Mừng hay lo khi trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới?
Dân số Ấn Độ đã chạm mốc 1,426 tỷ người, vượt qua dân số của Trung Quốc đại lục. Câu hỏi đặt ra là quốc gia này nên vui mừng hay lo lắng trước dấu mốc mới?
Để ước tính và dự báo dân số của Ấn Độ và Trung Quốc, Liên Hợp Quốc dựa vào thông tin về mức độ và xu hướng sinh sản, tử vong và di cư thu thập từ các cuộc khảo sát và dữ liệu hành chính.
Cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có hơn 1,4 tỷ dân và trong hơn 70 năm qua, hai quốc gia này đã chiếm hơn 1/3 dân số toàn cầu.
Tuy nhiên, dân số Trung Quốc có thể sẽ bắt đầu giảm vào năm 2024. Năm 2022, Trung Quốc có 10,6 triệu trẻ sơ sinh, nhiều hơn một chút so với số người chết. Theo Liên Hợp Quốc, dân số nước này sẽ tiếp tục giảm và có thể thấp hơn một tỷ người trước cuối thế kỷ này.
Tỷ lệ sinh của Ấn Độ cũng giảm đáng kể trong những thập kỷ gần đây, từ 5,7 ca sinh/phụ nữ vào năm 1950 xuống còn 2 ca sinh/phụ nữ, nhưng tốc độ giảm chậm hơn Bắc Kinh. Liên Hợp Quốc dự đoán dân số Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng trong vài thập kỷ và đạt đỉnh vào khoảng năm 2064, sau đó giảm dần.
Vậy việc Ấn Độ vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới có ý nghĩa gì?
Trung Quốc giảm dân số nhanh hơn Ấn Độ
Trung Quốc đã giảm khoảng một nửa tỷ lệ tăng dân số từ 2% năm 1973 xuống còn 1,1% năm 1983. Các nhà nhân khẩu học cho biết kết quả này phần lớn là nhờ các chiến dịch khuyến khích chỉ sinh một con, kết hôn muộn,... Đầu tư vào y tế công cộng, tăng cường giáo dục và sự tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động cũng góp phần làm giảm mức sinh.
Trong khi đó, dân số Ấn Độ đã tăng hơn gấp 3 lần trong sáu thập kỷ sau khi giành độc lập - từ 361 triệu người năm 1951 lên hơn 1,2 tỷ người năm 2011.
Ấn Độ chứng kiến sự gia tăng dân số nhanh chóng - gần 2% mỗi năm - trong phần lớn nửa sau của thế kỷ trước. Theo thời gian, tỷ lệ tử vong giảm, tuổi thọ tăng và thu nhập tăng. Nhiều cư dân - đặc biệt là những người sống ở thành phố - được tiếp cận với nước uống sạch và hệ thống thoát nước hiện đại.
Ấn Độ triển khai chương trình kế hoạch hóa gia đình vào năm 1952 và lần đầu đưa ra chính sách dân số quốc gia vào năm 1976, trùng với khoảng thời gian Trung Quốc đang bận rộn giảm tỷ lệ sinh.
Bên cạnh đó, Ấn Độ cũng không còn lo ngại bùng nổ dân số. Quốc gia này đã có thêm hơn một tỷ người kể từ khi giành độc lập vào năm 1947 và dân số dự kiến tăng trong 40 năm nữa. Tuy nhiên, tỷ lệ tăng dân số đã giảm trong nhiều thập kỷ, bất chấp những dự đoán nghiêm trọng về một "thảm họa nhân khẩu học".
Vì vậy, các chuyên gia cho rằng việc Ấn Độ có nhiều dân hơn Trung Quốc không còn "đáng lo ngại".
Thu nhập tăng, cùng khả năng tiếp cận y tế và giáo dục được cải thiện, đã giúp phụ nữ Ấn Độ sinh ít con hơn trước. Tỷ lệ sinh đã giảm xuống dưới mức thay thế - 2 lần sinh trên một phụ nữ - ở 17/22 tiểu bang và vùng lãnh thổ.
Việc vượt qua Trung Quốc trong bản đồ dân số thế giới cũng có thể mang lại lợi thế nhất định cho Ấn Độ, chẳng hạn củng cố yêu cầu giành một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Ấn Độ là một thành viên sáng lập của Liên Hợp Quốc và luôn khẳng định yêu cầu của họ với một ghế thường trực là chính đáng.
“Tôi nghĩ bạn có quyền đòi hỏi nhất định (khi trở thành quốc gia có dân số đông nhất)”, John Wilmoth, giám đốc Ban Dân số Vụ Kinh tế và Xã hội Liên Hợp Quốc, nói.
Theo KS James, Giám đốc Viện Khoa học Dân số Quốc tế có trụ sở tại Mumbai, cách dân số Ấn Độ đang thay đổi cũng rất quan trọng.
Bất chấp những hạn chế, Ấn Độ xứng đáng được ghi nhận vì đã có "sự chuyển đổi nhân khẩu học lành mạnh" dù đất nước còn nghèo và học thức thấp. "Hầu hết quốc gia làm được điều này sau khi họ đạt được trình độ học vấn và mức sống cao hơn", giáo sư James nhận định.
Một tin vui khác là cứ 5 người dưới 25 tuổi trên thế giới thì có một người từ Ấn Độ. 47% dân số nước này đang ở độ tuổi dưới 25. Và nhóm thanh niên này có một số đặc điểm độc đáo, nhà kinh tế Shruti Rajagopalan cho biết trong một nghiên cứu mới.
“Thế hệ thanh niên Ấn Độ này sẽ là nguồn lao động và người tiêu dùng lớn nhất trong nền kinh tế tri thức và mạng lưới hàng hóa. Người Ấn Độ sẽ là nguồn tài năng toàn cầu lớn nhất”, bà nói.
Thách thức nghiêm trọng
Tuy nhiên, Ấn Độ cũng phải đối mặt với những thách thức đáng quan ngại. Quốc gia này cần tạo đủ việc làm cho dân số trẻ trong độ tuổi lao động để thu được lợi tức nhân khẩu học. Theo Trung tâm Giám sát Kinh tế Ấn Độ (CMIE), chỉ 40% dân số trong độ tuổi lao động tại nước này đang làm việc hoặc muốn làm việc.
Nhiều phụ nữ cần việc làm hơn khi họ dành ít thời gian sinh con và chăm sóc con cái. Tuy nhiên, tính đến tháng 10/2022, chỉ 10% phụ nữ trong độ tuổi lao động ở nước này tham gia lực lượng lao động, so với 69% ở Trung Quốc.
Tiếp đến là vấn đề di cư. Khoảng 200 triệu người Ấn Độ đã di cư trong nước - giữa các bang và quận - và con số này chắc chắn sẽ tăng lên. Hầu hết là những người lao động bỏ làng đến thành phố tìm việc.
"Các thành phố sẽ phát triển khi lượng người di cư tăng lên do các ngôi làng thiếu việc làm và mức lương thấp. Liệu họ có thể cung cấp cho nhóm người này mức sống hợp lý không? Nếu không, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều khu ổ chuột và dịch bệnh hơn", S Irudaya Rajan, chuyên gia tại Viện Di cư và Phát triển Quốc tế Kerala, cho biết.
Các nhà nhân khẩu học cho rằng Ấn Độ cũng cần chấm dứt nạn tảo hôn và đảm bảo đăng ký khai sinh đúng cách. Ngoài ra, tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh - nghĩa là nhiều bé trai được sinh ra hơn bé gái - vẫn là một vấn đề đáng lo ngại.
Tình trạng già hóa dân số ở Ấn Độ cũng ít được chú ý. Năm 1947, độ tuổi trung bình của Ấn Độ là 21 và chỉ có 5% dân số trên 60 tuổi. Ngày nay, độ tuổi trung bình là trên 28 với hơn 10% dân số trên 60 tuổi, theo BBC.
Liên Hợp Quốc ước tính từ năm 2023 đến năm 2050, số người từ 65 tuổi trở lên dự kiến tăng gần gấp đôi ở Trung Quốc và hơn gấp đôi ở Ấn Độ, "đặt ra những thách thức đáng kể đối với hệ thống bảo hiểm xã hội và chăm sóc sức khỏe".
“Khi dân số trong độ tuổi lao động giảm, việc hỗ trợ dân số già sẽ trở thành gánh nặng ngày càng lớn đối với các nguồn lực chính phủ. Cấu trúc gia đình sẽ phải thay đổi và những người lớn tuổi sống một mình ngày càng trở thành mối lo ngại”, bà Rukmini S, nhà báo dữ liệu độc lập ở Chennai (Ấn Độ), cho biết.