Mừng hay lo khi công chức xin nghỉ việc?

Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, 6 tháng đầu năm 2023, các sở nội vụ đã tham mưu tuyển dụng 14.244 công chức, viên chức (CC, VC) để kịp thời bổ sung số CC, VC xin nghỉ việc, thôi việc. Trước đó, con số thống kê vào cuối năm 2022 cho thấy, trong 2,5 năm qua, có gần 40.000 CC, VC nghỉ việc, chuyển sang khu vực tư nhân. Những con số này cho thấy cả điều mừng và điều lo.

Mừng là quan niệm làm việc trong các cơ quan nhà nước không còn là lựa chọn “bằng mọi giá” của nhiều người và tư tưởng “an phận thủ thường” đang dần bị xóa bỏ. Ai cũng mong muốn có công việc tốt nhất, nhưng khi thấy làm việc trong cơ quan nhà nước không phù hợp; các chế độ, chính sách không đáp ứng được nguyện vọng, nhiều người sẵn sàng rời bỏ để tìm đến môi trường mới. Nhìn rộng hơn, điều này mang ý nghĩa tích cực vì dù làm việc ở khối tư nhân hay Nhà nước cũng đều góp phần phát triển xã hội, tạo được động lực làm việc, cống hiến cho mỗi người.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Ngân sách nhà nước hằng năm dùng để chi trả lương và các chế độ bảo đảm cho CC, VC rất lớn, trong khi đó, con số của cơ quan quản lý ước tính, có đến 30% CC, VC “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Đây là số cán bộ làm việc làng nhàng, hiệu quả thấp, có cũng được mà không có cũng được. Nếu con số CC, VC xin nghỉ việc nằm trong diện 30% này thì rất mừng và cần được khuyến khích để xây dựng bộ máy công quyền tinh, gọn và hiệu quả.

Mừng là quan niệm xin nghỉ việc trong cơ quan nhà nước, thậm chí là từ chức dần trở nên bình thường. Chúng ta còn mong muốn hơn nữa, đó là việc cán bộ xin nghỉ việc, từ chức trong cơ quan công quyền dần trở thành một nét văn hóa trong thực thi công vụ và được tạo điều kiện để xây dựng nét văn hóa này.

Ở chiều ngược lại, con số nhiều CC, VC xin nghỉ việc cũng đặt ra những nỗi lo. Lo là số CC, VC xin nghỉ việc để chuyển ra khối tư nhân lại phần đa làm được việc. Đó là những người có khả năng, trình độ và tự tin với trình độ của mình, có lòng tự trọng nên sẵn sàng tìm thử thách, cơ hội mới. Thế nên số này trong diện 30% “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” có lẽ không nhiều. Nếu nhiều cán bộ có trình độ xin nghỉ việc, các cơ quan nhà nước sẽ thiếu hụt nhân lực cao, ảnh hưởng phần nào đến chất lượng công vụ.

Lo là chế độ, chính sách đãi ngộ, nhất là chính sách tiền lương, công tác quản lý lao động chưa phù hợp khiến cán bộ không yên tâm công tác, phải chân trong chân ngoài. Trong khi đó, ở một số lĩnh vực, nhiều CC, VC “lương không đủ sống” trong khi áp lực công việc không nhẹ. Mức lương bình quân chung của CC, VC hiện thấp hơn mức lao động phổ thông không cần đào tạo ở trình độ cao đẳng, đại học, chẳng hạn như người làm nghề lái xe taxi, thợ xây dựng... Bởi thế, việc tăng lương cơ sở mới chỉ đáp ứng được phần nào, điều quan trọng là phải khẩn trương thực hiện cải cách chính sách tiền lương để nâng cao thu nhập cho CC, VC.

Lo là chính sách của Nhà nước nhằm giữ chân và phát huy được năng lực của người tài, nguồn nhân lực có trình độ cao nếu không tốt sẽ khiến nhiều người có trình độ cao rời bỏ cơ quan nhà nước. Trong khi đó, Nhà nước cũng khó để thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc, nơi cần sự tinh hoa, tinh túy.

Mừng và lo là hai mặt của một vấn đề và biện chứng trong quan hệ với nhau. Trách nhiệm của cơ quan quản lý, xây dựng chính sách là làm sao để mừng nhiều hơn lo trong lĩnh vực này.

NGUYỄN ANH TUẤN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/mung-hay-lo-khi-cong-chuc-xin-nghi-viec-734049