mùng 1 tết./.
Hoàng Lê
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/mung-1-tet-que-a89410.html