Mừng lễ bằng bóng đá SEA Games 32

SEA Games 2023, thể thao Việt Nam đặt mục tiêu giành từ 89-120 HCV, trong đó bảo vệ được 2 tấm HCV bóng đá nam, nữ. Đây cũng là 2 nội dung thi đấu đầu tiên đúng vào dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, 30-4 và 1-5.

Bóng đá nam, nữ Việt Nam có tái lập cú đúp HCV SEA Games?

Bóng đá nam, nữ Việt Nam có tái lập cú đúp HCV SEA Games?

Áp lực thành tích lần này không quá lớn nhưng người hâm mộ vẫn chờ đợi một chiến thắng trong ngày ra quân để mừng lễ trọn niềm vui.

* Tuyển U.22 Việt Nam quẳng gánh lo đi

Sau khi bảo vê được tấm HCV, khát vọng của bóng đá nam tại đấu trường SEA Games đã không còn cháy bỏng. Nhưng áp lực lớn tại Campuchia 2023 đến từ chính HLV Troussier ở giải đấu chính thức đầu tiên, cùng lứa cầu thủ mới muốn chứng tỏ mình. Sẽ là một kỳ SEA Games đầy thách thức.

Về khách quan, chúng ta là nhà vô địch 2 kỳ liên tiếp, sẽ là mục tiêu của mọi đối thủ, đã vậy lại cùng bảng với 2 ứng viên Thái Lan, Malaysia. Nếu sơ sẩy, khả năng bị loại từ vòng bảng hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng với đấu trường khu vực, trước những đối thủ ngang tầm vốn quá quen thuộc thì ở bảng đấu nào, gặp ai cũng vậy thôi nếu muốn đi đến trận cuối cùng.

Thứ nữa, bóng đá nam SEA Games 32 trở lại với sân chơi chỉ thuần dành cho U.22. Ai cũng thấy 2 tấm HCV 2019 và 2021 mà HLV Park Hang-seo góp phần mang lại có vai trò rất lớn của các ngôi sao quá tuổi được tăng cường; ở SEA Games 30 là Trọng Hoàng và Hùng Dũng, còn SEA Games 31 là Hùng Dũng, Tiến Linh, Hoàng Đức. Trong khi lứa U.22 này của bóng đá Việt Nam không bằng thế hệ đàn anh về cả tài năng lẫn kinh nghiệm thi đấu.

Về chủ quan, HLV Troussier với triết lý mới nhưng chỉ có 1 tháng với 6 trận giao hữu và đá tập để xây dựng lại từ đầu. Không dễ để thay đổi thói quen chơi bóng đã ăn sâu vào các cầu thủ từ cấp độ trẻ đến ở CLB trong thời ngắn như vậy. Bằng chứng là chuỗi thành tích bết bát vừa qua.

Băn khoăn, lo lắng nhưng không nên bi quan. Đã dùng thì phải tin. Với đẳng cấp, kinh nghiệm và sự tự tin vẫn đi đúng hướng của HLV người Pháp, trên xứ Chùa Tháp sẽ là một U.22 Việt Nam hoàn toàn khác. Vấn đề là các cầu thủ trẻ của chúng ta hãy cởi bỏ áp lực để chơi bóng với niềm vui.

Bù lại cho bảng đấu gai góc, U.22 Việt Nam có thuận lợi là gặp các đối thủ từ yếu đến mạnh dần lên: Lào (19 giờ ngày 30-4), Singapore (16 giờ ngày 3-5) rồi nghỉ 4 ngày trước khi chạm trán Malaysia (19 giờ ngày 8-5) và trận cuối cùng gặp Thái Lan (19 giờ ngày 11-5). Điều này giúp thầy trò HLV Troussier bắt nhịp dần với cường độ của giải cũng như có thời gian để điều chỉnh những khiếm khuyết.

* Đội tuyển nữ: SEA Games không còn là đích nhắm

Với 7 tấm HCV trong lịch sử 12 kỳ SEA Games (thực chất 2 kỳ đầu tiên có bóng đá nữ 1985, 1995 Việt Nam chưa tham dự) và 3 ngôi hậu liên tiếp gần đây, thầy trò HLV Mai Đức Chung không cần gì để chứng minh tại Campuchia 2023. Với Huỳnh Như và đồng đội, SEA Games 32 là bước đệm cho màn ra mắt lần đầu tiên ở World Cup 2023 sau đây 3 tháng. Tuy nhiên, trở thành đội tuyển nữ đầu tiên lập kỷ lục 4 lần liên tiếp vô địch SEA Games sẽ giúp các cô gái chúng ta đến New Zealand với tư thế tự tin hơn. Có điều lần này khó hơn bội phần.

Nếu so với bảng B chỉ có Thái Lan cùng Singapore, Lào và chủ nhà Campuchia thì bảng A thực sự là bảng “tử thần” khi sau trận ra quân với Malaysia (ngày 3-5), tuyển nữ Việt Nam phải chơi liền 2 trận “chung kết” với Myanmar (ngày 6-5) và Philippines (ngày 9-5). Tại Giải Đông Nam Á năm ngoái, nữ Việt Nam dù thắng Myanmar 4-0 ở vòng bảng nhưng lại thua 3-4 ở trận tranh hạng 3. Tuy nhiên, đối thủ đáng gờm nhất là Philippines với dàn cầu thủ nhập tịch và đang thi đấu ở Âu - Mỹ có thể hình vượt trội, lần đầu tiên chúng ta đã phải nhận thất bại nặng nề 0-4 ở bán kết.

Trần Đỗ - Yên Chi

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/thethao/202304/mung-le-bang-bong-da-sea-games-32-3164616/